Lần đầu tiên cứu hộ thành công Voọc xám đực quý hiếm
Đội cứu hộ của Chương trình cứu hộ Linh trưởng nguy cấp (EPRC) – Vườn quốc gia Cúc Phương cứu hộ thành công 2 cá thể Voọc xám quý hiếm |
Hồ sơ tiếp nhận của cơ quan Kiểm lâm cho biết, anh Trịnh Đức Mạnh, sinh năm 1994, cư ngụ tại thị trấn Lang Chánh, Thanh Hóa khi đang tham gia giao thông, đã phát hiện 2 cá thể này bên sườn núi, trong tình trạng mệt mỏi. Anh đã đưa về nhà và liên hệ với cơ quan chức năng để giao nộp.
Theo ghi nhận ban đầu, đây là 2 cá thể thuộc loài Voọc xám, tên khoa học Trachypithecus crepusculus – loài vô cùng quý hiếm, được bảo hộ tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP, và Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Các chuyên gia của EPRC, hiện nay ngoài tự nhiên Voọc xám có số lượng ước tính khoảng trên dưới 500 cá thể. Hiện 2 cá thể đã được di chuyển an toàn về khu cách ly đặc biệt tại EPRC Cúc Phương để các bác sĩ của Chương trình hồi phục tâm lý, chăm sóc ban đầu. Cá thể con có trọng lượng ước tính khoảng 1kg, đã được khoảng 4 đến 5 tháng tuổi.
Điều đặc biệt, cá thể con non này có giới tính đực. Đây là một thông tin vui mừng đối với EPRC Cúc Phương nói riêng và công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi loài này trong thời gian tới.
Vọoc Xám là loài động vật rất quý hiếm |
“Lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi cứu hộ và tiếp nhận được một cá thể Voọc xám có giới tính đực. Như vậy, hiện tại EPRC Cúc Phương có 6 cá thể cái và 1 cá thể đực. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để chăm sóc cá thể này sinh trưởng, phát triển tốt. Đây sẽ là nguồn gen vô cùng quý hiếm cho việc phát triển loài trong tương lai”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Khoa học Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Cúc Phương), Giám đốc Dự án Bảo tồn các loài Linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn Quốc gia Cúc Phương phấn khởi chia sẻ.
Thời gian qua, việc nhiều người dân liên hệ với cơ quan chức năng các địa phương cũng như các chương trình cứu hộ bảo tồn của Cúc Phương để giao nộp động vật hoang dã, cho thấy hiệu quả của công tác giáo dục môi trường, nhận thức và hành vi của xã hội đang được nâng lên rõ rệt.
Nguồn: Báo lao động thủ đô