Làm sao để học sinh thực hiện tốt ATGT?
Vẫn còn những hình ảnh không đẹp
Năm học mới vừa bắt đầu cũng là lúc tình trạng học sinh ở Thủ đô Hà Nội vi phạm Luật Giao thông trở nên “nóng” hơn trên nhiều trục giao thông, nhất là các tuyến đường xung quanh trường học. Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm ATGT ở khu vực trường học, các cơ quan chức năng và nhiều trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh, giáo viên và phổ biến đến phụ huynh các quy định về an toàn giao thông… Tuy nhiên, thực tế suốt nhiều năm nay cho thấy, từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện công tác đảm bảo ATGT đang còn một khoảng cách rất lớn.
Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Ảnh: Đinh Luyện |
Khảo sát thực tế tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội, nếu quan sát tại các điểm trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn, không khó bắt gặp hình ảnh học sinh vi phạm các quy định về trật tự ATGT. Trong đó, chủ yếu là tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn còn xảy ra.
Đáng nói ở chỗ, đối tượng điều khiển phương tiện là học sinh đa phần nhận thức về pháp luật còn hạn chế, có tâm lý dễ bị lôi kéo, kích động, nên dẫn đến các hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông như: Lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, bốc đầu, nẹt pô, đua, kéo xe… Khi xảy ra tình huống sẽ không xử lý kịp thời, dẫn đến tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính bản thân và những người xung quanh.
Không chỉ tồn tại vi phạm ở học sinh, tại một số trường Tiểu học trên địa bàn, nhiều phụ huynh đến đưa đón con em đều “quên” đội mũ bảo hiểm. Cá biệt, có phụ huynh dù đội mũ bảo hiểm cho con, nhưng lại không cài quai đúng quy cách, một số mũ bảo hiểm cũng không phù hợp kích cỡ và độ tuổi. Tiếp xúc với các phụ huynh ở cổng trường học, để giải thích hành vi không đội mũ bảo hiểm, đa số đều đưa ra các lí do giống nhau như: Nhà gần trường; sợ con bị vướng víu, khó chịu; mũ kém chất lượng… Thậm chí nhiều phụ huynh còn không biết đến quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy.
Người lớn cần nêu gương
Theo Nhà văn Nguyễn Văn Học (Báo Nhân Dân) – người giành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho rằng, trẻ em, kể cả lứa tuổi vị thành niên thích bắt chước người lớn. Đối với học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở, chỉ cần một vài lần phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con, điều khiển xe vượt đèn đỏ… là sẽ hình thành suy nghĩ “không có vấn đề gì” trong con trẻ, dần dần thành thói quen, khiến cho việc giáo dục trở nên khó khăn. Thêm vào đó, việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình về ATGT còn chưa thực sự chặt chẽ. Hầu hết tại các buổi họp phụ huynh, giáo viên chỉ tập trung trao đổi về thành tích học tập, học phí, các sự kiện sắp tới mà ít khi bàn về vấn đề ATGT, cho dù cả hai phía đều biết rằng, trên con đường đến trường của học sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Bên cạnh những gam màu tối về tình hình đảm bảo ATGT liên quan đến học sinh, chị Đinh Thị Lệ – Giáo viên Trường Mầm non Hà Trì (Hà Đông) chia sẻ, muốn học sinh có ý thức xây dựng và tham gia giao thông an toàn thì ngay từ những bậc phụ huynh cũng cần nêu gương; đặc biệt các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiêu biểu. Thông qua sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội những hành vi tuân thủ giao thông như đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường, đúng tốc độ quy định… sẽ tạo hiệu ứng tích cực để làm nên văn hóa giao thông.
“Tôi đã chứng kiến nhiều lần người điều khiển phương tiện giao thông cố nhoi lên để vượt đèn đỏ mà không muốn đợi dù chỉ vài giây. Vì muốn nhanh nên nhiều người đi xe lên cả vỉa hè, cho xe qua giải phân cách… Thế nhưng, tôi cũng thấy nhiều người tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm khi ra đường và đội mũ cho trẻ nhỏ khi tới trường. Đây là điều rất quý và cần phải lan tỏa. Khi mỗi người chỉ cần ý thức một chút, biết tuân thủ Luật Giao thông một chút, nhường nhau một chút, sống chậm lại một chút, thì vấn nạn tắc đường, tai nạn giao thông đã được hạn chế rất nhiều”, chị Đinh Thị Lệ nêu quan điểm.
Lực lượng chức năng xử lý học sinh vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ. |
Theo tìm hiểu, để đảm bảo ATGT cho học sinh, đặc biệt là ATGT trước cổng trường học, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thí điểm giải pháp bảo đảm ATGT tại khu vực cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông). Từ trường Tiểu học Nguyễn Du, Sở tiếp tục thực hiện thí điểm tại 2 khu vực trường học khác là cụm trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); cụm trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai).
Theo đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã làm lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường có kết cấu bằng bê tông nhựa (atphalt), chiều cao 9cm, được kẻ bằng sơn dẻo nhiệt màu trắng – vàng, có phản quang để tăng khả năng nhận diện. Các phương tiện qua vị trí đó sẽ chủ động giảm tốc độ, đảm bảo cho các em học sinh sang đường an toàn. Với biển hạn chế tốc độ, người tham gia giao thông sẽ kiểm soát được tình huống, có đủ khả năng xử lý những tình huống bất ngờ khi học sinh băng qua đường…
Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Hà Nội Tạ Đức Giang nhận định, sau một thời gian triển khai thí điểm, về cơ bản dự án đã đạt được những mục tiêu, hiệu quả đề ra. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để sắp tới tiếp tục nhân rộng mô hình này tại những vị trí cổng trường có đủ điều kiện.
Trong khi chờ đợi các ban, ngành chức năng triển khai các mô hình kéo giảm tai nạn tại khu vực trường học, từ những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATGT cho học sinh có thể thấy giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, uốn nắn ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm. Đừng buông lỏng quản lý hoặc phó mặc cho nhà trường, cho cơ quan chức năng bởi trước hết, sự quan tâm, giáo dục của phụ huynh sẽ đảm bảo được sức khỏe và tính mạng của chính con em mình và cả những người cùng tham gia giao thông.
Box: Trước tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông diễn ra từ đầu năm học, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, gia đình phụ huynh trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho các em học sinh. Phòng Cảnh sát giao thông sẽ bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp học sinh, sinh viên điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự ATGT, phòng ngừa tai nạn giao thông, góp phần hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường…
Đinh Luyện
Nguồn: Báo lao động thủ đô