Làm ngơ hay “bảo kê” doanh nghiệp khai thác hàng chục nghìn m3 đất rừng?

Liên quan vụ Công ty CP Đầu tư Công nghệ – Môi trường GFC (Công ty GFC, trụ sở tại TP Đông Hà, Quảng Trị) khai thác, vận chuyển trái phép hàng chục nghìn m3 đất rừng ngay bên bờ hồ thủy lợi Khe Rò 3, thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), một số cán bộ, người dân xã này bức xúc, cho biết “chỉ cần ai đó múc trộm một gàu đất hôm trước, muộn nhất hôm sau xã này sẽ biết”. Trong khi vụ việc kể trên lại như thế. “Chúng tôi nghĩ rằng có dấu hiệu bảo kê”, một người dân khẳng định.

Chiều 13/5, PV Báo CAND xác minh, tìm hiểu công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động nạo vét lòng hồ Khe Rò 3, kết hợp thu hồi đất tại đây để làm vật liệu san lấp của Công ty GFC.

Theo đó, các thông tin, văn bản từ UBND huyện Hải Lăng đều khẳng định: Ngay sau khi UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép cho hoạt động này, ngày 5/1/2022, UBND huyện đã có Công văn số 07 gửi đến: Phòng NN&PTNT, TN&MT, Kinh tế – Hạ tầng, Chi cục thuế khu vực Triệu Hải, Công an huyện, UBND xã Hải Lâm và Công ty GFC, yêu cầu thực hiện công tác phối hợp có liên quan.

Đặc biệt, UBND huyện yêu cầu UBND xã Hải Lâm thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động này của Công ty GFC; chú ý việc nạo vét, kết hợp thu hồi đất phải theo đúng tọa độ, phạm vi nạo vét được UBND tỉnh cấp giấy phép và nội dung công ty đã cam kết. Ngăn chặn, báo cáo kịp thời UBND huyện và cơ quan chuyên môn các hành vi vi phạm trong quá trình nạo vét, thu hồi đất, các công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo ATGT, ANTT và ATXH trên địa bàn.

Làm ngơ hay “bảo kê” doanh nghiệp khai thác hàng chục nghìn m3 đất rừng?
Công ty GFC múc bán đất rừng trái phép ngay bên hồ thủy lợi.

Chỉ đạo rất… căn bản như thế song thực tế, qua làm việc với PV Báo CAND, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hải Lâm thừa nhận: UBND xã Hải Lâm đã không lập Tổ công tác quản lý, giám sát hoạt động này của Công ty GFC. UBND xã Hải Lâm giao lại cho Ban quản lý Hợp tác xã (HTX) Xuân Lâm và Ban cán sự thôn này thực hiện trách nhiệm kể trên (?).

Đáng nói, khu vực Công ty GFC múc bán đất trái phép nằm ngay bên trục đường phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của xã, cách trụ sở UBND xã này chỉ chừng 4km và sát ngay bên trang trại chăn nuôi, trồng rừng của gia đình ông Hoàng Công Mê Sang, Trưởng thôn kiêm Phó Chủ nhiệm HTX Xuân Lâm.

Sau khi được PV Báo CAND thông tin, phản ánh vụ việc, dẫn đến hiện trường để chứng kiến, kiểm tra, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hải Lâm chỉ đạo các cán bộ cấp dưới và Công an xã Hải Lâm làm rõ việc cho thuê, bán đất của ông Nguyễn Văn Ba, trú thôn Xuân Lâm đối với Công ty GFC (sau đó công ty này tổ chức khai thác, bán trái phép hàng chục nghìn m3 đất), mà không trực tiếp làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của công ty này.

Trong khi đó, qua xác minh, điều tra của ông Hoàng ngay tại hiện trường cho thấy, ông Ba chỉ cho công ty trên thuê đất làm bãi đậu đỗ, tập kết xe cộ, phương tiện khác (với giá 20 triệu đồng và 70 triệu đồng trị giá cây cối trên đất), chứ không bán đất nhằm mục đích khai thác.

Trước sự việc, PV Báo CAND đề nghị cung cấp bằng chứng cho xã và huyện nhằm có cơ sở xử lý, song đến nay, qua trao đổi cả xã và huyện này đều cho biết: Vụ việc đang được “ngành dọc” là… Thanh tra Sở TN-MT tỉnh này chủ trì giải quyết (!).

Người dân địa phương quan tâm đến vụ việc này cho rằng, rõ ràng có những dấu hiệu bất thường, trước hết là thái độ, trách nhiệm của các đơn vị chức năng cấp tỉnh, UBND huyện Hải Lăng sau khi được PV Báo CAND thông tin, phản ánh vụ việc. Chẳng hạn như đối với Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị, khi nhận được công văn của Chi cục Khoáng sản miền Trung yêu cầu kiểm tra, xử lý sai phạm (nếu có) vụ việc do Báo CAND phản ánh, Sở TN&MT mới chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra để xác minh.

Ở nơi xảy ra vụ việc, người dân cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hải Lâm cùng một số cán bộ thuộc quyền.

Dự luận đang rất mong một kết quả xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích