Lạm dụng đại dịch để kinh doanh vật tư y tế không rõ nguồn gốc: Phải xử lý thật nghiêm!
Nhiều hành vi phạm tội
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Hà Nội, một số đối tượng đã bất chấp quy định, kinh doanh thiết bị, vật tư y tế thiết yếu như khẩu trang, bình oxy… để kiếm lời. Lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện, thu giữ số lượng lớn thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc.
Vụ việc điển hình xảy ra vào khoảng 23h ngày 1/9, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy – Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội, đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 24 kiểm tra, phát hiện hàng trăm máy tạo oxy không rõ nguồn gốc đang chuẩn bị phân phối ra thị trường khi tiến hành kiểm tra bất ngờ 2 chiếc xe tải.
Cơ quan chức năng kiểm tra bất ngờ 2 chiếc xe tải “luồng xanh” vận chuyển 199 bộ máy tạo oxy không đảm bảo chất lượng. |
Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 lái xe đều chưa xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của số thiết bị y tế này. Đồng thời, họ khai nhận chỉ chở thuê chứ cũng không biết hàng hóa trên xe là hàng gì. Tổng giá trị số thiết bị y tế này ước tính trên 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, 2 chiếc xe tải đều có giấy lưu thông “luồng xanh”. Đây được coi là thủ đoạn khá tinh vi của các đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu khi lợi dụng xe vận tải đang được ưu tiên.
Ngay sau đó 1 ngày, ngày 2/9, Phòng An ninh kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) đã phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 43 đường 3, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, phát hiện nhiều khẩu trang, vật tư y tế được gia công giả nhãn hiệu nổi tiếng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong số hàng hóa tạm giữ trên, đặc biệt có 20.880 chiếc khẩu trang 3M mã 1860 có dấu hiệu giả mạo là mặt hàng chỉ dùng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao, chỉ định dùng cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch và giá bán trên các shop online từ 30.000 đồng đến 65.000 đồng/chiếc.
Luật sư Phạm Hải Long: Tùy tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi buôn bán trang thiết bị y tế giả nói riêng và hành vi buôn bán hàng giả nói chung có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Hình phạt chính đối với tội này có thể là phạt tiền hoặc phạt tù/đình chỉ hoạt động. |
Không chỉ kinh doanh các thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc, một số đối tượng đã bất chấp an toàn tính mạng của người dân, để thực hiện hành vi mua bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ kiếm lời bất chính.
Cụ thể, khoảng 17h ngày 2/9, tại khu vực B1 Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, lực lượng chức năng đã bất ngờ khám xét một ô tô con màu đỏ, phát hiện trên xe đang vận chuyển gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19. Thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hộp thuốc trên. Số thuốc điều trị Covid-19 bị thu giữ gồm 2 loại: 40 viên/hộp và 50 viên/hộp. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Trên thị trường, hiện nay, mỗi hộp thuốc đang được các đối tượng giao dịch với giá dao động từ 3 đến 3,5 triệu đồng tùy loại…
Theo Trung tá Ngô Anh Thuấn, Phó Đội trưởng Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, qua kiểm tra toàn bộ số hộp thuốc điều trị này đều chưa được kiểm định chất lượng. Nếu số thuốc này đưa vào thị trường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây hậu quả khó lường trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Theo các chuyên gia, hầu hết những trường hợp lây nhiễm cho cán bộ y tế trong khi chăm sóc điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn. Đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cán bộ y tế. Vì vậy, phải kiên quyết ngăn, phát hiện, xử lý triệt để các hành vi sản xuất, buôn bán mặt hàng khẩu trang y tế nói riêng, thiết bị, vật tư y tế thiết yếu nói chung phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ở nước ta hiện nay.
Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để buôn bán trang thiết bị y tế, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng
Lực lượng chức năng kiểm đếm số lượng thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc. |
Nhìn nhận tình trạng sản xuất, buôn bán vật tư y tế giả, kém chất lượng là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, Luật sư Phạm Hải Long – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi buôn bán trang thiết bị y tế giả nói riêng và hành vi buôn bán hàng giả nói chung có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Hình phạt chính đối với tội này có thể là phạt tiền hoặc phạt tù/đình chỉ hoạt động. Cụ thể: Mức phạt tiền là 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân phạm tội và 1 – 9 tỷ đồng đối với pháp nhân phạm tội. Mức phạt tù đối với cá nhân phạm tội từ 1 – 15 năm tùy mức độ nguy hiểm của hành vi; pháp nhân phạm tội thì có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn.
Theo Luật sư Long, việc buôn bán vật tư y tế giả còn được bán tràn lan trên các nền tảng công nghệ, với không ít cửa hàng, trang web, tài khoản xã hội và tài khoản thư điện tử rao bán trực tuyến các mặt hàng này. Vì thế, người dân cần phải bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng của các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kiếm lời./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô