Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước
(Xây dựng) – Tại Kỳ họp thứ 7, bên cạnh công tác lập pháp và giám sát tối cao, Quốc hội khóa XV đã xem xét quyết định công tác nhân sự và một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 7. |
Cụ thể, Quốc hội đã xem xét, quyết định bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Thanh Mẫn; Bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Tô Lâm; Bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với bà Nguyễn Thị Thanh; Bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với bà Nguyễn Thanh Hải; Phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Lê Thành Long; Phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Tô Lâm; Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Lương Tam Quang; Phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh đối với ông Trần Thanh Mẫn và ông Lương Tam Quang; Cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.
Theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch và đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về bổ sung dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022; trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 2.713.787 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 2.897.466 tỷ đồng, bội chi ngân sách Nhà nước là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) nhằm xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, qua đó, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư song phương giữa Việt Nam với Vương quốc Anh; khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực và thế giới; góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch quốc gia, kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quy hoạch không gian biển quốc gia tạo lập cơ sở pháp lý nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; giải quyết các bất cập, chồng lấn, mâu thuẫn, xung đột về sử dụng không gian biển, đảm bảo cân bằng các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.
Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 tại Kỳ họp thứ 8.
Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quốc hội thống nhất: Đây là 02 quy hoạch rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng; tuân thủ Luật Quy hoạch; thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và tương thích với Luật Thủ đô (sửa đổi).
Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, như quyết nghị thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025).
Nghị quyết đồng thời quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024…
Nguồn: Báo xây dựng