Lạc tướng Mai Công Phúc: Trọn đời yêu nước, thương dân

(Xây dựng) – Cuối năm 2018, khi trùng tu xây dựng lại Đền thờ Lạc tướng Mai Công Phúc tại thôn Hạ Đồng, xã Thuỵ Sơn, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình đã phát lộ ngôi mộ thuyền táng Lạc tướng ngay trong Cung lăng mộ. Căn cứ vào bia “Di tích lịch sử”, tư liệu từ Bảo tàng tỉnh Thái Bình thì Lạc tướng Mai Công Phúc sinh ngày 06 tháng 3 năm Mậu Dần, đời Hùng Duệ Vương, là con cháu chi thứ phò mã Mai An Tiêm, quê ấp Đường Hào, bộ Dương Tuyền (nay là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học một biết mười, lớn lên văn võ song toàn được dân bộ lạc tôn làm Thủ lĩnh.

lac tuong mai cong phuc tron doi yeu nuoc thuong dan
“Mộ thuyền” mai táng Lạc tướng Mai Công Phúc, được phát lộ khi trùng tu Đền thờ và Cung lăng mộ năm 2018, tại thôn Hạ Đồng, xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Năm Giáp Thìn (257 TCN), Thục Phán An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc. Mặc dù mới được thành lập còn rất non trẻ nhưng Thục Vương đã lãnh đạo Nhân dân Âu Lạc đánh tan 50 vạn quân xâm lược nhà Tần. Đây là trận đánh đầu tiên đã giành được chiến công vô cùng vĩ đại và oanh liệt. Sau chiến thắng quân Tần, Thục Vương đã quyết định: dời đô về xây thành Cổ Loa để phòng thủ đất nước, đồng thời chủ trương phát triển kinh tế nhằm xây dựng nước Âu Lạc ngày càng hùng cường và lớn mạnh. Tướng quân Cao Lỗ là người được Thục Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy xây thành Cổ Loa. Và có thể khẳng định đây là công trình kỳ vỹ sáng tạo, đồ sộ và hoàn bị về quân sự đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước thời bấy giờ. Về phát triển kinh tế, khi được Lạc tướng Mai Công Phúc chủ động dâng sớ tâu trình, Thục Vương đã phê duyệt: “Cho phép Lạc tướng Mai Công Phúc đi chu du khắp nước, từ Phong Châu, Tây Vu đến Cửu Chân để tuỳ chọn đất mở mang thực ấp, trước lo cho dân có kỷ cương phép tắc, chủ tâm khai hoá nông tang, sau là đóng góp giúp cho Vương triều “thực túc binh cường…”. Thục Vương còn đánh giá: “Lạc tướng Mai Công Phúc là người có chí lớn biết nhìn xa, trông rộng”.

Với tầm nhìn chiến lược, mặc dù đã làm Thủ lĩnh ở ấp Đường Hào, bộ Dương Tuyền nay là Mỹ Hào, Hưng Yên cũng là một miền đất trù phú nhưng Lạc tướng Mai Công Phúc lại chọn vùng đất Thù Nương (nay là vùng ven biển huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình), nơi đây có nhiều cửa sông đổ ra biển như sông Hoá, sông Trà Lý, sông Diêm Hộ,… nên đất đai rất màu mỡ, thích nghi với nhiều loại cây lương thực, lại có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, đặc biệt có nghề làm muối và đánh bắt cá sông, cá biển với trữ lượng lớn và nếu được chế biến bảo quản ướp muối thì tạo ra nguồn thức ăn dự trữ tiềm tàng cung cấp kịp thời cho nhu cầu nhà binh kinh đô và các vùng trung du, miền núi… Đồng thời với việc giúp dân khai thác tiềm năng tại chỗ, Lạc tướng Mai Công Phúc còn kêu gọi con cháu họ Mai và các dòng họ khác ở mọi nơi mang theo những ngành nghề khác như làm đồ sành, vại, ang, chum, nồi niêu,… tận thu nguồn đất sét hiếm có ở nơi này… tạo thành cơ cấu sản phẩm phong phú và đa dạng. Vì vậy, chẳng bao lâu, từ một vùng đất có nhiều cồn cao gò lớn, bãi biển hoang vu, sình lầy, lau sậy bần vẹt mọc um tùm đã biến thành một vùng đất bằng phẳng, trù phú, từ chua, mặn thành “mật điền”. Về giao thông vận tải, ngoài đường bộ có hệ thống đường thuỷ (bắt nguồn từ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình) đổ ra biển, lại có cảng Diêm Điền (nay là cảng biển quốc gia) cho phép tàu thuyền có tải trọng 2.000 tấn ra vào thuận lợi, thúc đẩy giao thương tấp nập “trên bến dưới thuyền”. Đây là điều kiện quan trọng thực hiện kế sách “thực túc, binh cường” đúng ý nghĩa là “hậu phương” cho kinh đô kể cả Cổ Loa và Bạch Hạc, Phú Thọ,… Từ ấy, Nhân dân các động, ấp quanh vùng đã suy tôn Lạc tướng Mai Công Phúc làm “Bố Cái”.

Đất nước hoà bình, hưng thịnh chưa được bao lâu thì Triệu Đà lại cất quân sang đánh. Do quá say sưa với thành quách và “nỏ thần” hiệu nghiệm, Thục Vương đã mất cảnh giác. Chỉ vì “gả Mị Châu cho Trọng Thuỷ” mà dẫn đến kết cục bi thảm: thành Cổ Loa bị thất thủ, tướng – quân đại bại. Thục Vương và công chúa Mỵ Châu phải lên ngựa chạy trốn. Cùng chiến đấu, giải thoát cho Thục Vương có Lạc tướng Mai Công Phúc. Tại Thù Nương (nay là Hạ Đồng, Thái Thuỵ, Thái Bình) ngày ấy đã diễn ra cuộc chiến đấu rất anh dũng nhưng không cân sức. Trước sự truy đuổi rất khốc liệt của tướng – quân Triệu Đà, lạc tướng Mai Công Phúc đã hy sinh ngày 10 tháng 8 (Âm lịch) năm 208 TCN, ngay tại trang ấp của mình. Thục Vương cùng Mỵ Châu tiếp tục trốn chạy về phía Nam, đến bộ Hoài Nam (nay là Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì Thục Vương tự tuẫn tiết vào ngày 12 tháng 8 (Âm lịch) năm 208 TCN, chỉ sau hai ngày hy sinh của Lạc tướng Mai Công Phúc.

Cái chết của Thục Vương thật bi thảm, nhưng sự hy sinh của Lạc tướng Mai Công Phúc thể hiện rõ khí tiết của người tướng lĩnh trong triều: khi đất nước hoà bình thì trình tấu đi khai khẩn, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế; khi đất nước bị xâm lăng thì một lòng một dạ trung thành tuyệt đối với Thục Vương ngay cả khi thất trận, cũng xả mình cứu vua, chiến đấu hi sinh đến giọt máu cuối cùng, thể hiện bản lĩnh: trung với vua là yêu nước? Trước giờ phút lâm chung, Lạc tướng Mai Công Phúc còn di huấn: “…Chúng ta từ các bộ lạc tụ hợp về đây, phải coi nhau là ruột thịt. Già phải răn dạy trẻ, đạo làm con cháu phải nghe lời, phải thương nhau. Người giàu phải giúp đỡ người nghèo, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. Giặc đến phải liều thân, đồng tâm tử chiến… các người chớ sai”. Chính vì vậy, sau khi Lạc tướng Mai Công Phúc qua đời, Nhân dân đã lập Đền thờ và tổ chức mai táng Lạc tướng theo nghi thức “mộ thuyền”, là hình thức uy nghiêm, long trọng nhất thời bấy giờ, vẫn bảo tồn đến ngày nay và mãi mãi về sau… Đến đời vua Lê Cảnh Hưng, Lạc tướng Mai Công Phúc được ban sắc phong: “Tuế thờ tự vân hành, vũ thứ thiên quan, hộ quốc cứu dân thượng đẳng tôn thần”.

Ghi nhớ công lao to lớn của Lạc tướng Mai Công Phúc, hàng năm cứ đến ngày sinh và ngày tạ thế của Lạc tướng, Nhân dân mọi miền đất nước cùng với Nhân dân Hạ Đồng, Thuỵ Sơn, Thái Thuỵ, Thái Bình long trọng tổ chức dâng hương, lễ hội, tỏ lòng thành kính một người con tận trung với nước, tận hiếu với dân và trung thành tuyệt đối với triều đại Thục Phán An Dương Vương. Hiện nay ngôi Đền và Cung lăng mộ đang được xây dựng lại, xứng với thân thế và sự nghiệp của Lạc tướng Mai Công Phúc.

Mai Công Hoà
Nguyên Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Thái Bình

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích