Kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hà Nội khoá XVI: Xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng

Tham dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, các lãnh đạo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ; HĐND TP, UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội… 

 Quang cảnh kỳ họp thứ chín, HĐND TP Hà Nội khoá XVI

Thay mặt Thường trực HĐND TP phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ chín, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Căn cứ các quy định của Luật và tình hình, yêu cầu thực tiễn của Thành phố; trên cơ sở thống nhất với UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố quyết định triệu tập kỳ họp thứ 9 để kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Kỳ họp này là kỳ họp chuyên đề, nhưng cũng là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng được xem xét, thông qua với những nhóm vấn đề sau:

Một là, HĐND Thành phố xem xét về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố và Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08 năm 2016 của HĐND Thành phố về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đây là nội dung rất quan trọng, cấp thiết, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền Thành phố. Nội dung này đã được HĐND Thành phố tập trung thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 – tháng 7/2022. Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu các ý kiến của đại biểu HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã tập trung hoàn thiện Đề án và dự thảo Nghị quyết để trình HĐND Thành phố xem xét, quyết định tại kỳ họp này.

Nội dung này cũng được Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cho ý kiến tại nhiều hội nghị và được Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực trên cơ sở thực hiện phân cấp hợp lý, rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thành phố.

Hai là, HĐND Thành phố xem xét nhóm vấn đề về kế hoạch đầu tư công của Thành phố.

Trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của Thành phố. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tiến độ triển khai các công trình dự án còn chậm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố còn thấp, đến ngày 22/8, mới đạt tỷ lệ giải ngân là 27,1% so với kế hoạch HĐND Thành phố giao.

Tại Kỳ họp này, bên cạnh việc xem xét, quyết nghị về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố và Phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương một số dự án đầu tư công, đề nghị các vị đại biểu HĐND Thành phố tập trung phân tích, đánh giá, chỉ ra các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời bàn giải pháp có tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là giải quyết các “điểm nghẽn, ách tắc” trong giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố trong thời gian tới.

Ba là, HĐND Thành phố sẽ xem xét quyết định về mức hỗ trợ, động viên đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc Thành phố.

Đây là nội dung quan trọng, cấp thiết và rất có ý nghĩa; thể hiện sự quan tâm của Thành phố trong việc ghi nhận những đóng góp, cố gắng, đồng thời hỗ trợ, động viên đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập của Thành phố yên tâm công tác, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.

Bốn là, Nghị quyết về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023 và cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố.

Trong năm 2022 vừa qua, trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, HĐND Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố năm học 2021-2022.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp.  

Thực hiện Nghị định số 81 ngày 27/8/2021 của Chính phủ, các địa phương phải quy định mức học phí trong khung quy định.

Hiện nay, về cơ bản, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế thành phố đang từng bước phục hồi và ổn định. Tuy nhiên, đời sống Nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch. Nhằm giảm tác động do việc điều chỉnh học phí theo lộ trình của Chính phủ, với quan điểm đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh học sinh và để đảm bảo an sinh xã hội, Thành phố xây dựng phương án mức thu học phí năm học 2022-2023 giữ nguyên như năm học 2021-2022 (gồm cả phần Thành phố hỗ trợ 50% học phí).

Phần chênh lệch giữa mức thu thực tế so với mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định 81 sẽ do ngân sách Thành phố cấp bổ sung. Ngoài chính sách trên, Thành phố còn xây dựng cơ chế miễn học phí cho 02 nhóm là: trẻ em mầm non và học sinh phổ thông thuộc địa bàn các xã miền núi và một số đối tượng chính sách, khó khăn theo quy định.

Năm là, HĐND Thành phố xem xét, quyết định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền và xem xét điều chỉnh tổng biên chế, giao bổ sung biên chế giáo viên năm học 2022-2023 theo Quyết định số 72 ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị.

“Tại kỳ họp thứ chín HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI với những nội dung rất quan trọng. Thay mặt Chủ tọa kỳ họp, Tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND Thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, thẳng thắn, chất lượng để quyết nghị các nội dung trình kỳ họp”, Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI dự kiến tổ chức trong 3,5 ngày (từ 5/7 đến sáng 8/7). Trong đó, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ dành thời gian gần một ngày cho phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường; dành một ngày cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Đây là những hoạt động quan trọng nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu để trao đổi, thảo luận nội dung trong chương trình kỳ họp.

 Nguyễn Triệu

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích