Kỳ vọng đột phá từ tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu
(Xây dựng) – Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội đối với hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Phối cảnh dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. |
Giữa tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức động thổ Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang.
Dự án thành phần 2 có tổng chiều dài khoảng 11,43km; trong đó khoảng 3,81km đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và 7,62km qua tỉnh Tiền Giang, do UBND tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án sẽ có điểm đầu giao với dự án thành phần 1 cũng thuộc cao tốc Cao Lãnh – An Hữu tại Km16 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối giao với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại lý trình Km98+950, cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Ở giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, mỗi làn xe rộng 3,5m với chiều rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80 km/h; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m với chiều rộng nền đường là 24,75m, vận tốc khai thác 100 km/h. Dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, có tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.255 tỷ đồng. Thời gian triển khai từ năm 2022 – 2027.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 27,43 km, được chia thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 (Km0+000 – Km16+000) chiều dài khoảng 16km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản thực hiện. Dự án đã khởi công ngày 25/6/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025.
Dự án thành phần 2 (Km16+000 – Km27+430) chiều dài khoảng 11,43km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng, do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản thực hiện.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội đối với Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Dự án góp phần hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của cả khu vực, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022, là tuyến cao tốc trục ngang thứ hai (cùng với tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng), có tổng chiều dài 27km đi qua địa phận hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang; trong đó có 16km đi qua Đồng Tháp, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan Nhà nước thẩm quyền đầu tư.
Đây là dự án sử dụng ngân sách đầu tư công từ nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết 93/2023/QH15 về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội. Vì là dự án sử dụng nguồn vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nên tỉnh Đồng Tháp được áp dụng cơ chế đặc thù trong cung ứng vật liệu theo các nghị quyết của Quốc hội; trong đó có việc phân bổ, điều tiết nguồn vật liệu cát phục vụ san lấp cho dự án.
Nguồn: Báo xây dựng