Làng Biot ở miền Nam nước Pháp: Nơi gặp gỡ của du lịch và nghệ thuật

Không chỉ nổi tiếng nhờ vẻ đẹp và các di tích cổ, làng Biot ở miền Nam nước Pháp còn được biết đến như một chiếc nôi của nghề thủ công truyền thống, đồng thời là “thiên đường của nghệ thuật.”

Làng Biot ở miền Nam nước Pháp: Nơi gặp gỡ của du lịch và nghệ thuật
Làng Biot vẫn giữ được nét cổ kính với những đường phố sỏi đá hẹp và các ngõ hẻm yên tĩnh. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Vietnam+)

Làng Biot là một thị trấn cổ kính nằm ở miền Nam nước Pháp, thuộc tỉnh Alpes-Maritimes trong vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur. Không chỉ thu hút du khách bằng lịch sử lâu đời và phong cảnh đẹp, Biot còn được biết đến nhờ những tác phẩm sáng tạo.

Có niên đại từ năm 154 trước Công nguyên, ngôi làng đến nay vẫn còn giữ được những nét cổ kính với những đường phố sỏi đá hẹp và các ngõ hẻm yên tĩnh cùng những sân hình vuông nhỏ nhắn.

Biot có nhiều di tích lịch sử như nhà thờ Sainte-Marie-Madeleine được xây dựng vào thế kỷ 16 hay lâu đài cổ Château des Comtes de Provence được xây dựng vào thế kỷ 14.

Không chỉ nổi tiếng nhờ vẻ đẹp và các di tích cổ, làng Biot còn được biết đến như một chiếc nôi của nghề thủ công truyền thống như gốm sứ, thổi thủy tinh, dệt và in lụa, đồng thời là “thiên đường của nghệ thuật.”

Làng Biot ở miền Nam nước Pháp: Nơi gặp gỡ của du lịch và nghệ thuật
Một hẻm nhỏ ở Biot. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Vietnam+)

Nghề làm gốm và thủy tinh địa phương được phát triển từ thế kỷ 13. Những sản phẩm thủy tinh nghệ thuật của Biot có chất lượng cao và được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Đặc biệt, thủy tinh Biot có màu xanh biển độc đáo, được tạo ra bởi quá trình sử dụng hỗn hợp đất sét đặc biệt từ khu vực này.

Bà Annick Bascou, một dân làng và cũng là chủ cửa hàng bán đồ thủy tinh Biot, cho biết làng ban đầu chỉ có một xưởng thủy tinh, nơi đã đào tạo ra nhiều thợ thổi thủy tinh nổi tiếng. Những người này sau đó đã lập ra các xưởng riêng và tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng.

Khi đó, họ không còn là những thợ thổi thủy tinh thuần túy nữa mà đã trở thành nghệ nhân. Họ cũng làm việc với nhiều nghệ nhân của Séc, nơi nổi tiếng với nghề thủy tinh pha lê truyền thống, để tạo nên thương hiệu đặc biệt cho các sản phẩm của làng. Bảo tàng Lịch sử địa phương đến nay đang lưu giữ những chiếc bình, lọ và hiện vật thủy tinh cổ của làng Biot.

Không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm thủy tinh, Biot còn là điểm đến của nhiều người yêu thích nghệ thuật và yêu thích đồ thủ công mỹ nghệ, nơi chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo đa dạng và phong phú của các nghệ sỹ.

Làng Biot ở miền Nam nước Pháp: Nơi gặp gỡ của du lịch và nghệ thuật
Một số sản phẩm thủy tinh, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ do các nghệ nhân của làng tạo nên. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Vietnam+)

Đi dạo một vòng trong ngôi làng cổ Biot có tuổi đời hơn 2.000 năm, du khách có thể tham quan những phòng tranh, phòng triển lãm, trung tâm giới thiệu sản phẩm sáng tạo, bảo tàng nghệ thuật hay ngắm nhìn và mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Đây cũng là nơi đặt Bảo tàng trưng bày một bộ sưu tập các tác phẩm của Fernand Léger – một họa sỹ, nhà điêu khắc và nhà làm phim người Pháp nổi tiếng.

Bà Maura Biamonti là một nghệ nhân chế tác đồ trang sức đã gắn bó với ngôi làng hơn 10 năm. Đối với bà, các chất liệu dù là vàng, bạc, đá quý hay vỏ vỏ ốc, hòn sỏi, khúc gỗ… đều có thể tạo nên những món đồ trang sức độc đáo như vòng tay, vòng cổ hay chiếc nhẫn.

Là người gốc Italy nhưng bà Maura Biamonti đã chọn ngôi làng này để lập nghiệp vì dân làng Biot ít nhiều có nguồn gốc từ Italy.

Làng Biot ở miền Nam nước Pháp: Nơi gặp gỡ của du lịch và nghệ thuật
Bà Maura Biamonti là một nghệ nhân chế tác đồ trang sức độc đáo từ các chất liệu như vàng, bạc, đá quý và cả vỏ ốc, hòn sỏi, khúc gỗ… (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Vietnam+)

“Khi dịch hạch hoành hành ở châu Âu cuối thể kỷ 15, đã có nhiều người Italy đến làng Biot sinh sống. Biot là ngôi làng rất sống động, là nơi nhiều nghệ sỹ và nghệ nhân đến sinh sống. Họ làm đồ gốm, thủy tinh, vẽ tranh, sáng tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Khách du lịch đến đây rất nhiều vì họ luôn tìm thấy những tác phẩm nghệ thuật độc đáo,” bà Maura Biamonti chia sẻ.

Ông Xavier Teboul là chủ xưởng gốm Poisson d’argil và từng là chuyên gia thiết kế bao bì cho các thương hiệu dược mỹ phẩm cao cấp ở Monaco. Thế nhưng vì tình yêu mạnh mẽ với điêu khắc và gốm sứ, ông đã từ bỏ công việc có thu nhập cao để đến Biot lập nghiệp.

Ông tâm sự: “Đây là nơi tôi thực hiện ước mơ của mình: tạo ra các tác phẩm điêu khắc từ đất sét. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được sống trong không gian sáng tạo nghệ thuật của mình ở Biot. Tôi đã ở đây được 3 năm và nhiều nghệ sỹ khác cũng lựa chọn làng này để sống và sáng tạo như tôi.”

Quảng bá sản phẩm của nghệ nhân trẻ địa phương

Nằm ở trung tâm của làng, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của các nghệ nhân trẻ địa phương luôn là điểm thu hút khách du lịch. Ở đây, họ có thể tìm thấy nhiều sản phẩm độc đáo như bưu thiếp vẽ hoa, sản phẩm đan len, đồ lưu niệm bằng sành sứ thủy tinh hay những chiếc đèn làm từ những khúc gỗ vụn.

Bà Pascale Stenzer, phụ trách cửa hàng, cho biết nơi đây không chỉ là điểm giới thiệu và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn là không gian để 16 nghệ nhân trẻ phát huy tài năng và nuôi dưỡng đam mê với nghề truyền thống được sáng tạo từ gỗ, sành sứ, vải, len.

“Chúng tôi mong muốn giới thiệu tới khách du lịch các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồng thời quảng bá tài năng của các nghệ nhân trẻ ở địa phương, giúp họ có nguồn lực tài chính để nuôi dưỡng sự sáng tạo, tình yêu nghệ thuật và bảo tồn nghề truyền thống của làng.”

Làng Biot ở miền Nam nước Pháp: Nơi gặp gỡ của du lịch và nghệ thuật
Ông Xavier Teboul, chủ xưởng gốm Poisson d’argil luôn hạnh phúc với thế giới hải sản bằng đất sét. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Vietnam+)

Có thể nói, làng Biot là một hình mẫu của sự kết hợp hoàn hảo giữa lịch sử, nghệ thuật và văn hóa, vừa bảo tồn truyền thống vừa sẵn sàng đón nhận sự sáng tạo mới mẻ.

Biot đã trở thành một trong những làng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng, là một điểm đến tuyệt vời cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp và sự đa dạng của miền Nam nước Pháp, đồng thời mang lại nguồn thu lớn cho địa phương./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích