Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh: Điểm nhấn miền di sản Ninh Bình
(Xây dựng) – Cách đây 10 năm, ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới dựa trên 3 tiêu chí nổi bật: Các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa; các giá trị về thẩm mỹ; các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo. Tràng An dần khẳng định là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam và trên toàn thế giới.
Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản với ba tiêu chí nổi bật toàn cầu: Giá trị về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mĩ và địa chất địa mạo. |
Kết hợp hài hòa vẻ đẹp tự nhiên với giá trị lịch sử
Ninh Bình nơi đây lịch sử còn ghi lại từ bóng trận cờ lau của Vua Đinh Tiên Hoàng, cùng những chiến công hiển hách phá Tống bình Chiêm của Vua Lê Đại Hành; đến Chiếu dời đô bất hủ của Thái tổ Lý Công Uẩn. Hay còn đó hình bóng từ căn cứ địa vững chắc trong kháng chiến chống Nguyên Mông của quân dân Nhà Trần đến tiếng vó ngựa thần tốc Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ tiến về Thăng Long đại phá quân Thanh.
Những mốc son lịch sử, những công trình kiến trúc, các di tích cổ kính, trầm mặc hòa quyện với cảnh sắc núi sông hùng vĩ, của biển rộng, rừng rậm, núi cao, các hang động huyền bí, linh thiêng tạo bức tranh trác tuyệt, làm say đắm lòng người. Đặc biệt, phải nhắc đến Tràng An – một vùng thiên nhiên kỳ bí mà ở đó rừng rậm còn hoang sơ, hồ nước sông suối trong vắt, không khí trong lành, làng quê yên tĩnh, chỉ có âm thanh và sắc màu của thiên nhiên.
Cảnh quan tháp Karst Tràng An là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục bởi vẻ đẹp siêu nhiên bậc nhất trên thế giới với muôn hình vạn trạng. Các nhà địa chất quốc tế khẳng định đây là một thí dụ điển hình cho tháp đá vôi nhiệt đới ẩm ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển địa mạo, và là một mô hình để nhận biết và so sánh với các khu vực khác trên thế giới.
Hoà quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan Karst là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm khắp cảnh quan tạo ra một phong cảnh mê hoặc lòng người. Thấp thoáng trong bóng rừng già là những ngôi chùa, đền, miếu, phủ cổ kính tựa mình bên vách đá với mái ngói cổ kính, rêu phong, thâm trầm tạo ra một yếu tố văn hóa, kín đáo, gợi đến sự thầm kín, vĩnh hằng của tín ngưỡng tâm linh chứa đựng những giá trị bản địa đồng điệu với cảnh quan.
Tràng An được coi là một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Đông Nam Á trải qua hơn 30.000 năm phát triển. Đây cũng là nơi có giá trị lịch sử và văn hoá vô giá, kho thông tin nguyên vẹn truyền thống cư trú của loài người và là một trong số ít các địa điểm có giá trị giữ được các đặc điểm ban đầu và không bị ảnh hưởng lớn bởi con người, động vật, tác nhân khác.
Với các giá trị nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận, các khu, điểm du lịch trong Quần thể danh thắng Tràng An đã thực sự trở thành hạt nhân để thu hút khách trong và ngoài nước đến thăm quan, với nhiều loại hình thăm quan, du lịch như: du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tâm linh, trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn… Nổi bật là khu du lịch sinh thái Tràng An và Quần thể du lịch tâm linh núi, chùa Bái Đính.
Tràng An là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn nổi bật về sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi. |
Nhắc đến khu du lịch sinh thái Tràng An là nhắc đến một vùng non nước, mây trời hoà quyện, đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Các dãy núi, hồ nước, thung lũng, sông suối xuyên qua các hang động, thoắt ẩn, thoắt hiện tạo thành một thế trận liên hoàn, ví như một trận đồ bát quái. Mỗi thung lũng là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng sông và hồ nước.
Ðiều diệu kỳ ở Tràng An là các thung lũng được nối liền với nhau bởi các hang xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau, những hang xuyên thủy này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước, thung lũng và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành các đảo nhỏ. Xa xa trên triền núi, dưới tán cây rừng là những đàn khỉ, dê núi leo trèo trên các tảng đá chênh vênh.
Đến với Tràng An, chúng ta sẽ được ngồi trên thuyền lướt nhẹ qua các dãy núi, ngắm nhìn làn nước trong vắt tới đáy, khám phá những hang động kỳ bí, để ngược dòng thời gian, trở về với các mốc son của lịch sử, hòa mình trong không gian tín ngưỡng truyền thống tại các chùa, đền, miếu, phủ, được nghe các chị lái đò thuyết minh về ý nghĩa tên gọi của các hang hay những truyền thuyết gắn liền với nó và tận hưởng bầu không khí thuần khiết, tinh lương.
Quần thể du lịch văn hóa tâm linh
Tiếp nữa đến với Quần thể du lịch tâm linh Núi Chùa Bái Đính nằm ở độ cao 187m so với mặt nước biển, đây là ngọn núi cao nhất trong sơn khối đá vôi Tràng An có tuổi địa chất trên 250 triệu năm và được coi là núi chủ, núi chúa của vùng. Phong thủy thì chùa có núi, sông, hồ nước, núi có dáng tay ngai, sông có dáng long chầu tạo nên thế “tiền thủy hậu sơn” là nơi tụ linh, tụ đức, tụ sinh khí đất trời.
Chùa Bái Đính nằm trên mảnh đất có truyền thống lịch sử lâu đời, là nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa sông Hồng ở phía Bắc và văn hóa sông Mã ở phía Nam. Đây cũng là cửa ngõ từ rừng xuống biển, một điểm trên con đường sinh dưỡng, giao lưu bằng đường bộ theo hướng Bắc – Nam của người tiền sử cách đây hơn 30.000 năm về trước, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng nổi bật toàn cầu.
Cũng chính nơi đây, thế kỷ thứ 10, là nơi đóng đô tạm thời của nhà Đinh trong lúc tiến hành xây dựng kinh đô Hoa Lư, nơi mà Vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa sau đó đóng vai trò là một trong “tứ trấn”, có Đền thờ thần Cao Sơn, trấn trạch phía Tây của kinh đô Hoa Lư.
Khu du lịch văn hóa tâm linh Núi chùa Bái Đính được coi là một trong các trung tâm văn hóa Phật giáo lớn của cả nước. |
Dưới thời Lý, truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không (hay còn gọi là Lý Quốc Sư) gây dựng vườn thuốc sinh dược chữa bệnh cứu người, gom đồng đúc chuông dựng nhiều chùa, tô tượng thờ phật, chọn làm nơi tu hành và truyền đạo. Rồi khi ngài đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông. Địa điểm này tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh.
Với bề dày lịch sử, có thể khẳng định Núi Chùa Bái Đính từ xưa tới nay là một trong những trung tâm Phật giáo (thờ Phật), đạo giáo (thờ thần Cao Sơn), tín ngưỡng thờ Mẫu (mẫu Liễu Hạnh). Để ngày nay, các đền, phủ được phục dựng và ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, Đông Nam Á được xây dựng tại đây với các kỷ lục đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận.
Trong những năm gần đây, Chùa Bái Đính là nơi tổ chức nhiều các sự kiện lớn về Phật giáo của Việt Nam và thế giới, thực sự trở thành nhịp cầu kết nối Phật tử cả nước nói riêng và Phật tử trên toàn thế giới nói chung, để đồng hành cùng dân tộc, thực hiện gắn đạo với đời, đề cao lòng từ bi, vô ngã – vị tha, làm điều thiện, ngừa điều ác, cùng chung tay xây dựng tình đoàn kết, gìn giừ hòa bình.
Vị trí địa lý thuận lợi cùng với những chính sách phù hợp với cơ chế mở cửa, hội nhập, các khu, điểm du lịch của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển du lịch trong thời kỳ mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh và sự phát triển du lịch của cả nước.
Sau 10 năm được ghi danh, Tràng An đã dần khẳng định là nơi kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên và những giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện những câu chuyện của lịch sử cổ xưa; là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn ghi lại sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi, lưu giữ một truyền thống cư trú của con người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài…
Chùa Bái Đính là công trình tâm linh phật giáo mang đậm bản sắc truyền thống phù hợp văn hóa tín ngưỡng của người Việt. |
Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới không chỉ khẳng định chủ trương đúng đắn về bảo tồn các giá trị văn hóa và cảnh quan tự nhiên gắn với phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ mà còn là công sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của các thế hệ người dân Ninh Bình, sự giúp đỡ và quan tâm của các Ban, Bộ, ngành Trung ương.
Box: Lễ Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014-2024) sẽ diễn ra vào lúc 20h00, thứ Sáu ngày 26/4/2024. Đây là sự kiện quan trọng, mang tầm quốc gia, quốc tế, cũng là dịp để tôn vinh, nâng tầm giá trị Di sản Tràng An, giới thiệu về vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư.
Nguồn: Báo xây dựng