Lai Châu chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát
Lai Châu chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát
Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang tái phát tại một số địa phương trong tỉnh, ngành Thú y, chính quyền các địa phương đã và đang nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống.
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến nhà anh Vàng Văn Chủ – bản Séo Làn Than, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu. Khuôn mặt đượm buồn, anh Chủ cho biết: “Đầu năm 2024, tôi vay Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh 50 triệu đồng đầu tư làm chuồng và chăn nuôi lợn. Đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng thì khoảng giữa tháng 7 vừa rồi tôi mua một con lợn cắp nách về làm lý. Mặc dù đã rất cẩn thận nhốt riêng, song sau khoảng 1 tuần thì con lợn có biểu hiện dịch tả, rất nhanh đã lây ra cả đàn lợn thịt chuẩn bị xuất bán của gia đình. Đến ngày 23/7, tôi phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 23 con, tổng trọng lượng hơn 1,4 tấn. Đau sót lắm nhưng tôi vẫn báo với chính quyền và cán bộ thú y thành phố khoanh vùng tiêu hủy, hướng dẫn cách khử trùng tránh mầm bệnh tiềm ẩn”. Hiện trong chuồng của gia đình Chủ còn 1 con lợn nái và 10 con lợn con cũng bắt đầu bỏ ăn, sốt, cán bộ thú y đã kiểm tra chuẩn bị cho tiêu hủy. Tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
.
Gia đình anh Nông Văn Biên – bản Nậm Loỏng 3, phường Quyết Tiến cũng vừa tiêu hủy trên 1,3 tấn lợn thịt do lợn mắc DTLCP. Nhìn chuồng lợn trống không anh Biên xót xa lắm: “Nếu bán ở thời điểm này với giá lợn hơi là 70.000 đồng/kg thì gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Vì khu chăn nuôi của gia đình tôi rất tách biệt, ít người qua lại, gia đình lại chủ động nguồn thức ăn không phải mua thịt lợn ở chợ nên nguyên nhân lợn mắc bệnh cũng chưa xác định được rõ”.
Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Loại vi-rút này có thể tồn tại 2 – 4 tháng trong cơ sở bị nhiễm bệnh và 5 – 6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, ngoài đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch thì việc tiêu hủy lợn bị dịch bệnh cũng được các địa phương và hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc. Thời gian qua, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi (đối với cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP. Cùng với đó, chính quyền địa phương, cơ quan thú y đẩy mạnh tuyên tuyền về tác hại và nguy cơ lây lan dịch bệnh, nên bà con đã nâng cao nhận thức, không bán tháo, bán chạy lợn có mầm bệnh mà báo ngay cho địa phương, nên các ổ dịch cơ bản được kiểm soát chặt chẽ.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 ổ dịch tại 7 xã, phường thuộc 4 huyện: Tam Đường, Mường Tè, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu; tổng số lợn tiêu hủy 217 con/trọng lượng hơn 6.000kg. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh DTLCP tái phát là do mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ và đường lây truyền dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, việc giao thương buôn bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật khó kiểm soát triệt để…
Để bảo vệ đàn vật nuôi, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã quan tâm và triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Thực hiện tiêm phòng vụ thu – đông cho đàn vật nuôi đối với các loại vắc xin: tụ huyết trùng, lở mồm long móng đối với trâu, bò; dịch tả lợn cổ điển; tụ huyết trùng lợn; tai xanh lợn; lở mồm, long móng lợn; cúm gia cầm; dại chó mèo. Tuyên truyền vận động Nhân dân khi phát hiện lợn mắc bệnh dịch tả cần tiêu hủy và cách ly chúng nhanh chóng để tránh lây lan và dịch bệnh bùng phát. Không mua bán, vận chuyển và tiêu thụ lợn đã bị nhiễm bệnh hoặc lợn nghi bị bệnh. Tiêu diệt những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như ruồi, muỗi để tránh mang bệnh đi phát tán.
Đồng chí Phạm Anh Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, Đối với bệnh DTLCP, hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Đảm bảo an toàn cho đàn lợn trước DTLCP tái phát thì biện pháp tiêm phòng là rất quan trọng, song do giá vắc xin phòng dịch tả Châu Phi cao (70.000/liều), đàn lợn phải được xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP trước khi tiêm nên rất tốn kém cho người chăn nuôi. Do đó, đến nay, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 15% so với tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh và lây lan DTLCP là rất cao do phương thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là hộ gia đình, nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Các hoạt động tái đàn, tăng đàn, vận chuyển con giống tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết đang vào mùa mưa, diễn biến phức tạp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại và phát tán rộng mà còn làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Việc triển khai tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Do đó, để ngăn chặn bệnh DTLCP, Chi cục Thú y khuyến cáo, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi trong chuồng kín; kiểm soát người ra, vào khu vực chăn nuôi. Chủ động nguồn con giống tại chỗ (hoặc mua con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh). Kiểm soát chặt thức ăn đầu vào. Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh khác cho đàn lợn như: tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng. Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chế phẩm sinh học nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Định kỳ 1 tuần 1 lần phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị