Lâm Đồng: Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao tăng năng suất hoa
Sản lượng hoa tăng liên tục
Lâm Đồng hiện nay được xem là tỉnh đi đầu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ có rau, củ, quả mà trồng hoa ở Lâm Đồng cũng được xem là ngành mũi nhọn của địa phương. Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa đã có từ lâu đời ở Đà Lạt hay xuất xứ từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Úc.
Giai đoạn 2015 – 2022, hoa Lâm Đồng ghi nhận nhiều thay đổi về diện tích trồng đối với từng loại hoa. Tuy nhiên hoa cúc, hồng, lay ơn là ba loại hoa chiếm diện tích nhiều nhất trong cơ cấu các giống hoa của tỉnh. Tại Lâm Đồng, diện tích trồng hoa tăng nhanh từ năm 2015 mới đạt hơn 7.700 ha (sản lượng hơn 2,4 tỷ cành), nhưng đến năm 2022 đã đạt hơn 9.700 ha với sản lượng gần 4 tỷ cành. Theo Sở NN-PTNT tịnh Lâm Đồng, hiện nay, thị trường hoa của tỉnh Lâm Đồng khá ổn định với khoảng 89% tiêu thụ trong nước và 10% xuất khẩu qua các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Philippines, Singapore, Pakistan, Nga…
Lâm Đồng hiện có gần 10 nghìn ha hoa với sản lượng khoảng gần 4 tỷ cành/năm. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Hà Lộc – Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Hiện nay, địa phương có nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hoa công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Điều này góp phần giúp người dân trong tỉnh có cơ hội tiếp cận, liên kết sản xuất và mở rộng thị trường”. Ông Nguyễn Hà Lộc cho biết thêm, Tỉnh đã xác định và quy hoạch 3 vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao với quy mô trên 388 ha. Trong đó có 2 vùng tại thành phố Đà Lạt với diện tích khoảng 308 ha và 1 vùng tại huyện Đức Trọng với tổng diện tích trên 80 ha. Vùng sản xuất hoa tập trung chủ yếu tại TP. Đà Lạt. Đà Lạt cũng là thành phố sản xuất hoa chủ lực của tỉnh, với diện tích trên 62,3% chiếm 64,5% sản lượng hoa toàn tỉnh. Đứng sau đó là huyện Lạc Dương hơn 2.000 ha, chiếm 22% sản lượng. Còn lại hơn 1.600 ha với sản lượng hơn 524 triệu cành được sản xuất tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm và Cát Tiên.
Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông minh
Lâm Đồng có 3 doanh nghiệp sản xuất hoa được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với tổng quy mô 201 ha. 3 Doanh nghiệp này là Công ty Dalat Hasfarm, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học. Đây là những hạt nhân cho công tác nghiên cứu, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất hoa cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm để thúc đẩy phát triển ngành hoa trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã và đang đẩy mạnh phát triển hoa theo hướng nông nghiệp thông minh. Với việc ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, hệ thống thông tin chính xác trong sản xuất hoa giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường và dinh dưỡng.
Tỉnh Lâm Đồng đã xác định và quy hoạch 3 vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao với quy mô trên 388 ha. Ảnh minh họa
Thông qua hệ thống cảm biến người điều hành có được các thông tin chính xác nhất về điều kiện sản xuất (pH, độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng) để giám sát và điều khiển việc tưới tiêu, châm phân, lưới cắt nắng, mở mái nhà kính…. bằng hệ thống mạng cảm biến. Các công nghệ trên giúp hoa sinh trưởng tối ưu, phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao. Đặc biệt là giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác hoa, giảm nhân công lao động cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó, hiệu quả kinh tế trong canh tác hoa được nâng cao, sản xuất hoa được hiện đại hóa, thông minh.
Theo thống kê, đến nay, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 3 nghìn ha sản xuất hoa đáp ứng các tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 100% khâu gieo ươm, nhân giống quy mô hàng hóa với 98 cơ sở/1 tỷ cây giống được gieo ươm tự động trên giá thể trong vỉ xốp chuyên dụng. Toàn tỉnh có 51 cơ sở nuôi cấy mô với năng lực sản xuất trên 76,4 triệu cây giống, trong đó xuất khẩu chiếm 47,6%.
Để phát triển sản xuất hoa theo hướng bền vững, từng bước giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV hóa học, hiện nay ngành nông nghiệp đang khuyến khích các doanh nghiệp và nông dân đẩy mạnh sản xuất hoa công nghệ cao, ứng dụng các biện pháp sinh học như sử dụng thiên địch và các chế phẩm thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để quản lý dịch hại. Hiện tại công ty Đà Lạt – Hasfarm đã nhập nội, nghiên cứu sản xuất thành công một số chế phẩm nấm đối kháng (Trichoderma sp, Metarhizium anisophiae, Beauveria bassiana…); thiên địch ký sinh (Amblyseius swirskii, Hypoaspis mile, Phytoseiulus persimilis) để ứng dụng trong quản lý dịch hại trên diện tích 300ha trồng hoa tại công ty và cung ứng cho các doanh nghiệp, nông dân sản xuất rau, hoa.
Khánh Mai (t/h)