Ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm quế hữu cơ cho nông dân Quảng Trị
Đánh dấu cuộc “chuyển mình” cho nông dân Quảng Trị
Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, đầu tư của 2 bên dựa trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Hai bên sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác trong việc trồng, sản xuất, tiêu thụ và chế biến các sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Cụ thể, Công ty Vinasamex đảm bảo cung cấp giống quế theo tiêu chuẩn hữu cơ, số lượng 160 triệu cây cho diện tích hơn 20.000ha từ nay đến hết 2025.
Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) và UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức ký kết “Biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị”. (Ảnh: Hải Yến) |
Công ty Vinasamex cũng sẽ cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ nông dân trồng quế, nghệ, gừng và tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ. Đồng thời, cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng vùng nguyên liệu quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ được cấp chứng nhận.
Ngoài ra, Công ty Vinasamex cũng dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm quế tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu với công suất chế biến 200.000 tấn vỏ quế tươi/năm (chưa tính các sản phẩm phụ khác); 360 tấn dầu quế từ lá/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Ông Nguyễn Quế Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Vinasamex chia sẻ, lễ ký biên bản ghi nhớ, đánh dấu cột mốc hợp tác giữa UBND huyện Cam Lộ và Vinasamex.
Bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng Giám đốc điều hành Công ty Vinasamex cho biết: Công ty mong muốn tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho người phụ nữ vùng cao, để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần nâng cao vai trò kinh tế của người phụ nữ dân tộc, từ đó họ có thể nói lên tiếng nói của mình tại cộng đồng. Từ mong muốn ấy, Vinasamex đã cho triển khai kế hoạch xây dựng thêm 2 nhà máy nữa tại Văn Bàn, Lào Cai và Tràng Định, Lạng Sơn, dự kiến đi vào hoạt động trong 2-3 năm tới sẽ mang đến việc làm cho 300-400 lao động thường xuyên và 500 – 700 lao động thời vụ. Hiện tại, hơn 800 phụ nữ ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã được đào tạo nghề chế biến quế, có thể tự mình kiếm thêm thu nhập, cải thiện vai trò của mình trong gia đình và cộng đồng. |
“Mục tiêu của dự án đảm bảo cung cấp cây quế giống theo tiêu chuẩn hữu cơ, với số lượng 160 triệu cây cho diện tích khoảng 20.000ha từ nay đến hết năm 2025. Bên cạnh đó, cam kết cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật canh tác bao gồm trồng, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ nông dân trồng quế, nghệ, gừng và tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ; đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng đạt tiêu chuẩn của vùng nguyên liệu quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ của các hộ nông dân được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ trên địa bàn huyện Cam Lộ.
Công ty đảm bảo thu mua với giá tối thiểu như đã cam kết và không thấp hơn giá của thị trường tại thời điểm thu mua. Bên cạnh đó, Vinasamex cam kết đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm quế tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ nhằm sơ chế, chế biến nguyên liệu quế, gia vị trên địa bàn huyện. Sản phẩm của nhà máy sản xuất ra là sản phẩm hoàn thiện có thể xuất khẩu đến thị trường các nước phát triển trên thế giới như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…”, ông Nguyễn Quế Anh thông tin.
Đại diện lãnh đạo Công ty Vinasamex cũng đề xuất: UBND huyện Cam Lộ có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tại địa phương, mục đích tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho các gia đình nông dân trong chuỗi hữu cơ tại Cam Lộ, Quảng Trị.
Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm làm từ cây quế tại lễ ký kết. (Ảnh: Hải Yến) |
Tại buổi ký kết, huyện Cam Lộ cam kết sẽ vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang phát triển vùng trồng quế nguyên liệu hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu từ nay đến năm 2025 trồng từ 19.000ha – 20.000ha quế, nghệ, gừng, tiêu hữu cơ với diện tích 30ha cho mỗi loại trên một năm. Tạo mọi điều kiện để Công ty Vinasamex triển khai dự án một cách thuận lợi, hiệu quả nhất.
Sát cánh cùng người nông dân
Công ty Vinasamex được thành lập năm 2012. Năm 2017, từ 868ha quế, hồi hữu cơ, liên kết với 418 hộ dân, đến nay Công ty Vinasamex đã xây dựng được 4.367ha vùng nguyên liệu quế, hồi, nghệ hữu cơ, liên kết với 2.115 hộ dân tại các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai và Bắc Cạn.
Bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm cho người dân, nhà máy của Công ty Vinasamex tại vùng nguyên liệu Yên Bái đã tạo ra việc làm ổn định, thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương và hơn 300 lao động thời vụ. Điểm đáng chú ý nữa là lao động tại nhà máy chủ yếu là lao động nữ (chiếm trên 90%) không có thu nhập, những người yếu thế trong gia đình và cộng đồng.
Được biết, Công ty Vinasamex mong muốn tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho người phụ nữ vùng cao, để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần nâng cao vai trò kinh tế của người phụ nữ dân tộc, từ đó họ có thể nói lên tiếng nói của mình tại cộng đồng.
Từ mong muốn ấy, Công ty Vinasamex đã cho triển khai kế hoạch xây dựng thêm 2 nhà máy nữa tại Văn Bàn, Lào Cai và Tràng Định, Lạng Sơn, dự kiến đi vào hoạt động trong 2-3 năm tới sẽ mang đến việc làm cho 300-400 lao động thường xuyên và 500 – 700 lao động thời vụ.
Không chỉ đào tạo kỹ thuật canh tác hữu cơ cho bà con, Công ty Vinasamex còn đào tạo cho người nông dân những kiến thức về kỹ thuật chế biến, về bình đẳng giới, về quản lý tài chính gia đình…
Hiện tại, hơn 800 phụ nữ ở Văn Bàn, Lào Cai đã được đào tạo nghề chế biến quế, có thể tự mình kiếm thêm thu nhập, cải thiện vai trò mình trong gia đình và cộng đồng. Trong thời gian tới, Công ty Vinasamex sẽ làm hết sức mình để có nhiều hơn nữa những người phụ nữ dân tộc vùng cao được bình đẳng, có được nguồn thu nhập tốt hơn, ổn định hơn, và nhận thức của họ cũng được cải thiện rõ rệt.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ ký kết. (Ảnh: Hải Yến) |
Được biết, với những nỗ lực của mình, Công ty Vinasamex đã đạt được những chứng nhận uy tín, là giấy thông hành để Công ty Vinasamex mang gia vị Việt Nam ra thị trường quốc tế như: Chứng nhận vùng nguyên liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc;
Chứng nhận quản lý chất lượng nhà máy: HACCP, IFS; BRC – Chứng nhận hoạt động kinh doanh có đạo đức, công bằng, tạo tác động xã hội: For Life, Fair For Life, UEBT member.
Từng bước, Công ty Vinasamex đã tạo được dấu ấn của gia vị quế, hồi Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn hết, thông điệp Công ty Vinasamex mong muốn là mô hình kinh doanh của mình được lan toả mạnh mẽ để ngày càng nhiều người nông dân vùng cao được ấm no.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, việc Công ty Vinasamex và UBND huyện Cam Lộ tổ chức ký kết “Biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị” là việc làm hết sức có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Cục Xúc tiến thương mại, Bộ công Thương cam kết luôn đồng hành với tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Cam Lộ cùng Công ty Vinasamex và bà con nông dân trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các ứng dụng nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh (như cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến về xúc tiến thương mại (CRM), cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại, hệ sinh thái xúc tiến thương mại…). Đồng thời tạo điều kiện để tất cả doanh nghiệp tiếp cận hoạt động xúc tiến thương mại với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô