Kỳ vọng về một đạo luật khơi thông nguồn lực đất đai
Kỳ vọng về một đạo luật khơi thông nguồn lực đất đai
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây (10/2023).
Cử tri và Nhân dân cả nước đang kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua được một đạo luật chất lượng, giải quyết những điểm nghẽn, gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.
Để đi tới được Kỳ họp này, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng hết sức công phu kể từ quá trình tổng kết thi hành, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cử tri và nhân dân.
* Lắng nghe, cầu thị để hoàn thiện Luật Đất đai
Việc sửa Luật Đất đai 2013 được chính thức khởi động từ cách đây 3 năm, khi vào tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời giao Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Luật.
Triển khai nhiệm vụ này, Bộ đã xây dựng Đề cương tổng kết thi hành Luật Đất đai và có văn bản gửi đề nghị các Bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện tổng kết. Quá trình tổng kết đã được tiến hành song song với tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW. Bên cạnh đó, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Đất đai sửa đổi; ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; nghiên cứu, xây dựng các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành kế hoạch xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó đã thành lập các nhóm (với các nội dung quan trọng) để giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện trong suốt quá trình xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ động mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham gia trong quá trình soạn thảo…
Thực hiện Kế hoạch này, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc về dự thảo Luật với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; gửi các Bộ ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 được ban hành, Bộ đã khẩn trương huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật; lấy ý kiến các địa phương, các bộ ngành để thống nhất các nội dung sửa đổi lớn của Dự thảo Luật sau đó báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Với quan điểm xuyên suốt tại các buổi làm việc với các Bộ, ngành địa phương là lắng nghe, cầu thị, khái quát từ thực tiễn để phản ánh chính xác tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở mỗi vùng, miền với đặc trưng văn hóa, điều kiện kinh tế, tự nhiên khác nhau. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo giữa các pháp luật trong thực tiễn, không gì khác ngoài mục đích xây dựng Dự thảo Luật phải có tháo gỡ vướng mắc, phát huy nguồn lực và có sức sống dài lâu.
Sau kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ Dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp, Bộ TN&MT đã hoàn thiện Dự thảo và lấy ý kiến Nhân dân trong vòng 2 tháng rưỡi, từ 3/1/2023 đến 15/3/2023. Có lẽ sau đợt lấy ý kiến nhân dân xây dựng Hiến pháp 2013, đợt lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai lần này diễn ra sâu rộng nhất và huy động được rất nhiều ý kiến tâm huyết góp ý vào bộ luật vì luật này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người.
Tính sơ bộ trong 2 tháng, từ giữa tháng 2/2023 đến giữa tháng 4/2023 đã diễn ra gần 90 hội nghị, hội thảo, phiên họp, cuộc làm việc từ cấp Trung ương đến địa phương về việc sửa đổi Luật Đất đai. Chưa bao giờ các chính sách về đất đai lại được thảo luận sâu rộng và cởi mở như thế.
Sau đợt lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trong và ngoài nước với nhiều phương thức trực tiếp và trực tuyến, cử tri một lần nữa được góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đưa đây trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc. Từ ngày 16/3, Ban soạn thảo – Bộ TN&MT và các cơ quan Chính phủ đã làm việc có trách nhiệm để hoàn thiện Dự thảo và trình Quốc hội văn bản chính thức vào ngày 29/5. Trong giai đoạn này, Bộ TN&MT, Tổ biên tập Dự án Luật đất đai (sửa đổi) đã khẩn trương, tích cực trong nhiều ngày liên tục để tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân hoàn thiện dự án Luật.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội lại một lần nữa góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo. Đánh giá Dự thảo Luật sau khí lấy ý kiến Nhân dân, Ủy ban Kinh tế đánh giá là “có bước tiến quan trọng về chất lượng”.
Đơn cử như vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là thu hồi đất đã có sự thay đổi lớn trong Dự thảo lần này. Theo Ủy ban Kinh tế, so với bản Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và Dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân, Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đã có sự thay đổi lớn theo hướng cụ thể hơn, liệt kê tới 31 trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: Thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; Thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình.
* Tập trung phối hợp giải trình, tiếp thu
Sau kỳ họp thứ 5, cơ quan chủ trì thẩm tra – Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là cơ quan chủ trì tiếp thu, giải trình hoàn thiện Dự án Luật. Lúc này, Bộ TN&MT với tư cách là cơ quan soạn thảo dự án Luật đã báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin làm rõ các nội dung trong Dự thảo Luật bổ sung lập luận, góc nhìn, thực tiễn giúp các cơ quan của Quốc hội cân nhắc quyết định đối với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật theo đúng thẩm quyền, vai trò của cơ quan thẩm tra đã quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã giao Tổ biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong việc tiếp thu, giải trình Dự án Luật, đặc biệt Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã có một số buổi làm việc với Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Khanh về một số nội dung giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật. Ngoài ra, trong quá trình phối hợp, Bộ TN&MT đã có nhiều báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế về quan điểm của Bộ trong việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội sau khi xin ý kiến Chính phủ.
Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tổ chức một số cuộc họp trong đó có mời các cơ quan của Quốc hội và một số bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TN&MT để cho ý kiến chỉ đạo.
Với vai trò chủ trì hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học về các vấn đề lớn như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Đặc biệt, đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và họp 2 phiên (tháng 8, 9/2023) để cho ý kiến vào dự án Luật.
Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 9/2023 cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi rộng, nội dung khó, có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng dự án Luật này. Hồ sơ dự án luật hiện tại đã đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Hiện nay, một số nội dung quan trọng của dự án Luật vẫn đang trong quá trình xem xét để lựa chọn phương án tối ưu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, với những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho Chính phủ, căn cứ vào báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế để đưa ra ý kiến, quan điểm, phối hợp giải trình, tiếp thu đầy đủ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan để xem xét, nêu rõ quan điểm, chính kiến về những vấn đề có ý kiến khác nhau. Ủy ban Kinh tế cần sớm tổng hợp các nội dung còn ý kiến khác nhau, các phương án để hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, trình Bộ Chính trị trước khi tiến hành kỳ họp.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị