Làm thế nào để người lao động không bị chủ trọ đẩy ra đường lúc này?

Chuyên gia cho rằng chỉ có thể khuyến khích, chứ không thể bắt buộc chủ trọ giảm tiền thuê nhà cho người lao động. Vấn đề nhà ở của công nhân cần giải pháp căn cơ và lâu dài hơn.

Cuối tháng 7, Nguyễn Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội) gói ghém quần áo, thu dọn đồ đạc trong căn phòng trọ mình đang ở, chuẩn bị về quê. Cố gắng để trụ lại, nhưng dịch bệnh bùng phát tại Hà Nội khiến cô phải tạm dừng công việc ở cửa hàng bán quần áo vô thời hạn, thu nhập một tháng qua mất trắng.

Dù năn nỉ xin khất tiền trọ trong 1 tháng tới và hứa sẽ sớm tìm việc mới để trang trải, cô vẫn nhận được cái lắc đầu của chủ trọ. Nơi cô ở giờ vắng tanh, phòng nào cũng trống hoác vì sinh viên hoặc công nhân thất nghiệp đã về quê hết.

Nhiều bạn bè của Linh cũng không thể trụ lại thành phố vì không trang trải nổi tiền nhà do công việc đình trệ. Dù vậy, nhiều người cho biết rất khó để xin chủ nhà giảm tiền trọ hoặc gia hạn thêm thời gian đóng tiền.

Giảm tiền trọ là cách giữ chân người thuê nhà

Trao đổi với Zing, ông Nhạc Phan Linh, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho rằng rất khó để ban hành một chính sách chung yêu cầu chủ nhà trọ giảm giá hoặc gia hạn thời gian đóng tiền nhà cho người lao động. Bởi lẽ, việc này dựa trên các thỏa thuận và hợp đồng kinh tế cá nhân.

“Về mặt chính sách thì không thể yêu cầu giảm tiền thuê, mà chỉ có thể vận động, khuyến khích các chủ nhà trọ với tinh thần chia sẻ trách nhiệm cộng đồng với người có hoàn cảnh khó khăn”, ông Linh nói.

lam the nao de nguoi lao dong khong bi chu tro day ra duong luc nay
Ông Nhạc Phan Linh, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết các chủ nhà trọ cần được vận động, khuyến khích việc giảm tiền thuê, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong mùa dịch. Ảnh: NVCC.

Từ việc xem xét tính khả thi của các phương án, ông Linh nhận định phương án vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê hoặc gia hạn thêm thời gian đóng là tối ưu nhất, nhưng sẽ dẫn đến chuyện có chỗ giảm, chỗ không.

Dù vậy, theo chuyên gia, nếu đứng ở phương diện là chủ nhà trọ, việc hỗ trợ cho người lao động cũng là cách giữ chân người thuê trọ. Hiện, người lao động có xu hướng rời khỏi khu vực đô thị, khu công nghiệp do các hoạt động sản xuất đang đình trệ vì Covid-19.

Do đó, nếu tiền thuê nhà quá cao, người lao động không đủ khả năng gánh vác sẽ buộc phải rời đi. Lúc này, chủ nhà trọ cũng sẽ mất đi một nguồn thu nhập.

Chủ nhà trọ giảm giá tiền cho người lao động vừa thể hiện trách nhiệm cộng đồng, vừa giữ chân được người thuê trọ.

Ông Nhạc Phan Linh

Vì vậy, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng việc vận động theo hướng để chủ trọ giảm giá tiền cho người thuê vừa là thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm cộng đồng, vừa để giữ chân được người thuê trọ, giống như cách các doanh nghiệp đang giữ chân công nhân.

Ngoài phương án vận động trên, chuyên gia cho rằng các địa phương hoặc Nhà nước có thể tạo một gói hỗ trợ hoặc một hạng mục hỗ trợ riêng cho phần chi phí nhà ở của công nhân, lao động. Hình thức hỗ trợ nên là chi trả trực tiếp cho người lao động dựa trên danh sách tổng hợp, thống kê của công đoàn, ngành lao động địa phương.

Nếu không phải là các lao động tự do, việc hỗ trợ tiền ở cho người lao động cũng có thể do doanh nghiệp, công ty triển khai.

Ở phương án này, ưu điểm của việc có chính sách hỗ trợ chung là sẽ được triển khai đồng đều, nhưng nhược điểm là nhiều chủ nhà trọ biết đến gói hỗ trợ này có thể sẽ không giảm tiền nhà cho công nhân nữa.

Thúc đẩy triển khai nhà ở xã hội

Bên cạnh những giải pháp trên, theo ông Nhạc Phan Linh, giải pháp căn cơ và lâu dài đối với trường hợp công nhân ở trọ là phải gấp rút xây dựng và đầu tư chính sách nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đặc biệt tại các khu công nghiệp.

Theo ông Linh, mặc dù dịch Covid-19 làm thay đổi cách thức sản xuất ở nhiều doanh nghiệp và khiến nhiều công nhân mất việc, nhu cầu nhà trọ của người lao động trên thực tế vẫn cao.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã bố trí chỗ ăn, chỗ ở cho công nhân theo phương án “3 tại chỗ” ở khu vực sản xuất nhưng việc này cũng gây nhiều hệ lụy khi nhiều nơi không đáp ứng được nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ của người lao động, khiến họ bức xúc.

“Đương nhiên, trong tình huống dịch thì việc bố trí ăn ở tại doanh nghiệp chỉ là tạm thời, còn về lâu dài ai cũng muốn có nơi ăn, chốn ở. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất vẫn là thúc đẩy gói chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho công nhân, lao động”, ông Linh nói.

lam the nao de nguoi lao dong khong bi chu tro day ra duong luc nay
Chuyên gia cho rằng việc bố trí ăn, ngủ, sản xuất tại chỗ cho công nhân chỉ là phương án tạm thời, cần giải pháp căn cơ hơn cho vấn đề nhà ở của người lao động. Ảnh: Thạch Thảo.

Về vấn đề trên, ngày 27/7, báo cáo tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân và người lao động cả nước là vấn đề nhà ở.

Thực tế, việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua khiến vấn đề này càng lộ rõ.

“Hàng triệu công nhân từ Bắc đến Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao”, ông Khang nói.

Hàng triệu công nhân phải sống trong nhà trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao.

Nguyễn Đình Khang
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết có những địa phương ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha, trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha.

Như vậy, theo ông Khang, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có hơn 2,5 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng hơn 330.000 lao động.

“Con số này quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân”, ông Khang nhận định.

Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà dành cho công nhân nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tuy nhiên, các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, từ đó gây ra những bức thiết về nhà ở cho công nhân.

Từ thực tế trên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân.

“Đây là lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương”, ông Khang nói.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích