Kỳ cuối: Phải ngăn chặn từ gốc!

Như báo Lao động Thủ đô đã đưa tin, thời gian gần đây, nhiều người dân vẫn mắc “bẫy” kẻ xấu khi bị lừa đảo chiếm đoạt tiền qua điện thoại. Rất bức xúc trước tình trạng này vì nó diễn ra “như cơm bữa”, anh Nguyễn Vi An (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ: “Vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo được phản ánh liên tục trong thời gian qua, nhưng mọi thứ vẫn đâu vào đó. Người dân thì bị làm phiền bất kể giờ giấc, nhiều người nhẹ dạ còn bị dính quả lừa mà không biết kêu ai. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không để tình trạng này tái diễn”.

Kỳ cuối: Phải ngăn chặn từ gốc!
Cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý đối tượng mạo danh Công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Cơ quan Công an).

Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo hoành hành như hiện nay thì trách nhiệm của nhà mạng là không nhỏ. “Việc để sim rác tiếp tục hoạt động là trách nhiệm của các nhà mạng điện thoại. Bởi từ lâu, các nhà mạng buộc người sử dụng phải đăng ký thông tin đầy đủ, thế mà bây giờ sim rác vẫn tràn lan. Không dẹp được vấn nạn này thì còn nhiều người bị lừa đảo. Tôi cho rằng cần mạnh tay hơn với nhà mạng để sim rác hoành hành; bán sim vô tội vạ không chính chủ…”, anh Nguyễn Văn Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhấn mạnh.

Được biết, trong thời gian qua, để bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân. Một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Trong năm 2022, đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn rác, lừa đảo, phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam để người dân có thể phản ánh các vấn để gặp phải về an toàn thông tin; cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo; công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo; triển khai các chiến dịch phòng chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hàng năm trên toàn quốc…

Từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đầu số 5656 tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo quy định tại Nghị định 91/2020/ NĐ-CP. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, từ ngày 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hình thức thoại và tin nhắn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm phòng, chống lừa đảo qua mạng.

Lừa đảo để chiếm đoạt tín dụng không còn là câu chuyện mới, nhưng thủ đoạn lừa đảo thì ngày càng đổi mới cho dù các ngân hàng, các tổng đài đã phát đi các thông tin để cảnh báo người dân. Chính vì vậy, ngoài việc các bộ, ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đưa ra các cảnh báo… thì chính mỗi người dân cũng nên cẩn trọng và tỉnh táo khi nhận được các cuộc gọi hoặc thông báo bất thường.

Theo Trung tá Đoàn Tuấn Anh – Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, (Hà Nội) để tránh “sập bẫy” loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an các cấp, cần nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân. Người dân khi nghe những cuộc gọi xưng danh công an, tòa án, viện kiểm sát, bưu điện, nhà mạng… thì hãy bình tĩnh đối thoại vui vẻ nhẹ nhàng, không thì tắt máy luôn. Tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi.

Thêm vào đó, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời có kiến thức để tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, để tránh mắc bẫy của loại tội phạm này. Người dân không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng, không làm theo yêu cầu của người lạ như tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tránh việc lộ thông tin cá nhân, khiến tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi nên ngay cả khi có sự can thiệp của cơ quan Công an, việc giải quyết cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đối với việc lừa đảo qua điện thoại, dù cơ quan quản lý có nhiều cố gắng, thực tế là vấn đề sim rác đang diễn ra tràn lan và trở thành vấn đề nhức nhối. Điều này cho thấy những bất cập trong công tác quản lý và đòi hỏi những biện pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Bên cạnh việc xử lý những hệ lụy cũ phải ngăn chặn phát sinh vi phạm mới. Để làm được điều này, trước hết, các doanh nghiệp viễn thông phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý thông tin thuê bao di động, kiểm soát hiệu quả việc đăng ký thuê bao mới.

Hiện nay, việc lừa đảo qua điện thoại, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được xác định là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu hình phạt tương ứng với mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội. Cụ thể, trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự: Người nào sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).

Kim Tiến – Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích