Lâm Đồng: Liệu có xảy ra thất thu thuế Nhà nước nếu thực hiện theo “chỉ đạo lạ” của chính quyền địa phương?
(Xây dựng) – Gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện một văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Bảo Lộc do Phó Chủ tịch Phùng Ngọc Hạp ký ngày 17/8/2021 về việc xác định nghĩa vụ tài chính chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền đất trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, văn bản này có phần can thiệp vào hoạt ngành Thuế, đồng thời có thể gây áp lực cho ngành thuế địa phương, cũng như có nguy cơ thất thu Ngân sách Nhà nước?
Gần đây thị trường bất động sản thành phố Bảo Lộc đang rất “sôi động” và liên tục tăng giá… |
Theo văn bản này, UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, trong thời gian vừa qua, UBND thành phố Bảo Lộc tiếp nhận nhiều ý kiến, phản ánh của các tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm tạm dừng xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, với lý do “Giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng không phù hợp với giá trị giao dịch trên thị trường”.
Trước tình trạng đó, UBND thành phố Bảo Lộc đã viện dẫn văn bản được ban hành từ năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng để khẳng định: Việc Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm tự ý tạm dừng xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn là chưa đúng theo quy định, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đến giao dịch.
Do đó, ngày 16/8/2021, UBND thành phố đã tổ chức họp giao ban để cho ý kiến về nội dung này và đã thống nhất yêu cầu Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo đúng quy định và đúng thẩm quyền. Trường hợp việc kê khai, hợp đồng chuyển nhượng còn bất cập, chưa đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì chủ động báo cáo với Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng để Cục Thuế có ý kiến chỉ đạo thống nhất thực hiện chung trong toàn tỉnh.
Văn bản “lạ” được người dân ở khu vực thành phố Bảo Lộc chia sẻ trên mạng xã hội Facebook (ảnh: FB Người dân). |
Nhẹ nhàng hơn so với “giọng văn” đầy tính chỉ đạo của UBND thành phố Bảo Lộc, Văn bản số 13/VP của Văn phòng HĐND & UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) ban hành 20/8/2021 cũng cho rằng, từ ngày 26/7/2021 – 17/8/2021, Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm đang tạm dừng giải quyết 227 hồ sơ đề nghị xác định nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai do Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính huyện Bảo Lâm chuyến đến. Việc tạm dừng xác định nghĩa vụ tài chính hồ sơ lĩnh vực đất đai đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch.
Trong văn bản này, Văn phòng HĐND & UBND huyện đề nghị Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm khẩn trương giải quyết dứt điểm các hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đang tạm dừng theo đúng các quy định hiện hành, nếu để hồ sơ tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho tổ chức, cá nhân thì Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND huyện Bảo Lâm.
Như vậy, với hai văn bản cùng nội dung nói trên, UBND thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã khẳng định, quyền chỉ đạo trực tiếp vào hoạt động nghiệp vụ của Chi cục Thuế khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm. Việc ban hành 2 văn bản này dấy lên hoài nghi trong dư luận nhân dân trên địa bàn, châm ngòi cho một trận “đấu tố” của người dân, tổ chức nhằm vào hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế Lâm Đồng. Ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến bức xúc cho rằng, chính quyền địa phương đã tạo ra áp lực rất lớn tới nghiệp vụ thu thuế Nhà nước. Mặt khác, một số ý kiến cũng đặt câu hỏi về tính pháp lý hay thẩm quyền “chỉ đạo” của hai văn bản nói trên?.
Để khách quan thông tin, phóng viên đã liên hệ với ông Phùng Ngọc Hạp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc – ký thay Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc Công văn số 1831/UBND-VP, cũng như một số lãnh đạo hai địa phương nói trên, và được lãnh đạo hướng dẫn sang làm việc với Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm. Qua đó, dư luận đặt câu hỏi việc dựa trên quy định pháp lý nào để UBND chỉ đạo, yêu cầu nghiệp vụ ngành Thuế với cơ quan thuế cần được các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng sớm trả lời dư luận để tránh sự hoài nghi về khả năng “lạm quyền” trong công tác quản lý tại địa phương.
Để giải đáp những băn khoăn mà dư luận đang đặt câu hỏi, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc sâu hơn với các bên liên quan để làm rõ một số vấn đề như: Có hay không việc địa phương can thiệp vào hoạt động chuyên môn của ngành Thuế? Hoặc có hay không việc cơ quan thuế “gây khó dễ” cho người nộp thuế? Hay nguy cơ thất thu từ tiền chuyển nhượng bất động sản tại thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin./.
Nguồn: Báo xây dựng