Kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8: Tiên phong – Chuyên nghiệp – Kết nối
Chương trình do Trường Đại học Công đoàn phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tới dự có bà Nguyễn Thanh Cầm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Hùng – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Anjanette Saguisag – Trưởng phòng Chính sách xã hội và Quản trị, UNICEF Việt Nam cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, một số tỉnh, thành phố, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế…
PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc buổi lễ. |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết: Nghề Công tác xã hội ra đời do nhu cầu cần thiết của xã hội, là một hoạt động mang tính tổng hợp cao, được thực hiện theo nguyên tắc và phương pháp nhất định nhằm hỗ trợ cá nhân, các nhóm và cộng đồng trong xã hội giải quyết các vấn đề bất ổn trong đời sống của họ, vì phúc lợi và hạnh phúc con người cũng như tiến bộ xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần có một đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo kỹ năng và tay nghề cao.
Khẳng định Công tác xã hội không chỉ là cần thiết mà còn rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, PGS.TS Lê Mạnh Hùng cho rằng, đây là lý do vì sao việc xây dựng và phát triển ngành Công tác xã hội phải đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.
Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết: Hiện nay, trên toàn quốc có gần 70 trường đại học, cao đẳng, và 21 cơ sở dạy nghề đào tạo chuyên ngành Công tác xã hội. Ngoài ra, còn có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở tư nhân. Trong số này, Trường Đại học Công đoàn là một trong những trường đầu tiên ở phía Bắc đào tạo ngành Công tác xã hội.
Trường đã bắt đầu đào tạo cử nhân từ năm 2003 và đã đào tạo hàng nghìn cử nhân, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các cử nhân ngành Công tác xã hội đã và đang đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc.
PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn trao Cờ tới đơn vị đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 9. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng cho biết, sự phát triển của ngành Công tác xã hội thời gian qua đã giúp cho người dân nâng cao năng lực, khả năng ứng phó và kỹ năng giải quyết khó khăn, có điều kiện tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong các đối tượng cần sự chăm sóc, hỗ trợ của ngành Công tác xã hội, công nhân, lao động là một lực lượng có số lượng đông đảo.
Thời gian qua, với vai trò, chức năng của mình, các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều mô hình chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Giai đoạn 2018 – 2023, hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp “Tết Sum vầy” với trên 28 nghìn tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ hơn 14 nghìn người lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng. 2.840 thỏa thuận hợp tác thuộc chương trình phúc lợi đoàn viên đươc ký kết, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa với giá ưu đãi cho 6,5 triệu lợt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền ưu đãi là hơn 1.400 tỷ đồng. Gần 3 triệu lượt đoàn viên, người lao động được vay vốn từ các quỹ trợ vốn của tổ chức Công đoàn với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng…
Nhằm đẩy mạnh công tác xã hội, trợ giúp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn toàn xã hội chung tay cùng với tổ chức Công đoàn, thực hiện tốt công tác xã hội cho người lao động, trọng tâm là một số nội dung: Đẩy mạnh nhiệm vụ công tác xã hội trong hỗ trợ giải quyết những vấn đề người lao động gặp phải khi làm việc trong các doanh nghiệp như: An sinh xã hội; thiếu, giảm hoặc bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập, khó khăn về nhà ở, xung đột trong các mối quan hệ với người sử dụng lao động, stress, tệ nạn xã hội…; những vấn đề về gia đình của người lao động như: Tình yêu, hôn nhân, bạo lực gia đình, chăm sóc và giáo dục con cái, sức khoẻ sinh sản, quản lý tài chính, chăm sóc cha mẹ già…
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ. |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người lao động nhận biết và có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội khi cần sự hỗ trợ, giúp đỡ lúc khó khăn, khi hoạn nạn; để những người làm công tác xã hội động viên, thăm hỏi, chia sẻ, giúp đỡ, để các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước được đến trực tiếp với từng người lao động và “không người lao động nào bị bỏ lại phía sau”.
“Các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo ngành Công tác xã hội, trong đó có Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục hoàn thiện chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo ngành Công tác xã hội theo hướng hội nhập quốc tế, có nội dung chuyên sâu về công tác xã hội cho đối tượng là người lao động; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ làm công tác đào tạo nghề Công tác xã hội”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị.
Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam như một hình thức vinh danh những người tham gia một công việc thầm lặng nhưng vô cùng cần thiết trong xã hội: Nghề Công tác xã hội. Đây là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề Công tác xã hội, ghi nhận những đóng góp của những người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô