Kỳ vọng giảm nghèo từ cây dứa
Đây cũng là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại huyện vùng sâu tỉnh Đắk Lắk. Chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực tìm giải pháp phù hợp, hiệu quả để mở rộng quy mô cây trồng trên địa bàn, để vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.
Xóa đói giảm nghèo nhờ cây dứa
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, cây dứa được người dân trên địa bàn huyện trồng đã hơn 10 năm và tăng mạnh từ năm 2015 trở lại đây. Nguyên nhân là do cây dứa rất thích hợp ở những diện tích đất đồi dốc, có thể thu hoạch quanh năm, thị trường tiêu thụ mạnh, được thương lái thu mua hết với giá cao. Nhiều hộ trồng dứa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có thu nhập ổn định, từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Một trong những hộ trồng dứa đem lại hiệu quả kinh tế cao – ông Sín Mí Chá, thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết, sau khi tham khảo một số mô hình trồng dứa của người dân trong thôn, năm 2021, gia đình đầu tư 40 triệu đồng mua 20.000 cây giống trồng trên 1 ha đất.
Sau hai năm chăm sóc, vườn dứa đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng hơn 30 tấn, được thương lái thu mua với giá bình quân 9.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí thu lãi 200 triệu đồng. Ngoài ra, còn bán được 80.000 chồi dứa cho người dân trong vùng làm giống, thu về số tiền 100 triệu đồng.
“Nếu trồng ngô, sắn, khi được mùa được giá, lợi nhuận thu về cũng chỉ được 50 triệu đồng/ha, trong khi dứa cho thu nhập gấp 4 lần, mà chi phí đầu tư thấp. Cũng nhờ trồng dứa, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và có điều kiện tốt hơn để đầu tư phát triển, mở rộng quy mô trồng trọt. Năm nay, năng suất và giá dứa ổn định, hứa hẹn gia đình lại có một vụ mùa bội thu. Trong thời gian tới, gia đình dự định sẽ mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng dứa, nâng cao thu nhập”, ông Sín Mí Chá chia sẻ.
Vui mừng khi dứa năm nay đạt năng suất và ổn định giá, ông Trần Ngọc Anh, buôn Chàm B, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông chia sẻ, gia đình ông bắt đầu trồng dứa từ năm 2020, được chuyển đổi từ diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả. Nhận thấy dứa là loại cây chịu hạn tốt, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, nên hiện gia đình đã đầu tư 3 ha dứa, với 60.000 gốc. Vụ mùa năm nay, vườn dứa cho năng suất ổn định khoảng 25-30 tấn/ha (khoảng 18.000 quả/ha) với giá bán bình quân 10.000 đồng/quả. Sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông thu lãi khoảng 130 triệu đồng/ha.
Xã Cư Đrăm là địa phương có diện tích dứa nhiều nhất huyện Krông Bông với 1.768/2.150 ha, chiếm 82,2% diện tích dứa toàn huyện. Đây cũng là vùng trọng điểm trồng dứa của huyện vùng sâu Krông Bông.
Phó Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm Trần Đức Sơn cho biết, những năm gần đây, cây dứa đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, vì có nhiều lợi thế phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Hầu hết dứa được trồng trên đất đồi dốc, là diện tích đất trước đây trồng lúa nương, ngô, đậu đỗ, sắn không hiệu quả.
Theo đánh giá vùng Cư Drăm có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây dứa, kết hợp với kinh nghiệm sau nhiều năm trồng dứa của người dân và áp dụng tốt kỹ thuật sẽ cho năng suất cao và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, giá dứa ổn định nên mỗi ha dứa đều cho thu lợi trên 100 triệu đồng, đây là mức thu nhập khá cho người dân vùng sâu xã Cư Đrăm.
“Tuy nhiên, hiện thị trường tiêu thụ dứa của người dân vẫn phụ thuộc vào thương lái tự do, nên để phát triển bền vững và hiệu quả vẫn cần mở rộng, ổn định thị trường tiêu thụ, nhất là liên kết trong sản xuất để ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Trần Đức Sơn cho hay.
Liên kết sản xuất để phát triển bền vững cây dứa
Ông Lê Văn Thắm, thôn 2, xã Cư Đrăm – người có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng dứa chia sẻ, nhận thấy cây dứa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, sinh trưởng tốt, nên từ năm 2018 đến nay gia đình ông dần mở rộng diện tích lên 30 ha. Những năm trước, vào thời điểm tháng 5 đến tháng 6 là chính vụ thu hoạch dứa, nên quả dứa thường bị ùn ứ, khó tiêu thụ, bị thương lái ép giá. Ba năm trở lại đây, gia đình bắt đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, cho dứa ra rải vụ, để có thể thu hoạch quanh năm, tránh được tình trạng tồn đọng, mất giá.
Theo ông Lê Văn Thắm, dù cây dứa đang cho hiệu quả kinh tế tốt hơn các loại cây trồng trước đây, nhưng người dân vẫn trăn trở về đầu ra sản phẩm, cần thiết phát triển cây dứa theo hướng sản xuất hàng hóa và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ quả dứa cũng như hướng đến thị trường xuất khẩu. Để làm được điều này, cần sự chung tay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cả người trồng dứa.
Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông Võ Tấn Trực cho biết, huyện Krông Bông có vùng nguyên liệu dứa khá lớn với hơn 2.150 ha. Qua nhiều năm trồng bà con ngày càng phát huy được thế mạnh của cây dứa nên cho năng suất cao, sức chống chịu tốt với nắng hán.
Đặc biệt, hiện người trồng dứa đã nắm vững kỹ thuật xử lý dứa ra hoa trái vụ theo ý muốn trên dứa năm thứ hai trở đi nên hạn chế áp lực tiêu thụ dứa thời điểm chính vụ.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền cho bà con mở rộng diện tích cây dứa ở những vùng đất phù hợp, đồng thời tìm kiếm các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản để tìm đầu ra ổn định cho quả dứa.
Hiện, huyện Krông Bông đã đạt được những thỏa thuận với đơn vị thu mua, chế biến và bao tiêu toàn bộ sản lượng dứa trên địa bàn huyện với giá bảo hiểm khá cao là 15.000 đồng/quả (hiện giá dứa cao nhất là 18.000 đồng/quả).
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tổ chức ký kết bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa để nâng cao hiệu quả canh tác dứa của người dân.
“Khi quá trình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp ổn định, huyện cũng định hướng mở rộng vùng nguyên liệu trồng dứa và phấn đấu từ năm 2025 định hướng đến 2030 sẽ có 4.000 – 5.000 ha dứa. Điều này vừa đảm bảo vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”, ông Võ Tấn Trực cho hay.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu