Làm thế nào để nâng cao kim ngạch xuất khẩu cá tra vào năm 2024?
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn. Ước năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700ha (bằng 98% năm 2022); sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ bằng 75% so năm 2022.
Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu cá tra giảm ở các thị trường chính, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022.
Tuy nhiên, thị trường cá tra đang có tín hiệu quả quan hơn ở một số thị trường như: Trung Quốc, Mexico, Canada, Braxin, Anh, đặc biệt từ quý II/2024. Dự báo, sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so năm 2023; sản lượng thu hoạch trong quý I và II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.
Tại Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt được mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là 02 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ fillet, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn…) theo nhu cầu thị trường; áp dụng công nghệ vaccine phòng bệnh, di truyền phân tử…, để nâng cao chất lượng giống cá tra.
Cùng với đó, khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; cắt giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh; cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu – nhà máy chế biến – cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm theo các phân khúc thị trường khác nhau, đặc biệt quan tâm sản phẩm chế biến sẵn…, để nâng cao giá trị từ cá tra.
Cùng với mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện các quy định về chứng nhận cho sản phẩm cá tra theo yêu cầu của các thị trường quốc gia Hồi giáo (Halal), các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cần quan tâm mở rộng thị trường trong nước, hướng tới các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học; mở rộng thị trường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và các hiệp hội ngành hàng cần chủ động, kịp thời phối hợp cơ quan thẩm quyền các quốc gia nhập khẩu và các đơn vị liên quan để xử lý các rào cản kỹ thuật; tiếp tục quan tâm, kết nối, phát triển thị trường cho sản phẩm cá tra, nhất là khối thị trường Hồi giáo và thị trường Trung Quốc; thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu và diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu, chia sẻ thông tin với các đơn vị có liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu