Lãi suất tăng mạnh, rút khỏi đất, bán tháo cổ phiếu gom tiền gửi tiết kiệm

Bước sang tháng 6/2022 đã xuất hiện thêm những ngân hàng mới tham gia vào “cuộc đua” tăng lãi suất tiết kiệm. Dự báo lãi suất tiết kiệm sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm.

Đua lãi suất

Từ ngày 1/6, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã áp dụng lãi suất tiền gửi lên đến 7,3%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, 7,2%/năm kỳ hạn 24 tháng, 7%/năm kỳ hạn 18 tháng và 6,95%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Trước đó, KienlongBank mới tăng lãi suất huy động tiết kiệm từ 0,1 – 0,4%/năm ở một loạt các kỳ hạn.

Đầu tháng 6, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất với mức cao nhất lên tới 0,8%/năm, cho kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng. Ngoài ra, kỳ hạn 3 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,4%/năm. Với biên độ lãi suất được tăng thêm, kỳ hạn 3 tháng của VIB có lãi suất là 4,0%/năm; 6 tháng là 5,8%/năm; 12 tháng là 6,2%/năm; 24 tháng là 6,2%/năm.

lai suat tang manh rut khoi dat ban thao co phieu gom tien gui tiet kiem
Ngay trong đầu tháng 6/2022, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm.

Từ ngày 1/6, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố biểu lãi suất huy động mới, tăng 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố biểu lãi suất huy động cho hình thức gửi trực tuyến tăng 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy. Hơn nửa năm trở lại đây, bất chấp việc mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng tư nhân tăng lên đáng kể, nhóm Big 4 trong đó có BIDV và Vietcombank vẫn “án binh bất động”, đứng ngoài thì nay đã vào cuộc tăng lãi suất tiết kiệm.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm ở một số ngân hàng vừa qua đã tăng thêm 0,3 – 0,5%/năm ở một số kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), sau gần nửa năm ổn định lãi suất huy động, mới tăng thêm 0,3 – 0,5%/năm, dành cho một loạt kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Đây cũng là đợt điều chỉnh lãi suất mạnh nhất từ trước đến nay của ngân hàng này. Những lần trước chỉ điều chỉnh từ 0,1 – 0,2%/năm. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa điều chỉnh lãi suất huy động online thêm 0,3%/năm, trong đó mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,9%/năm, 13 tháng lên 6,2%/năm, 24 tháng 6,3%/năm.

Như vậy, ngay trong đầu tháng 6/2022, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1- 36 tháng tiếp tục được một số ngân hàng điều chỉnh tăng, với biên độ tăng thêm phổ biến từ 0,1- 0,8%/năm.

Lãi suất còn tăng

Hiện tại, lãi suất huy động từ 7%/năm trở lên đã khá phổ biến trên thị trường. Có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) với lãi suất là 7,4%/năm dành cho các kỳ hạn từ 16 tháng trở lên; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với lãi suất 7,5%/năm dành cho kỳ hạn 15 tháng và 7,55%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) với 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên: Ngân hàng TMCP Nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) với 7,15%/năm, dành cho kỳ hạn 13 tháng; Techcombank với 7,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) với 7,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng…Tuy nhiên, các mức lãi suất trên chỉ dành cho những khách hàng có khoản tiền lớn hàng chục tỷ đồng trở lên mang gửi.

Mặc dù vậy, những khách hàng không có những khoản tiền lớn, vẫn có thể gửi vào một số ngân hàng, có lãi suất tiệm cận mức 7%/năm như: Ngân hàng TMCP Bưu điện – Liên việt (LienVietPostBank) với 6,99%/năm, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) VietBank, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank)… với 6,9%/năm.

lai suat tang manh rut khoi dat ban thao co phieu gom tien gui tiet kiem
Lãi suất tăng gửi tiết kiệm ăn ngon ngủ yên.

Theo các chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát cộng thêm nhu cầu tín dụng tăng cao trong 5 tháng đầu năm và sức hút từ các kênh đầu tư khác, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nếu muốn cạnh tranh thu hút tiền gửi. Lãi suất tiền gửi tăng là tin vui với những ai đang có tiền nhàn rỗi có nhu cầu gửi tiết kiệm. Không chỉ các cá nhân mà ngay cả DN nếu có tiền nhàn rỗi càng lớn, gửi ngân hàng càng được hưởng lợi nhiều.

Dự báo của giới chuyên môn cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, do áp lực về lạm phát, do nhu cầu vay vốn tăng, trong khi nhiều người có nhu cầu sửa chữa nhà cửa, trả nợ, mua sắm xe cộ, đồ dùng gia đình chuẩn bị đón Tết. Vì vậy, không có tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng, phải rút tiền gửi, thậm chí là vay từ ngân hàng để chi tiêu… sẽ đẩy lãi suất huy động tăng.

Một số nhận định cho rằng, “cuộc đua” tăng lãi suất huy động có thể lại bắt đầu. Những ngân hàng TMCP nhỏ có thanh khoản không dồi dào, lại không thể vay vốn trên thị trường liên ngân hàng, trong khi áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền, sẽ phải tăng lãi suất để huy động vốn trong dân. Thời gian tới, nếu có thêm các ngân hàng nhỏ tham gia tăng mạnh lãi suất để huy động tiền gửi, sẽ khiến cho các ngân hàng TMCP lớn có thể cũng phải chạy theo, do lo sợ mất thị phần. Biểu hiện mới nhất là các ngân hàng thuộc nhóm “Big 4” đã nhúc nhích tăng lãi suất. Điều này dễ dẫn đến cuộc “chạy đua” tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích