Kỳ vọng mới trong cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội
Ngay khi Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó có nhiều chính sách mới, hấp dẫn, liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, góp phần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chính quyền, cư dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án.
Cùng với đó, Luật Thủ đô năm 2024 có quy định đối với trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo pháp luật về nhà ở thì Ủy ban nhân dân thành phố được quyền thu hồi đất nhà chung cư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi có từ 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất trong phạm vi dự án đồng thuận.
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.580 nhà chung cư cũ, được xây dựng trong thời gian từ năm 1960 đến 1992.
Trong quá trình sử dụng, các chung cư không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên, cộng với tình trạng các hộ dân tự ý cơi nới, lấn chiếm dẫn đến nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng.
Một số nhà chung cư hư hỏng nặng, được cơ quan chức năng kiểm định, đánh giá chất lượng mức độ D, buộc phải phá dỡ, xây dựng lại, như nhà C8 Giảng Võ, G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, 51 Huỳnh Thúc Kháng…
Tình trạng lún, nghiêng nhà G6A Thành Công có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Nghiêm trọng hơn, tình trạng lún, nghiêng chưa có dấu hiệu dừng lại khi khoảng cách giữa hai tòa nhà ngày càng lớn. |
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đã tuyên truyền, vận động người dân di dời khỏi nhà nguy hiểm G6A Thành Công.
Ủy ban nhân dân phường Thành Công đã nhiều lần vận động người dân di dời ra khỏi tòa nhà này; quây tôn và đặt biển cảnh báo nguy hiểm.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một vài hộ dân “bám trụ”, không chịu di dời khỏi nhà nguy hiểm.
Bất chấp cảnh báo của chính quyền, vẫn còn người dân sinh sống tại nhà G6A Thành Công. |
Vừa qua, để ứng phó siêu bão số 3, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương sơ tán người dân sinh sống tại các chung cư, nhà nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn để bảo đảm tính mạng; đồng thời bố trí các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân tại nơi tránh trú.
Tại quận Hoàng Mai, người dân sinh sống tại nhà A7, tập thể Tân Mai, phường Tân Mai và khu tập thể Đại tu ô-tô số 1, Tổ dân phố số 8, phường Hoàng Liệt được di dời đến nơi tránh trú bão an toàn.
Đến nay, người dân từ nơi tránh trú đã trở về nhà sinh sống, nhưng nguy cơ mất an toàn vẫn thường trực.
Nhà A7 tập thể Tân Mai được xây dựng từ năm 1984 theo công nghệ lắp ghép với quy mô năm tầng. Sau 40 năm sử dụng, nhiều hạng mục của tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có vết nứt lớn khiến toàn bộ cầu thang và chiếu nghỉ tách rời khỏi khối nhà, gây ảnh hưởng kết cấu chịu lực.
Nhà A7 tập thể Tân Mai xuống cấp nghiêm trọng. |
Đáng chú ý, sau ảnh hưởng siêu bão số 3, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố, trong đó ghi nhận một số tỉnh thành, nhiều nhà chung cư cũ thuộc diện cải tạo, xây dựng lại đã có hiện tượng nứt, nghiêng không còn bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng do ảnh hưởng của cơn bão; một số địa phương đã phải di dời người dân ra khỏi nhà chung cư.
Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định, bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân phải di dời.
Đơn vị quản lý tòa nhà đã cho lắp hệ thống giàn giáo thép nhằm gia cố, chống đỡ tạm thời, nhưng nguy cơ đổ sập rất lớn, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. |
Vết nứt lớn tại cầu thang. |
Nhiều năm nay thành phố Hà Nội rất quan tâm đến công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và ban hành các kế hoạch triển khai đề án.
Thành phố đã giao nhiệm vụ cho ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ chủ trì lập, trình thẩm định quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư dự án, nhưng đến quý II/2024 chưa có nhà chung cư nào được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Tiến độ triển khai chậm trễ.
Các chung cư cũ gây nhếch nhác đô thị. |
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đang chỉ đạo, đôn đốc ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch chi tiết, kiểm định nhà, khu chung cư cũ và lựa chọn chủ đầu tư theo quy định, hoàn thành trong quý III-2024; đồng thời khẩn trương rà soát, triển khai các quy trình, thủ tục cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn theo quy định.
Đáng chú ý, sau khi Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó quy định Nhà nước bố trí kinh phí kiểm định nhà chung cư, lập quy hoạch; bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện dự án, cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư.
Nhiều quy định mới rất cụ thể, như các hộ tầng một được hưởng hệ số bồi thường K= 1 đến 2 lần, các hộ tầng hai trở lên hưởng hệ số bồi thường K=1 đến 1,5 lần.
Chính phủ bổ sung quy định mới về lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chủ sở hữu đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư; việc quy gom nhà chung cư kèm theo cơ chế ưu đãi; lập phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các loại diện tích nhà, đất, công trình thuộc tài sản nhà nước…
Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư C1 Thành Công hoàn thành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân, gắn với tái thiết đô thị. |
Luật Thủ đô năm 2024 quy định, trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư thì Ủy ban nhân dân thành phố sẽ thu hồi đất nhà chung cư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi có từ 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất trong phạm vi dự án đồng thuận.
Số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp tục được phân chia và chi trả cho từng chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất…
Với những quy định mới vừa được ban hành, hy vọng thành phố Hà Nội sẽ sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ để cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân gắn với tái thiết đô thị.
Nguồn: Báo xây dựng