Kỳ tích F0 đầu tiên được hồi sinh nhờ ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn
“Như bị ai bịt mũi không thể thở được”
Sáng 17/9 là một ngày vô cùng đặc biệt với anh Hoàng Văn Ngọc (48 tuổi, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hôm nay, anh được chấm dứt chuỗi ngày dài gần 2 tháng chiến đấu với Covid-19, giành giật sự sống khi từng nguy kịch, phải can thiệp, chạy ECMO. Đến chính bản thân anh cũng không dám tin mình đã được khỏe mạnh trở lại sau những ngày tháng bị kích thích vật vã đau đớn, không thể thở nổi vì mắc Covid-19.
Anh Hoàng Văn Ngọc trước khi ra viện. |
Cách đây 2 tháng, gia đình anh Ngọc được đưa đi cách ly tập trung vì sát nhà có trường hợp F0. Lúc này, nhà anh đã có 3 người nhiễm Covid-19. Đến ngày 12 được xét nghiệm để chuẩn bị rời khỏi khu cách ly tại Thanh Trì, anh Ngọc được phát hiện nhiễm bệnh, nồng độ vi rút rất cao. Anh được chuyển tới Bệnh viện Đống Đa điều trị. Sau 2 ngày nằm viện, cơ thể anh phản ứng dữ dội với vi rút SARS-CoV-2, anh được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Thanh Nhàn.
Chia sẻ trước khi ra viện, anh Ngọc xúc động nói: “Được đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn buổi chiều thì đến đêm tôi lơ mơ, lúc mê lúc tỉnh. Lúc này, tôi nghe thấy tiếng bác sĩ gọi “Anh Ngọc ơi, cố gắng hít thật sâu, thở từ từ…”. Người tôi nóng hừng hực rất khó chịu, như ai bịt mũi không thể thở được nữa”.
Các bác sĩ sau đó tích cực hô hấp, động viên anh Ngọc cố gắng: “Thở được mới sống được, đừng suy nghĩ gì cả”.
Có lúc, ranh giới sự sống và cái chết với anh Ngọc tưởng chừng như rất mong manh, thậm chí tuyệt vọng. “Lúc bệnh nặng nhất tôi không thể nói nên lời, trong đầu tôi vẫn nhớ lời bác sĩ nói “hít sâu vào, thở từ từ”. Tôi mệt nhưng phải cố gắng. Người nào không cố gắng khó vượt qua được. Tôi nghĩ mình cố gắng nghe theo lời bác sĩ. Tôi cố gắng thở nhưng không thở được, trong đầu tôi nghĩ mình chết. Tôi lịm đi nhưng trong đầu vẫn có ý thức. Được vài ngày sau tôi mở mắt lại thì biết mình đã tạm thoát cửa tử”, anh Ngọc sợ hãi nhớ lại.
Theo anh Ngọc, bản thân anh không có bệnh nền. Khi mắc và trở thành bệnh nhân nặng nhất phải can thiệp ECMO, anh rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Trong suốt quá trình điều trị, may mắn anh Ngọc được bác sĩ, các nhân viên y tế động viên nên đã cố gắng hết sức để chiến thắng bệnh tật.
“Tôi tỉnh dậy, bác sĩ động viên bảo tôi phải tập thở. Họ bảo cứu được tôi đã quá cố gắng rồi. Tôi động viên mình cố gắng luyện tập hít thở lại, ngày nào cũng tập. Chưa bao giờ tôi thấy hít thở hằng ngày bình thường lại trở nên khó khăn với mình đến vậy. Cách đây hơn 1 tuần, tôi được rút ống thở và có thể nói chuyện lại được”, anh Ngọc chia sẻ.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân mắc Covid-19. |
Qua 50 ngày chiến đấu với tử thần, vào ngày bác sĩ thông báo được xuất viện, anh Ngọc vui mừng không ngủ được. “Giờ sức khoẻ của tôi đã ổn hơn rất nhiều. Tôi như được tái sinh lần thứ 2. Tôi sẽ trân trọng thêm cuộc sống này. Được ra viện tôi rất vui, cám ơn Đảng, Nhà nước đã không bỏ lại ai phía sau. Cám ơn bác sĩ, lãnh đạo Bệnh viện đã cứu sống tôi. Về nhà tôi sẽ cố gắng nghỉ ngơi cho khoẻ lại bình thường”, anh Ngọc nói.
Phổi bệnh nhân đông đặc, tổn thương tới 80%
Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân Ngọc là trường hợp mắc Covid-19 phải can thiệp ECMO đầu tiên tại Bệnh viện. Bệnh nhân đã trải qua 50 ngày chiến đấu với “thần chết”, đã được sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong điều trị như thở máy, lọc máu và cuối cùng là chạy ECMO. Theo bác sĩ Hương, ECMO là một kỹ thuật khó, phức tạp và cũng là “cánh cửa” cuối cùng để có thể cứu sống được cho bệnh nhân. Rất may mắn bệnh nhân đã đáp ứng điều trị, hồi phục và được xuất viện.
Trước đó, bệnh nhân Ngọc được chuyển viện tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng khó thở, suy hô hấp không đáp ứng thở máu xâm nhập. Hình ảnh chụp CT cho thấy bệnh nhân bị đông đặc 2 phổi, phổi tổn thương tới 80%. Nếu không can thiệp ECMO bệnh nhân khó có thể qua khỏi. Sau khi hội chẩn, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã quyết định can thiệp ECMO để cứu sống bệnh nhân. Trong quá trình triển khai, Bệnh viện Thanh Nhàn đã nhận được sự tư vấn về chuyên môn rất sát sao của các chuyên gia đầu ngành tại tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Khi tiến hành can thiệp ECMO, các bác sĩ cũng đã có chút lăn tăn vì liệu bệnh nhân có cơ hội không vì tổn thương phổi quá nặng, nhưng đây là cơ hội cuối cùng cứu bệnh nhân nên các bác sĩ vẫn quyết tâm thực hiện kỹ thuật này. Và sau hơn 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ can thiệp ECMO thành công. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, gặp nhiều khó khăn do tình trạng oxy máu của bệnh nhân cứ giảm dần… hoặc các chỉ số về oxy, huyết đông và đặc biệt tình trạng rối loạn đông cầm máu liên tục nên các bác sĩ cần theo dõi sát và điều chỉnh liên tục.
May mắn, đến ngày thứ 3 tình trạng của bệnh nhân khả thi hơn khi oxy lên dần. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức vì giai đoạn phổi tổn thương đông đặc, xơ hóa. Sự quyết tâm điều trị của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây được đền đáp khi bệnh nhân dần có sự hồi phục. Điều đầu tiên là tình trạng oxy máu lên, huyết áp ổn định hơn, dừng an thần để đánh giá ý thức. Bệnh nhân đã có cử động tay chân, có tín hiệu đáp ứng được với bác sĩ… Mỗi biến chuyển của bệnh nhân được y, bác sĩ theo sát từng phút.
Các y, bác sĩ tặng hoa chúc mừng bệnh nhân ngày ra viện. |
“Bởi vậy, ngày bệnh nhân được xuất viện là niềm vui không chỉ của bệnh nhân mà còn cả đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn. Đây là ca bệnh mắc Covid-19 can thiệp ECMO thành công ở bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội. Với bệnh nhân này, nếu không can thiệp ECMO, bệnh nhân sẽ tử vong”, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết thêm.
Tính tới thời điểm ngày 17/9, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận 604 trường hợp F0, trong đó có 140 nặng từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Đa phần các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 là người lớn tuổi, có bệnh lý nền.
Chúc mừng bệnh nhân trong ngày ra viện, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) là biện pháp cuối cùng để cứu sống người bệnh trong tình trạng suy hô hấp, phổi đông đặc. Việc bệnh nhân được cứu sống đã tiếp thêm năng lượng cho các y, bác sĩ tiếp tục kiên trì hơn nữa trong điều trị người bệnh Covid-19.
Hiện tại, Hà Nội ghi nhận khoảng 4.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 500-600 bệnh nhân được điều trị ở tầng 3, 40-50 bệnh nhân phải can thiệp thở máy. Hà Nội đã ghi nhận 31 trường hợp tử vong, chiếm khoảng 1%.
Ngay từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Sở Y tế Hà Nội đã kích hoạt Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang triển khai nhiệm vụ tuyến cuối của Hà Nội điều trị Covid-19 nặng. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất đến nay phải can thiệp ECMO. Với thành công này, ông Hưng khẳng định, nguồn lực y tế Thủ đô sẵn sàng đáp ứng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra tại Hà Nội.
Ngày ra viện, anh Ngọc đã gửi lời cảm ơn tới các y, bác sĩ trong lúc anh tuyệt vọng nhất đã động viên anh về mặt tinh thần và đã kiên trì cứu sống anh. Dù hiện tại sức khỏe chưa hồi phục, chân còn yếu do nằm nhiều ngày và tinh thần còn chưa tỉnh táo sau can thiệp ECMO, anh Ngọc cho biết, anh biết quý trọng sức khỏe hơn trước, sẽ dành nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình. Đồng thời anh cũng gửi lời khuyên tới mọi người hãy giữ gìn sức khoẻ bản thân, tránh để nhiễm Covid-19 như anh. “Tôi mắc Covid-19 mới biết khổ đến nhường nào. Mong sao mọi người hãy ở nhà khi dịch bệnh phức tạp, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Những ngày ở viện, tôi chứng kiến nhiều người già, cháu bé không có người thân bên cạnh, các bác sĩ lo liệu hết từ thuốc men, ăn uống, chăm sóc, động viên… nên rất vất vả và áp lực”, anh Ngọc chia sẻ thêm. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô