Kỳ lạ, loài cây có thể “đi bộ” về phía ánh sáng mặt trời
Kỳ lạ, loài cây có thể “đi bộ” về phía ánh sáng mặt trời
Đó là loài cây Socratea exorrhiza với hệ thống phức tạp của bộ rễ hoạt động như chân, giúp cây di chuyển về phía ánh sáng mặt trời khi chuyển mùa.
Socratea exorrhiza là loại cọ sống trong các khu rừng nhiệt đới ở các nước trung và nam châu Mỹ như Ecuador. Bộ rễ của cây phát triển mạnh mẽ một cách kì lạ, nhiều rễ đâm ra từ gốc cây cách mặt đất vài feet.
Cây sở hữu một bộ rễ đặc biệt khiến các nhà khoa học không giải thích nổi. Các nhà khoa học chưa rõ về vai trò của những chiếc rễ mọc ra từ thân. Một số cho rằng chúng giúp cho cây vững chắc hơn, một số khác cho rằng chúng giúp cây mọc cao hơn mà không tăng đường kính thân cây. Những giả thuyết này đến nay vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.
Người ta kể rằng cây Socratea exorrhiza có thể di chuyển từ bóng râm ra ánh sáng mặt trời bằng cách cắm rễ mới theo hướng ánh sáng, còn các rễ già sẽ từ từ nhấc lên trên và chết.
Peter Vrsansky, nhà cổ sinh vật học từ Học viện Khoa học Slovakia, người đã làm việc trong vài tháng tại Unesco Sumaco Biosphere, giải thích: “Khi đất xói mòn, cây sẽ mọc ra những rễ mới, dài và tìm đến mặt đất mới và vững chắc hơn. Sau đó, từ từ, khi rễ cây cố định trong đất mới, loài cây này sẽ tự uốn cong về phía rễ mới, rễ cũ từ từ teo dần và chết đi. Toàn bộ quá trình để cây di dời đến một nơi mới có ánh sáng Mặt Trời tốt hơn và nền đất vững chắc hơn có thể mất vài năm”.
Lâm Hà (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị