Làm cách nào để tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch?
Làm cách nào để tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch?
Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng nguy hiểm nhưng chưa có thuốc đặc trị thì việc tăng cường sức đề kháng là một trong những cách phòng ngừa hiệu quả.
Nâng cao sức đề kháng không thể bỏ qua vitamin và khoáng chất
Hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn, nấm,… Nếu có sức đề kháng tốt thì mỗi người sẽ giảm bớt được nguy cơ mắc bệnh và ngay cả khi không may nhiễm bệnh thì cũng có thể khỏi nhanh hơn.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh chóng nhưng chưa có thuốc đặc trị thì việc tăng cường sức đề kháng là một trong những cách phòng ngừa hiệu quả. Trong đó, bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất thiết yếu chính là biện pháp đơn giản để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.
Mặc dù chỉ tồn tại trong cơ thể với một lượng rất nhỏ nhưng vitamin và khoáng chất lại đóng vai trò quan trọng khi thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như hỗ trợ củng cố xương, chữa lành vết thương, tăng cường miễn dịch, chuyển hóa năng lượng, phục hồi tổn thương,… Sự có mặt của những vi chất này tạo hiệu quả hỗ trợ củng cố hàng rào miễn dịch tự nhiên của cơ thể, từ đó, chống lại vi khuẩn và virus gây bệnh.
6 loại vitamin, khoáng chất hỗ trợ tăng cường sức đề kháng
Để tạo ra được hàng rào hỗ trợ tăng cường miễn dịch thì các vitamin và khoáng chất cần được bổ sung vào cơ thể đều đặn. Một số vi chất dinh dưỡng có hiệu quả hỗ trợ tăng cường sức đề kháng có thể kể tới như:
Vitamin C
Vitamin C đóng vai trò như một chất chống oxy hóa để chống lại các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Đây cũng là một trong những vitamin quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và chống lại dị ứng,… Một số thực phẩm có nhiều vitamin C như: Ổi, cam, cải xoăn, ớt chuông, đu đủ,…
Vitamin D
Sự thiếu hụt vitamin D có thể khiến cho tế bào miễn dịch phản ứng chậm hơn và dễ dẫn tới nguy cơ khiến cơ thể bị nhiễm trùng. Tắm nắng là biện pháp hữu ích nhất giúp bổ sung vitamin D. Ngoài ra, loại vitamin này còn có trong một số thực phẩm như: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi,…
Vitamin A
Các tế bào biểu mô giúp ngăn chặn vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Nhưng nếu thiếu vitamin A, các biểu mô này sẽ quá sản, sừng hóa, giảm ngoại tiết, da và niêm mạc khô… Kết quả là vi khuẩn, virus dễ xâm nhập hơn. Chính vì vậy, nên bổ sung vitamin A từ các nguồn tự nhiên như: Cá ngừ, cà rốt, khoai lang, dưa lưới, bí ngô,…
Vitamin E
Vitamin E có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào khỏi bị tổn thương và tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn mạnh hơn. Loại vitamin này có nhiều trong hạt hạnh nhân, bơ đậu phộng, hạt hướng dương,…
Kẽm
Kẽm giúp hỗ trợ hệ miễn dịch phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả, bảo vệ cơ thể và giúp vết thương mau lành. Sự thiếu hụt kẽm có thể làm suy giảm chức năng của các tế bào thuộc hệ miễn dịch. Một số thực phẩm chứa nhiều kẽm có thể kể đến như: Hàu, cua, thịt, sữa chua, đậu cove,…
Selen
Bổ sung selen giúp hỗ trợ tăng cường phục hồi khả năng miễn dịch. Bởi đây là vi chất đóng vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase ảnh hưởng đến các thành phần của hệ miễn dịch, trong đó có bạch cầu. Selen có thể tìm thấy trong các loại hải sản, thịt, gan, phô mai,…
Bổ sung các loại vi chất từ thực phẩm là biện pháp hữu ích để hỗ trợ nâng cao sức đề kháng./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị