Làm thế nào để đô thị không còn là “chảo lửa” vào mùa nắng nóng?
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (U.S Environmental Protection Agency – EPA), đảo nhiệt đô thị là hiện tượng khu vực nội đô có nhiệt độ cao hơn hẳn so với các khu vực ngoại thành trong cùng một thời điểm. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do những khối kiến trúc như tòa nhà cao tầng, đường xá và các cơ sở hạ tầng dày đặc thường xuyên sử dụng những vật liệu hấp thụ nhiệt kém như bê tông, kính, kim loại, gạch, đá…
Nhiệt lượng tỏa ra từ mặt trời không được hấp thụ sẽ phản ngược lại vào không khí, đồng thời cũng không thể đi đến tầng khí quyển cao hơn do bị những tòa nhà cao tầng giữ lại, khiến cho nhiệt độ môi trường tăng lên. Đồng thời, khí phát ra từ các phương tiện giao thông và từ điều hòa nhiệt độ càng khiến cho những khu vực ít cây xanh, ít diện tích đất tự nhiên trở nên nóng hơn hẳn những khu vực dồi dào cây xanh như ngoại vi thành phố.
Đảo nhiệt đô thị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của cư dân thành phố, tiêu tốn năng lượng đồng thời gây hại đến môi trường sinh thái. Cùng với hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, đảo nhiệt đô thị đang ngày càng lan rộng, có chiều hướng tiêu cực.
Để ứng phó với đảo nhiệt đô thị, nhiều thành phố trên thế giới đã đề xuất những biện pháp giảm nhiệt, ngăn cản hấp thụ nhiệt lượng và tỏa nhiệt ra môi trường như sau:
Ứng dụng mái nhà xanh, mái nhà làm mát trong các công trình kiến trúc
Mới đây, ngày 22/8, thành phố Sydney (Úc) đã ban hành lệnh cấm sử dụng mái nhà tối màu ở khu vực Tây Nam thành phố và bắt buộc những công trình nhà ở, tòa nhà cao ốc xây mới ở Wilton phải lợp mái sáng màu để phản nhiệt. Sydney đã trải qua một mùa hè nắng nóng cực điểm với nhiệt độ lên đến 50℃. Một trong những nguyên nhân chính được cho là do những tấm mái lợp tối màu tạo ra nhiều bức xạ nhiệt hơn và tiêu thụ năng lượng cao hơn, khiến cho hiện tượng đảo nhiệt đô thị càng trở nên trầm trọng.
Mái nhà sáng màu hay mái nhà làm mát được làm từ vật liệu phản xạ tốt và hấp thụ nhiệt kém với bức xạ nhiệt từ mặt trời. Theo một nghiên cứu có tên “Reducing urban heat island” (Tạm dịch – Giảm thiểu đảo nhiệt đô thị) của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, mái nhà làm mát đạt nhiệt độ cao nhất chỉ từ 43 – 46℃ ngay cả trong những ngày hè nắng nóng nhất. Như vậy, bề mặt của chúng luôn duy trì ở nhiệt độ thấp hơn so với bề mặt mái nhà bằng chất liệu truyền thống, có thể giúp giảm nhiệt, giảm bức xạ và tiết kiệm năng lượng làm mát cho công trình, đồng thời phản xạ nhiệt và làm giảm ảnh hưởng của đảo nhiệt đô thị đến môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, mái nhà xanh cũng là một mô hình hiệu quả để chống nóng cho môi trường đô thị. Mái nhà xanh được xây dựng từ việc trồng cây xanh trên sân thượng, gác mái hoặc trên những đỉnh cao nhất của những tòa nhà. Cây xanh có tác dụng làm mát, tạo bóng, đem lại cảnh quan xanh mát cho công trình đồng thời giúp giảm nhiệt độ của khu vực xung quanh.
Tăng cường hệ thống cây xanh đô thị và giảm phương tiện giao thông phát thải
Trồng cây trong phố vẫn luôn là phương án bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái hiệu quả, nhưng không phải dễ thực hiện và duy trì trong bối cảnh mật độ dân số đô thị ngày càng tăng như hiện nay. Bóng mát từ cây xanh luôn có nhiệt độ thấp hơn từ 11 – 25℃ so với mức nhiệt cao nhất của khu vực không có bóng mát. Cùng với đó, cây xanh giúp điều hòa không khí, giảm lượng khí cacbonic và tạo cảnh quan đẹp mắt cho thành phố.
Theo tạp chí Archdaily, cùng với những quy định về mái nhà, thành phố Sydney (Úc) cũng đồng thời yêu cầu mỗi khu dân cư phải có ít nhất một cây xanh trưởng thành để tăng cường độ phủ xanh thành phố với tham vọng sẽ đạt 50% độ phủ xanh vào năm 2030. Những chiến lược giảm nhiệt đô thị sẽ bao gồm xây dựng những vỉa hè rợp bóng cây trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, trong Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/3/2021, giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ hướng tới trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây xanh phân tán được phân bổ cho vùng đô thị và nông thôn. Tại khu vực đô thị, cây xanh được trồng trên vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác.
Cùng với tăng cường hệ thống cây xanh đô thị, giảm sử dụng phương tiện giao thông phát thải, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng xanh cũng là một trong những phương án cần thiết để giảm thiểu sự hình thành và ảnh hưởng tiêu cực của đảo nhiệt đô thị. Để hạn chế lượng khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông, nhiều thành phố đã ứng dụng những phương tiện chạy bằng điện như xe máy điện, ô tô điện, đặc biệt là xe buýt điện, vừa tiết kiệm xăng dầu vừa bảo vệ môi trường.
Thẩm Quyến (Trung Quốc) là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới điện hóa 100% số lượng xe buýt vận hành trong khu vực nội đô và Trung Quốc cũng là quốc gia chiếm phần lớn số lượng xe buýt điện của toàn thế giới với 420.000 xe. Từ cuối năm 2019, các quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu cũng đã nhanh chóng tham gia vào cuộc đua điện hóa xe buýt nhằm hướng tới giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường trước những biểu hiện cực đoan của nóng lên toàn cầu.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều phương án cần phải thực hiện để ngăn hiện tượng đảo nhiệt đô thị diễn ra và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội, đời sống của cư dân thành phố. Trong chiến lược quy hoạch đô thị bền vững, những vấn đề xoay quanh môi trường, không khí, nhiệt độ cần được nhìn nhận toàn cảnh và triển khai những phương án thích hợp với từng khu vực. Để đô thị trở thành môi trường sinh sống hiện đại và lý tưởng của cư dân, cần nhiều hơn những nỗ lực hướng tới một đô thị xanh, sạch và thông minh./.