Làm giàu từ nông nghiệp, gia tộc này đã sản sinh 14 tỷ phú USD và chi phối chặng đường từ nông trại đến bàn ăn trên khắp thế giới

Người đi câu sẽ rất vui sướng khi bắt được một con cá lớn, người nông dân nuôi cá cũng vậy. Vì thế sự kiện 1 con cá hồi được nuôi thả tại 1 ngôi làng ở Na Uy đạt được trọng lượng lên tới 17kg mang tới rất nhiều sự phấn chấn. “Thật tuyệt vời”, Einar Wathne, người phụ trách mảng thủy sản tại Cargill, tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất, kinh doanh, phân phối các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đã thốt lên như vậy. Không chỉ rút ngắn thời gian nuôi xuống còn 15 tháng (ngắn hơn khoảng 20% so với thông thường) mà loại cá này còn cho thịt rất ngon. Những đồng nghiệp của Wathne ở Na Uy đã ăn mừng bằng cách ăn gỏi cá theo kiểu sashimi ngay sau khi xẻ thịt.

Những con số thống kê về Cargill cũng sẽ khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Là một trong những công ty tư nhân lớn nhất ở Mỹ, Cargill đã có 155 năm lịch sử. Với mạng lưới trải dài trên 70 quốc gia (mà trong đó gồm nhiều bến cảng, nhà ga, các nhà máy xử lý thịt và ngũ cốc cùng với đội ngũ tàu chở hàng hùng hậu), tập đoàn cung cấp mọi thứ, kể cả tài chính cho những người nông dân, ảnh hưởng đến việc họ sản xuất thứ gì dựa trên nhu cầu của các khách hàng trong ngành thực phẩm. Cargill cũng là cầu nối quan trọng kết nối người nông dân với khách hàng.

Gia tộc có tới 14 tỷ phú USD

Cargill đã lớn mạnh thành tập đoàn đa quốc gia sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp như đường, dầu tinh chế đến socola hay gà tây. Bên cạnh đó tập đoàn còn cung cấp dịch vụ vận chuyển, giao dịch hàng hóa và tư vấn quản trị rủi ro cho các doanh nghiệp trên thị trường giao dịch hàng hóa. Những hậu duệ của William Cargill và con rể John MacMillan vẫn duy trì Cargill và 1 tập đoàn gia đình.

Nếu là 1 công ty đại chúng, theo xếp hạng của tạp chí Fortune năm 2015, Cargill sẽ xếp thứ 15 trong top 500 công ty lớn nhất thế giới. Ghi nhận doanh thu 113,5 tỷ USD trong năm tài khóa 2019, tập đoàn hiện có hơn 160.000 nhân viên hoạt động tại 66 quốc gia.

Cargill đóng góp 25% tổng kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ, chiếm hơn 22% thị phần trên thị trường thịt lợn Mỹ, nhập khẩu nông sản từ Argentina nhiều hơn bất kỳ công ty nào và hiện cũng là nhà sản xuất gia cầm lớn nhất ở Thái Lan. Tất cả những quả trứng được sử dụng trong các cửa hàng McDonald’s ở Mỹ đều đi qua nhà máy của Cargill. Đây cũng là nhà sản xuất muối Alberger – chuyên dùng trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn – duy nhất ở Mỹ.

Theo danh sách tỷ phú của Forbes, gia tộc Cargill hiện có tới 14 tỷ phú – nhiều hơn bất kỳ gia tộc nào trên thế giới. Để dễ hình dung, nếu Cargill là 1 quốc gia thì số lượng tỷ phú USD sẽ ngang bằng với Thụy Điển hoặc Israel.

Từ kho ngũ cốc trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất nước Mỹ

Làm giàu từ nông nghiệp, gia tộc này đã sản sinh 14 tỷ phú USD và chi phối chặng đường từ nông trại đến bàn ăn trên khắp thế giới

Có trụ sở tại Minneapolis, Cargill ra đời năm 1865 – khi cuộc nội chiến Mỹ đi vào giai đoạn kết thúc.

Năm 1865, William Cargill mua 1 kho ngũ cốc ở Conover, Iowa. 1 năm sau đó, ông cùng người em trai Sam thành lập công ty W. W. Cargill and Brother. Không lâu sau người em khác là James cũng gia nhập. Tuy nhiên người có ảnh hưởng nhiều đến tập đoàn lại là John H. MacMillan – người gia nhập công ty từ năm 1898 và sau đó kết hôn với con gái của của William Cargill – Edna.

John MacMillan được trao chức tổng giám đốc của Cargill Elevator Company và chuyển gia đình tới Minneapolis. Sự kiện William Cargill qua đời năm 1909 đã tạo ra 1 cuộc khủng hoảng ngân sách và chính MacMillan là người đã đứng ra giải quyết, sau đó cũng buộc người anh rể William S. Cargill rời khỏi công ty. Những chủ sở hữu ngày nay của Cargill là hậu duệ của 2 người con trai của John MacMillan.

John MacMillan điều hành tập đoàn cho đến khi nghỉ hưu năm 1936. Dưới sự lãnh đạo của ông, Cargill đã lớn mạnh gấp nhiều lần, mở rộng phạm vi ra khỏi vùng Trung Tây bằng văn phòng đầu tiên ở New York năm 1923. Sau đó là những văn phòng ở Canada, châu Âu và Mỹ Latinh vào các năm 1928, 1929 và 1930.

Dọc theo chiều dài lịch sử hơn 150 năm, Cargill đã trải qua đủ loại thăng trầm, không ít năm đạt lợi nhuận kỷ lục nhưng cũng có nhiều năm thua lỗ. Năm 1998, mảng tài chính của tập đoàn đã lỗ hàng trăm triệu USD khi Nga vỡ nợ. Mảng hàng hóa và nguyên phụ liệu chế biến thực phẩm – đóng góp 75% tổng doanh thu của Cargill – cũng chao đảo trong khủng hoảng tài chính châu Á. Trong năm 1998 và 1999, doanh thu sụt giảm ở mức hai chữ số trong 2 năm liên tiếp và đến năm 1999 công ty đã có khoản nợ lên tới 4 tỷ USD.

Trong đại dịch Covid-19, Cargill cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tập đoàn phải đóng cửa một loạt nhà máy sản xuất thịt xuất hiện cụm lây nhiễm với vài trăm ca nhiễm, đồng thời dịch bệnh cũng khiến chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn nghiêm trọng.

Tháng 3 vừa qua, Whitney MacMillan, thành viên cuối cùng của gia tộc Cargill-MacMillan giữ ghế CEO của tập đoàn, đã qua đời ở tuổi 90. 

 

 

 

 

Theo Tổ Quốc

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích