Lần đầu tiên NASA đã làm chuyển hướng tiểu hành tinh
Lần đầu tiên NASA đã làm chuyển hướng tiểu hành tinh
Lúc 6h14 sáng ngày 27/9, tàu vũ trụ thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đâm thành công vào tiểu hành tinh Dimorphos đang bay cách Trái đất 11 triệu km.
Tiểu hành tinh Dimorphos có chiều rộng khoảng 160m, là một phần của hệ thống tiểu hành tinh kép. Nó quay xung quanh một tiểu hành tinh lớn hơn mang tên Didymos (rộng 390m).
Tàu vũ trụ DART to bằng một chiếc xe golf, nặng 550kg có dạng một hình khối lập phương. Nó được trang bị các cảm biến, một ăng-ten, một bộ đẩy ion và hai mảng năng lượng Mặt trời dài 8,5m và di chuyển với tốc độ lên tới 21.160 km/h.
DART đã kịp chụp lại những khoảnh khắc cuối cùng trước khi va chạm với tiểu hành tinh Dimorphosvà vỡ ra thành từng mảnh. Camera chính của DART gửi một bức ảnh về Trái Đất mỗi giây cho tới khi màn hình chuyển màu đen vào khoảnh khắc tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh.
NASA cho biết, vụ va chạm làm giảm vận tốc của tiểu hành tinh Dimorphos xuống khoảng 1% và đưa quỹ đạo của nó tiến gần hơn với tiểu hành tinh Didymos. Chu kỳ quỹ đạo 12 giờ của Dimorphos dự kiến sẽ chậm lại 73 giây, nhưng con số này cũng có thể lên tới 10 phút.
Đây là thử nghiệm đầu tiên của con người về khả năng làm chuyển hướng một tiểu hành tinh khổng lồ có thể gây nguy hiểm cho Trái đất trong tương lai, giúp con người tránh khỏi nguy cơ bị diệt vong. Tom Statler, nhà khoa học làm việc trong chương trình DART của NASA, cho biết: “Chúng tôi đang thay đổi chuyển động của một thiên thể tự nhiên trong vũ trụ. Nhân loại chưa bao giờ làm điều đó trước đây”. Nguy cơ một tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất rất xa xôi, nhưng có thực, theo các nhà khoa học NASA. NASA phát hiện khoảng 40% tiểu hành tinh lớn rộng 140 m có thể đe dọa Trái Đất và thường xuyên quét bầu trời để tìm kiếm thêm.
Tú Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị