Lâm Đồng tiêu hủy gần 2 tạ thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Lâm Đồng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng, kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh MT có địa chỉ tại phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh MT kinh doanh 190,52kg thực phẩm đông lạnh bao gói sẵn bao gồm: Cơm lam, ốc nhồi thịt bao gói sẵn không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu kèm theo chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ để xác minh làm rõ.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT Lâm Đồng
Qua quá trình điều tra, xác minh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 8 triệu đồng và buộc tiêu hủy 190,52kg thực phẩm đông lạnh bao gói sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.
Đến nay, hộ kinh doanh đã thực hiện xong hình thức xử phạt và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trước sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Lực lượng chức năng và đại diện cơ sở kinh doanh giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Lâm Đồng
Trước đó, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 62 triệu đồng đối với hộ kinh doanh FHD và Công ty TNHH KBN cùng trên địa bàn thành phố Đà Lạt do kinh doanh trực tuyến nhưng không thông báo với Bộ Công Thương. Đồng thời buộc tiêu hủy 51kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ của Công ty TNHH KBN.
Việc sử dụng những thực phẩm đông lạnh không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, người tiêu dùng cần lưu ý trước khi mua sản phẩm thịt đông lạnh. Cụ thể, những sản phẩm thịt đông lạnh phải được bao gói đáp ứng các quy định về ghi nhãn, đảm bảo các thông tin cơ bản: Tên cơ sở, địa chỉ cơ sở, tên sản phẩm, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, nhiệt độ bảo quản, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu.
Không nên mua sản phẩm thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn mác, không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.
Sản phẩm thịt đông lạnh phải được bảo quản ở nhiệt độ -180 độ C. Trường hợp mua lẻ sản phẩm cần đến những cơ sở có kinh doanh thực phẩm có trang thiết bị bảo quản đáp ứng về nhiệt độ và an toàn thực phẩm…
Vì vậy, khi mua sản phẩm thịt đông lạnh, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ tất cả những thông tin xung quanh sản phẩm, tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, hàng không nhãn mác và các lưu ý sử dụng và chế biến an toàn. Đồng thời, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người tiêu dùng cần thông báo đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7047:2020 về thịt đông lạnh
TCVN 7047:2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, áp dụng cho thịt đông lạnh được dùng làm thực phẩm.
Theo tiêu chuẩn trên, gia súc, gia cầm và động vật trên cạn khác khi đưa vào giết mổ phải đáp ứng các quy định hiện hành về kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm.
Sau khi kết thúc quá trình giết mổ, thân thịt có thể được xẻ đôi hoặc xẻ tư (nếu cần), ngay sau đó được đưa về điều kiện mát sao cho nhiệt độ tâm sản phẩm được duy trì ở mức không lớn hơn 7 °C, sau đó được pha lọc (nếu cần), đóng gói và cấp đông.
Về tiêu chuẩn cảm quan thịt đông lạnh, khối thịt đông cứng, dính tay, bề mặt khô, gõ có tiếng vang, không có băng đá trên bề mặt nhưng có thể có một ít tuyết trên bề mặt ngoài của khối thịt; không bị rã đông. Có màu sắc đặc trưng của sản phẩm và không có mùi lạ.
Sau khi rã đông, phần thịt nạc đàn hồi, bề mặt không bị nhớt, không dính tạp chất phần mỡ mềm, định hình. Có màu sắc đặc trưng, không có mùi lạ.
Một miếng thịt đông lạnh tiêu chuẩn đến khi chế biến món ăn (luộc) sẽ có hương thơm và vị ngọt đặc trưng không có mùi vị lạ.
Duy Trinh