Lâm Đồng: Xử lý việc xả thải gây ô nhiễm sau Nhà máy Alumin
Lâm Đồng: Xử lý việc xả thải gây ô nhiễm sau Nhà máy Alumin
Việc phát sinh nguồn nước có màu đen nêu trên là do Công ty ITASCO tập kết xỉ than, xỉ than sau nghiền trên nền đất, không được che chắn.
Ngày 14/7, UBND huyện Bảo Lâm có Báo cáo về kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở sản xuất gạch không nung tại Tổ 20, thị trấn Lộc Thắng. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chỉ đạo xử lý.
Cụ thể, sau khi giao Phòng Tài nguyên và môi trường phối hợp với Công an huyện, UBND TT Lộc Thắng, Ban Quản lý Tổ hợp Bauxit –Nhôm Lâm Đồng kiểm tra, xác minh và làm việc với công ty Cổ phần ITASCO -Lâm Đồng đơn vị đang hoạt động tại vị trí nêu trên.
Công ty Cổ phần ITASCO -Lâm Đồng có địa chỉ trụ sở chính: Khu 5, TT Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Theo trình bày của đại diện công ty Cổ phần ITASCO -Lâm Đồng đối với hạng mục sản xuất gạch không nung hiện dự án đã ngưng hoạt động từ thời điểm cuối năm 2019 do kinh doanh không có lợi nhuận.
Hiện nay công ty vẫn thực hiện việc mua tro bay, xỉ than, xỉ đáy, than bùn từ Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng -TKV theo hợp đồng số 789/2021/HĐLDA, sau đó sử dụng nguồn nguyên liệu này nghiền và phối trộn bán cho các cơ sở sản xuất gạch tại Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh hoặc cơ sở xây dựng làm vật liệu san lấp mặt bằng.
Theo công ty báo cáo: Tổng khối lượng tro bay, xỉ than, xỉ đáy, than bùn hàng tháng nhập khoảng 5260 tấn. Cụ thể: xỉ than (khí hóa): 600 tấn, tro bay (bột mịn): 3000 tấn, xỉ đáy (đá mịn) 1500 tấn, than bùn rửa: 40 tấn, bã vôi: 120 tấn. Thành phẩm xuất bán sau phối trộn khoảng: 1315 tấn/tháng.
UBND huyện Bảo Lâm cho biết, ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, Công ty ITASCO không thực hiện sản xuất gạch không nung, tại nhà máy không có gạch không nung được lưu chứa tại khu vực xưởng và sân bãi. Nguồn nước có màu đen chảy ra ngoài phạm vi dự án theo phản ánh là có.
Việc phát sinh nguồn nước có màu đen nêu trên là do Công ty ITASCO tập kết xỉ than (khí hóa), xỉ than sau nghiền trên nền đất, không được che chắn dẫn đến khi có mưa lớn, chưa có hệ thống mương thu nước mưa chảy tràn đủ điều kiện dẫn đến lượng xỉ than bị hòa lẫn với nước mưa chảy tràn ra các khu vực lân cận. Vị trí bị chảy tràn thuộc diện tích đất UBND tỉnh giao cho Tập đoàn than – Khoáng sản Việt Nam thực hiện hồ Oxalat, xung quanh không có các hộ dân sinh sống.
Do đó, sau khi kiểm tra, UBND huyện Bảo Lâm đã ban hành văn bản số 2031/UBND ngày 03/7/2023 yêu cầu Công ty Cổ phần ITASCO thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với dự án sản xuất gạch không nung.
Đến ngày 10/7/2023, Công ty Cổ phần ITASCO đã có báo cáo về kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường gồm: che chắn, phủ bạt ngoài trời đối với tro bay, xỉ than tập kết ngoài trời; thực hiện nâng cấp nạo vét, cải tạo hệ thống mương thu nước mưa quanh khu vực tập kết tro xỉ và dọc đường đi để thu gom nước mưa dẫn về 02 hố lắng với diện tích mỗi hố 75m2 dưới được lót bạt chống thấm và có đập tràn thoát thoát nước sau lắng.
Hiện, UBND huyện vẫn tiếp tục giao cơ quan chuyên môn, UBND Lộc Thắng thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời xử lý theo quy định.
Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đưa tin, UBND huyện Bảo Lâm đã nắm bắt thông tin tại tổ 20, thị trấn Lộc Thắng khu vực phía sau Nhà máy Alumin (thuộc diện tích đất Nhà nước cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thuê) xảy ra tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm kịp thời xử lý, ngăn chặn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, UBND huyện có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an huyện, Ban QLDA Tổ hợp Bauxit – Nhôm Lâm Đồng, UBND thị trấn Lộc Thắng khẩn trương kiểm tra tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường tại khu vực phía sau Nhà máy Alumin (thuộc diện tích đất Nhà nước cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thuê);
Xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND huyện trước ngày 30/6/2023.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị