Lạm dụng xét nghiệm?

Trên là ý kiến cử tri gửi đến lãnh đạo ngành Y tế tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành viên Chính phủ. Dẫn chứng số liệu từ báo cáo số 3006 của Tổng Thư ký Quốc hội và qua phản ánh của cử tri, đại biểu cho rằng, hiện nay tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật lâm sàng như xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cao và thuốc đang quá mức và không cần thiết, gây tốn kém cho người dân, nhất là người nghèo.

Xét nghiệm tổng quát bao gồm những gì
Ảnh minh họa.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan lý giải: Trong lĩnh vực y khoa, việc áp dụng các thiết bị cận lâm sàng hiện đại hỗ trợ nhiều trong quá trình chẩn bệnh, điều trị và theo dõi sau điều trị. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận vừa qua có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết đối với người bệnh, gây tốn kém chi phí và tâm lý bức xúc cho người dân.

Đồng thời, việc này cũng ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm y tế – là quỹ của toàn dân, tất cả các cơ quan ban ngành, cũng như người dân, các cơ sở y tế đều phải có trách nhiệm làm sao để Quỹ phát triển, ổn định, phục vụ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, và chia sẻ giữa các đối tượng tham gia tốt hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thống kê sơ bộ có 3 nhóm nguyên nhân chính.

Trước hết là nhận thức, trình độ của người chỉ định xét nghiệm muốn nhanh, chính xác, nên đẩy xét nghiệm nhiều hơn. Điều này đòi hỏi cần điều chỉnh để có chỉ định xét nghiệm ở tính hợp lý cao nhất. Ngoài ra việc xã hội hóa, liên danh, liên kết đòi hỏi thu hồi vốn, dẫn đến xét nghiệm nhiều. Mặt khác ngay bản thân người bệnh cũng có nhu cầu xét nghiệm.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã có tăng cường chỉ đạo để tránh lạm dụng xét nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mới đây nhất là Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thông qua đã có nhiều quy định mới về vấn đề này; Quyết định 316/2016/QĐ-TTG về vấn đề xét nghiệm. Cùng với đó là các thông tư quy định về các định mức kỹ thuật, trần thanh quyết toán, tăng cường giám định bảo hiểm y tế, kết nối liên thông để kiểm soát chi phí.

“Lương y như từ mẫu”, xét cho cùng chẳng bác sĩ nào muốn “làm khó”, “làm khổ” người dân, song khi bệnh viện cũng phải thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thì quy luật giá trị (làm thế nào tăng doanh thu) là khó tránh khỏi. Đây mới chính là vấn đề của vấn đề!

T.Giang

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích