Kỳ lạ vùng đất nơi dưa hấu bày la liệt nhưng không ai dám ăn
Dưa hấu là loại quả thơm ngon mọng nước, rất được ưa chuộng vào mùa hè. Bất kể ở thời xa xưa hay hiện đại, ai cũng đều yêu thích dưa hấu. Với nhiều người, mùa hè sẽ không còn trọn vẹn nếu không được thưởng thức miếng dưa hấu mát lạnh, ngọt thanh, mọng nước.
Thế nhưng nếu bạn gặp dưa hấu khi đang ở Sa Pha Đầu thì chớ đại động vào vì chúng có thể đoạt mạng người nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sa Pha Đầu nằm ở rìa phía Đông Nam của sa mạc Tengger (hay còn gọi là sa mạc Đằng Cách Lý) ở khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc.
Cảnh quan độc đáo và tráng lệ của nơi đây đã thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm. Lượng hành khách khổng lồ và cảnh quan độc lạ, kỳ vĩ đã giúp Sa Pha Đầu trở thành khu thắng cảnh cấp 5A của Trung Quốc.
Mặc dù gọi là Sa Pha Đầu, một cái tên nghe thôi cũng đủ biết chỉ toàn là cát. Nhưng ngoài sa mạc, nơi đây còn tập hợp những con sông, núi và ốc đảo.
Sở hữu cảnh quan sa mạc nắng nóng, Sa Pha Đầu nổi tiếng với những đồi cát trập trùng, rộng lớn. Nếu may mắn, bạn còn có thể chiêm ngưỡng được ảo ảnh lộng lẫy và thần bí. Ở khu vực sông nước, bạn sẽ nhìn thấy bờ sông có những chiếc bè da cừu, là phương tiện di chuyển chở người và hàng hóa trên sông cổ xưa nhất ở Hoàng Hà. Ở khu vực có núi và ốc đảo, một số nơi được chỉ định là khu bảo tồn với các loài động vật quý hiếm, nằm trong danh sách cần được bảo vệ cấp quốc gia…
Ở nơi đầy nắng và gió như Sa Pha Đầu, trồng đủ loại dưa hấu là chuyện không có gì kỳ lạ. Tuy nhiên, những cánh đồng đầy ắp quả dưa hấu sa mạc căng mọng này lại để bảng hiệu cấm, nhắc nhở du khách không được hái và ăn. Biết được lý do đằng sau cũng khiến mọi người tránh xa loại quả này.
Loại dưa hấu sa mạc hay dưa hấu thuốc này có tên khoa học là Citrullus colocynthis. Chúng sinh trưởng trên cát thay vì đất thông thường và được trồng khá phổ biến ở Ấn Độ, vùng Nam Á, Bắc Phi…
Tuy nhiên đây là một loại quả hoang dã có chất độc rất cao bên trong. Mặc dù có rất nhiều dưa hấu trên sa mạc nhưng người dân bản địa không bao giờ dám ăn nó.
Mặc dù ban đầu nó không độc nhưng do môi trường mà nó đã phát triển thành loại dưa hấu độc, tất cả các lớp biểu bì đều có độc tính rất mạnh. Nếu vô tình ăn phải, du khách sẽ bị nhiễm độc.
Theo nghiên cứu, các nhà thực vật học đã phát hiện ra dưa hấu thuốc có chứa 4 loại saponin, 3 loại hợp chất sắt và 2 loại ancaloit, khi trộn lẫn với nhau sẽ tạo thành chất độc cực mạnh.
Mặc dù trong thịt quả dưa hấu thuốc không có nhiều nước nhưng trong dây leo và thân rễ của chúng vẫn còn nước, nước ép này có tính ăn mòn rất cao, khi tiếp xúc với da sẽ tạo ra cảm giác bỏng rát, cảm giác đau đớn khiến người ta ám ảnh cả đời.
Hơn nữa, vỏ của dưa hấu thuốc còn có rất nhiều lông tơ. Loại lông mịn này có chứa hàm lượng kiềm cao, nếu bạn vô tình chạm vào sẽ vô cùng ngứa ngáy.
Điều đáng nói là do nguồn nước của sa mạc vô cùng khan hiếm, một số động vật sẽ liều lĩnh ăn dưa hấu thuốc, kết quả là nhiều động vật chết trước cây dưa hấu thuốc. Vì vậy nhìn thấy dưa hấu thuốc trên sa mạc nghĩa là có thể nhìn thấy nhiều xác động vật.
Nhìn bên ngoài, loại dưa hấu này trông rất bình thường, nhưng khi bổ đôi ra thì bên trong ruột là màu trắng, hạt hơi có màu xanh, không có mùi vị và rất đắng.
Nếu chẳng may ăn phải loại dưa hấu này, bạn sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đau dạ dày,… Lúc này có thể uống sữa để giảm đau, thuốc Atropine cũng có tác dụng giải độc tố, và phải lập tức đến bệnh viện để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Dù có độc nhưng ở một số nơi, dưa hấu thuốc được dùng làm thuốc chữa bệnh dạ dày và tiêu chảy. Thêm vào đó, sau khi nghiên cứu, chuyên gia nhận thấy thành phần của loại dưa hấu này thích hợp dùng làm thuốc trừ sâu hơn, từ đó đã được nông dân địa phương tin dùng và làm theo, vừa tiết kiệm vừa hiệu quả, quan trọng hơn là bảo vệ môi trường.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu