Kỳ cuối: Thương mại điện tử “bạn đồng hành” trong cuộc chiến Covid-19

Giao hàng không tiếp xúc – phương thức đặc biệt quan trọng

Cùng với việc Hà Nội siết chặt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội; thì một trong những vấn đề được quan tâm là làm sao đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, kịp thời cho người dân. Do đó, bên cạnh việc triển khai các mô hình sáng tạo như phát tem, phiếu đi chợ, điểm bán hàng lưu động… thì việc triển khai bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, giao hàng không tiếp xúc trực tiếp được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Kỳ cuối: Thương mại điện tử “bạn đồng hành” trong cuộc chiến Covid-19
Giao hàng không tiếp xúc giúp đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Với lợi thế của mình, thương mại điện tử đã phát huy tác dụng khi thể hiện là cánh tay nối dài trong chuỗi cung ứng hàng hóa, tại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng online, Sở Công Thương Hà Nội đã có Công văn số 3275/SCT-QLTM gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và lãnh đạo các Ban quản lý chợ đề nghị tăng cường khuyến khích, vận động người tiêu dùng, hộ kinh doanh lựa chọn sử dụng phương thức mua bán trực tuyến, thay vì mua trực tiếp hàng hóa tại chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại… Đồng thời, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, website, ứng dụng thương mại điện tử có đặt hàng trực tuyến như: Grap, Now, GoFood, AhaMove… để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.

Chung tay cùng chính quyền đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa được thông suốt, cũng như hạn chế tụ tập đông người; hàng loạt hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C và GO!, VinMart, Co.opmart, Hapro, AEON… nhanh chóng triển khai bán hàng theo hình thức trực tuyến, giao hàng đến tận nhà cho người tiêu dùng. Đơn cử, với hệ thống siêu thị Big C và GO!, khi dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống này đã áp dụng chính sách bán và giao hàng tại nhà, hỗ trợ giao hàng miễn phí trong phạm vi 10km cho đơn hàng từ 200.000 đồng. Ngoài giao hàng online miễn phí, hệ thống siêu thị Big C, GO! cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại nhằm hỗ trợ khách hàng giảm chi phí trong mùa dịch.

Tương tự như vậy, với siêu thị Co.opmart Hà Đông, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm kịp thời cho người dân, cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp; bên cạnh việc bán hàng tại các siêu thị, Co.opmart còn tăng cường bán hàng trên các ứng dụng app, trang web siêu thị Co.opmart, liên kết với hầu hết các ứng dụng công nghệ của các hãng vận chuyển. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông, để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, Co.opmart đã tăng lượng hàng hóa lên 30% so với ngày thường. Cùng với đó, người tiêu dùng khi đăng ký mua hàng online tại kênh mua sắm trực tuyến của Co.opmart Hà Nội cũng sẽ được hỗ trợ giao hàng miễn phí…

Kỳ cuối: Thương mại điện tử “bạn đồng hành” trong cuộc chiến Covid-19
Hà Nội đẩy mạnh kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước qua sàn thương mại điện tử.

Cùng với việc đẩy mạnh bán hàng qua hình thức trực tuyến của các doanh nghiệp, hàng loạt các sàn thương mại điện tử cũng nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ người tiêu dùng trong thời điểm Thành phố giãn cách xã hội. Trong đó, sàn thương mại điện tử Voso và Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel với lợi thế về logistics nên đã tổ chức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá online kết hợp offline, đảm bảo vận chuyển tới từng khu vực cách ly hoặc bán trực tiếp tại các bưu cục của Viettel Post, VietnamPost, bưu điện văn hóa xã. Theo thống kê của ngành Công Thương cho thấy, lượng đơn hàng qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn đã tăng khoảng 2 lần so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16…

Đánh giá vai trò của thương mại điện tử trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm thuận lợi tại nhà và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Qua đó, đảm bảo giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy tại Hà Nội, cũng như tại nhiều địa phương khác trên cả nước.

Các sàn thương mại điện tử nỗ lực đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, đến thời điểm này trên địa bàn Thành phố có 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động: 2.500 địa điểm; các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm: 210 đơn vị…Cùng với đó, có 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu gồm: 565 điểm bán hàng đặt tại các quận, huyện của Thành phố và 35 siêu thị, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thành phố.

Trong đó, các điểm bán hàng này đều bán thực phẩm tươi sống, chế biến, hàng hóa thiết yếu, theo hình thức đặt hàng qua điện thoại, trang web, qua mạng xã hội Zalo, các ứng dụng như Apps, kênh Gozek, Now… Điều đó cho thấy, bán hàng qua hình thức trực tuyến được rất Hà Nội quan tâm và đẩy mạnh trong thời điểm giãn cách xã hội, đảm bảo lưu thông hàng hóa phụ vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian đầu mới thực hiện giãn cách xã hội, việc Hà Nội có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động chở khách, hàng hóa bằng xe máy, bao gồm xe sử dụng phần mềm công nghệ kết nối với hành khách và xe ôm, xe giao hàng công nghệ (shipper)… khiến dịch vụ thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn.

Kỳ cuối: Thương mại điện tử “bạn đồng hành” trong cuộc chiến Covid-19
Thương mại điện tử là một trong những hình thức mua bán giúp chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy trong thời điểm giãn cách xã hội.

Để tháo gỡ “nút thắt” này, Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thống nhất đối tượng nào thuộc vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử, được phép lưu thông trên địa bàn với điều kiện quản lý chặt chẽ. Cụ thể, đó là là những nhân viên “shipper” của hệ thống siêu thị, hệ thống logistics của sàn thương mại điện tử để tham gia vận chuyển trên địa bàn… Nhờ đó, dịch vụ giao nhận qua sàn thương mại điện tử không bị đứt gãy, đồng thời góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa tại Hà Nội được thông suốt, kịp thời.

Thực tế cho thấy, khi “nút thắt” trong vận chuyển được tháo gỡ kịp thời, các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Lazada, Shopee, AhaMove… đã bắt tay vào “cuộc đua” cung ứng hàng hóa cho khách hàng với nhiều chương trình hấp dẫn như: “Đi chợ tại nhà” của Sendo, “Thực phẩm bình ổn” của Shopee hay chương trình “An tâm ở nhà” của Voso… để cùng chung tay, chung sức đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường.

Theo thông tin từ Grab, hiện số lượng đơn hàng GrabFood, dịch vụ gọi đồ ăn giao tận nơi hãng đã tăng mạnh so với thời điểm trước trước dịch. Trong khi đó, dịch vụ đi chợ hộ GrabMart với nhiều ưu đãi cho khách hàng đã có sự tăng trưởng đơn hàng đột biến thời gian qua. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp này cũng triển khai các biện pháp an toàn cho vấn đề giao nhận.

Từ sự chủ động, linh hoạt ứng phó đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thấy, hơn 40 ngày qua khi thực hiện giãn cách xã hội, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa, nhưng chính quyền Thành phố và các hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân. Qua đó, khẳng định sự quyết tâm của ngành Công Thương và thành phố Hà Nội trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy như Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội từng khẳng định: “Dù trong tình huống nào vẫn bảo đảm hàng hóa, người dân hoàn toàn yên tâm không phải tích trữ thực phẩm”.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích