Ký hiệu trên chai nhựa: Hiểu rõ để không bị nhiễm độc khi sử dụng

Ký hiệu trên chai nhựa: Hiểu rõ để không bị nhiễm độc khi sử dụng

Đồng Xuân –  Thứ năm, 11/11/2021 12:10 (GMT+7)

Các sản phẩm nhựa trở nên ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Hầu hết các hộp nhựa, chai nhựa đều có các ký hiệu và các con số được ghi trên phần thân hoặc đáy của sản phẩm. Chúng ta cần hiểu rõ các ký hiệu đó để không bị nhiễm độc khi sử dụng.

Các con số ký hiệu trên sản phẩm nhựa có ý nghĩa gì?

Để ý, bạn sẽ thấy trên chai nhựa được đánh số từ 1 đến 7 và bao quanh con số là ký hiệu hình tam giác với 3 các mũi tên nối lại với nhau. Bên trong hình tam giác sẽ có một con số cụ thể, dưới đáy tam giác là các chữ viết tắt PETE, HDPE, V, LDPE, PP, PS, OTHER. Chúng thể hiện đặc tính cũng như phạm vi sử dụng, có nên tái sử dụng hay không để không bị ảnh hưởng sức khỏe.

Số 1 – PET, PET 

Polyethylene Terephthalate

Nhựa PET,PETE có tên khoa học là Polyethylene Terephthalate. Đây là loại thông dụng thường được dùng để sản xuất các mặt hàng như chai nước khoáng, chai nước ngọt,…

Loại nhựa này có thể rò rỉ vào trong nước kim loại antimony (antimon) và oxit chì rất độc hại cho con người. Nhất là khi dùng chai nhựa pet đựng nước nóng hay để trong môi trường có nhiệt độ cao. Các chất này làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hóc-môn trong cơ thể. Ngoài ra, các nhà khoa học còn khuyến cáo không nên tái sử dụng chai nhựa PET vì nó khó làm sạch và có thể chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, mức độ tái chế của chúng cũng rất thấp (chỉ khoảng 20%). Vì thế nên sau khi dùng xong tốt nhất hãy bỏ đi.

Số 2 – HDPE

High-density polyethylene

Nhựa HDPE là tên viết tắt của High-density polyethylene. Đây là loại nhựa nhiệt dẻo mật độ cao không trong suốt mà thường mờ đục. Nhựa HDPE chuyên được dùng để làm chai đựng dầu gội, chai sữa tắm, chai đựng dầu nhớt, đồ chơi, túi cứng,…

Sản phẩm nhựa làm từ HDPE được xem là an toàn nhất trong số các loại nhựa được liệt kê trong bài viết này. Loại nhựa này không thải ra chất độc hại nào vì thế các chuyên gia thường khuyên lựa chọn các loại chai HDP khi mua hàng. Chúng cũng dễ tái chế nhất nhưng thường chỉ nhận tái chế HDPE thuần (không có màu).

Số 3 – PVC

Polyvinyl chloride

Nhựa PVC là viết tắt của Polyvinyl chloride. PVC còn được gọi với cái tên quen thuộc là vinyl. Đây là loại nhựa mềm, dẻo thường dùng để sản xuất vật liệu xây dựng, ống nước,… PVC còn được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm trong suốt, chai đựng dầu ăn, đồ chơi và rất nhiều sản phẩm khác. PVC khá phổ biến nhưng chúng có chứa 2 loại hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến hóc-môn cơ thể. Chất này có thể giải phóng chất độc khi ở nhiệt độ cao, nên chỉ được phép đựng thực phẩm hoặc đồ uống dưới 81 độ C. Nhựa PVC tương đối rẻ nên được các nhà sản xuất chuyên dùng nhưng đối với người tiêu dùng thì không nên tái sử dụng nó.

Polyvinyl chloride gần với PVDC và chứa nhiều chất độc chloride. PVC cũng được xem là loại nhựa độc nhất. Việc chế tạo và vứt bỏ PVC đều dẫn đến sự rò rỉ dioxin – chất cực độc có thể dẫn đến ung thư. Dù vậy vẫn có nhiều nơi sử dụng PVC làm đồ chơi cho trẻ em. Chúng có chứa phthalate, tác động vào hoocmon dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ.

Số 4 – LDPE

Low-density polyethylene

Nhựa LDPE – Low-density polyethylene là chất nhựa nhiệt dẻo mật độ thấp. LDPE thường dùng để sản xuất túi nilon, vỏ bánh kẹo, vỏ đĩa CD… So sánh với PVC thì LDPE ít độc hại hơn nhưng vẫn chứa một số chất như benzene, butane và vinyl acetate. Sử dụng sản phẩm dùng nhựa LDPE không nên làm nóng trong lò vi sóng, tránh nhiệt độ cao vì giải phóng hóa chất độc hại.

Số 5 – PP

Polypropylene

Nhựa PP là tên viết tắt của Polypropylene. Loại nhựa này có màu trắng hoặc gần như trong suốt. Nhựa PP bền, nhẹ và có khả năng chịu nhiệt lên đến 167°C. Ngoài dùng làm chai lọ nhựa thì PP còn được dùng trong sản xuất ly, hộp đựng kẹo, dụng cụ phòng thí nghiệm, cốc đựng sữa chua… Nhựa PP cũng xem là loại nhựa tốt nhất. Nhưng trong đó vẫn chứa một số chất độc như PCB và DDT.

Số 6 – PS

PS là từ viết tắt của nhựa Polystyrene hay Styrofoam. Đây là loại nhựa nhẹ, rẻ và dùng để sản xuất một số mặt hàng như: Ly, cốc nhựa, khay đựng thịt… PS không được và không nên tái chế. Vì chúng có thể sinh ra khí CFC gây ra hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ozon, ô nhiễm nguồn nước, không khí.

Số 7 – Other

Nhựa khác

OTHER – Nhựa khác là loại nhựa không thuộc 6 loại trên. Loại nhựa này thường dùng để sản xuất các bình đựng nước có dung tích lớn, bình sữa cho trẻ và đặc biệt nó được dùng để sản xuất trong công nghiệp như kính mắt, vỏ điện thoại, DVD… Loại nhựa số 7 là loại nhựa nguy hiểm nhất, dễ dàng sinh ra bisphenol-A (BPA) chất có thể gây ra ung thư và vô sinh, rất nguy hại tới sức khỏe. Bởi vậy, tuyệt đối không nên tái chế, sử dụng lại loại nhựa này.

Hy vọng với các thông tin cần biết về ký hiệu ghi trên các vỏ chai nhựa. Người sử dụng sẽ có thêm kinh nghiệm để lựa chọn, sử dụng các sản phẩm nhựa thích hợp và an toàn cho sức khỏe.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích