Lâm Đồng ban hành quy chuẩn địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt

Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên, có địa hình tương đối phức tạp gồm các bình nguyên, nhiều núi cao và các thung lũng nhỏ. Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh có 19 công trình cấp nước tập trung tại các đô thị. Về quy hoạch, hiện nay địa phương này đang thiếu quy hoạch cấp nước. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch chuyên ngành lại không được phép mà phải lồng ghép trong quy hoạch tỉnh. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh vẫn chưa được phê duyệt nên thiếu cơ sở trong công tác quản lý.

Nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp nên nguồn vốn đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước còn khó khăn, việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước chủ yếu kêu gọi xã hội hóa nhưng còn chậm. Nguyên nhân do suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc, cơ chế ưu đãi chưa đủ mạnh nên các doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư đối với lĩnh vực cấp nước.

Ngoài ra do Lâm Đồng là tỉnh thuộc khu vực cao nguyên có địa hình phức tạp, nên việc liên kết giữa các nhà máy nước tại các đô thị với nhau để tạo thành sự liên kết vùng gặp khó khăn. Việc hỗ trợ nguồn nước thô cũng như nguồn nước sạch khó thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là vào các mùa khô cũng như khi xảy ra sự cố về môi trường. Hiện tại, mạng lưới đường ống được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ, chưa được thay thế đồng bộ nên tỉ lệ thất thoát nước còn lớn, chiếm khoảng 20% lượng nước do các nhà máy cung cấp vào hệ thống.

Tình trạng thiếu nước sạch không đạt chuẩn tại tỉnh Lâm Đồng vẫn còn cao. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, mạng lưới đường ống còn chưa “vươn tới” nhiều khu vực của các đô thị. Các nhà máy nước và mạng lưới đường ống hiện nay mới chỉ hoạt động và phục vụ mang tính cục bộ theo từng khu vực, chưa có sự liên kết mạng toàn vùng. Trong khi đó đối với các nhà máy cấp nước thành thị và công trình do tư nhân đầu tư, nguồn nước cấp cho người dân được xử lý đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy định. Đối với nguồn nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, nguồn nước chủ yếu được xử lý thô, chưa có hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn nên phần lớn các công trình đều không đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Theo kết quả phân tích mẫu năm 2022 tại 42/277 công trình có 14/42 công trình đạt tiêu chuẩn nước sạch, chiếm 33,3%; 28/42 công trình không đạt, chiếm 66,7%. Đối với các công trình nhỏ lẻ do nguồn kinh phí có hạn nên đơn vị chưa thực hiện lấy và phân tích mẫu nước để đánh giá chất lượng nước. Chỉ tiêu để đánh giá nước sạch tại hộ nhỏ lẻ chỉ mang tính tương đối dựa trên số hộ có sử dụng máy lọc nước hộ gia đình.

Do đó để đảm bảo nguồn nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh đáp ứng được những quy chuẩn quy định, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương QCĐP 01:2023/LĐ về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các thông số chất lượng đối với nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Quy chuẩn này không áp dụng đối với nước uống trực tiếp tại vòi, nước đóng bình, đóng chai, nước khoáng thiên nhiên đóng bình, nước sản xuất ra từ các bình lọc nước, hệ thống lọc nước và các loại nước không dùng cho mục đích sinh hoạt.

Theo quy định tại quy chuẩn này danh mục các thông số chất lượng nước sạch và ngưỡng giới hạn cho phép trong đó về thông số vi sinh vật Coliform ở ngưỡng dưới 3 CFU/100mL; E.Coli hoặc Coliform chịu nhiệt dưới 1CFU/mL. Thông số cảm quan và vô cơ Arsenic ở ngưỡng 0,01mg/L; Clo dư tự do trong khoảng 0,2-1,0mg/L; Độ đục ở ngưỡng 2 NTU; Màu sắc là 15; Không có mùi vị; Độ ph trong khoàng 6,0-8,5TCU. Thông số vi sinh vật tụ cầu vàng dưới 1 CGU/100mL; Trực khuẩn mủ xanh là dưới 1. Thông số vô cơ Amoni 0,3mg/L; Bari 0,7; Chì 0,001; Thủy ngân 0,001…

Việc thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận được công nhận phù hợp TCVN ISO/IEC 17025.

Thông số chất lượng nước sạch nhóm A: Tất cả các đơn vị cấp nước phải thực hiện giám sát các thông số này theo tần suất thử nghiệm định kỳ quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều này. Thông số chất lượng nước sạch nhóm B: Tất cả các đơn vị cấp nước phải thực hiện giám sát các thông số này theo tần suất thử nghiệm định kỳ quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều này.

Đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm toàn bộ các thông số chất lượng nước sạch của nhóm A, nhóm B trong Danh mục các thông số chất lượng nước sạch quy định tại QCVN 01-1:2018/BYT trong các trường hợp trước khi đi vào vận hành lần đầu. Sau khi nâng cấp, sửa chữa lớn có tác động đến hệ thống sản xuất. Khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch. Khi xuất hiện rủi ro trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Định kỳ 03 năm một lần kể từ lần thử nghiệm toàn bộ các thông số gần nhất.

Tần suất thử nghiệm đối với các thông số chất lượng nước sạch nhóm A không ít hơn 01 lần/1 tháng. Tần suất thử nghiệm đối với các thông số chất lượng nước sạch nhóm B không ít hơn 01 lần/6 tháng.

Phương tiện đo sử dụng trong thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường. Trong toàn bộ thời gian quy định của chu kỳ kiểm định, đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng.

Đơn vị sản xuất nước phải tiến hành đánh giá hợp quy theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Đối với những đơn vị chỉ thực hiện hoạt động truyền dẫn, bán buôn, bán lẻ nước sạch mà không có các hoạt động khai thác, xử lý, sản xuất nếu không tự công bố hợp quy được phải công bố theo hồ sơ hợp quy của đơn vị sản xuất nước và đảm bảo nước được dẫn thẳng từ đơn vị sản xuất nước đến người tiêu dùng. 

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích