Kỳ cuối: Lặng thầm đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu ra Bắc vào Nam
Dõi mắt canh tàu
Hằng ngày tại gác chắn ngang qua Quốc lộ 8A, không kể thời tiết nắng hay mưa, công nhân gác chắc với trang phục áo xanh, tay cầm cờ luôn luôn có mặt tại chắn ngang để kéo barrie xuống, đảm bảo an toàn khi tàu đi qua địa phận.
Hơn 11h trưa, đang nấu ăn tại trạm gác khoảng 10m2, nghe tiếng chuông reo liên hồi, chị Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1990, quê ở huyện Hương Sơn) người gác chắn đoạn qua Quốc lộ 8A vội đeo chiếc thẻ, đội mũ, cầm cờ chạy thẳng ra đường ray hạ barrie xuống, đứng nghiêm theo tác phong của người gác chắn chào đoàn tàu dần dần ngang qua.
Kết thúc phiên gác chắn, chị Tâm vào ghi chép nhật ký xong mới trở lại nội trợ bếp núc chuẩn bị cho bữa trưa.
Nữ gác chắn đường ngang tại ga Hương Phố, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) |
Vừa nấu ăn chị Tâm vừa kể, “Tôi vào nghề nay đã được 4 năm, công việc làm theo ca trực. Đội chúng tôi gồm 30 người, trong đó có 15 người làm gác chắn, chia ra 3 trạm, mỗi trạm có 5 người thay nhau luân phiên. Còn 10 người làm công nhân sửa chữa, 5 người tuần đường. Người ngoài cứ nghĩ dễ, nhàn rỗi… nhưng không phải vậy đâu. Công việc không kể ngày đêm, mưa nắng, cứ tới giờ là phải gác chắn để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu cũng như người tham gia giao thông. Việc này, chúng tôi không được lơ là, chỉ chậm một vài giây là xảy ra sự cố liền, nó ảnh hưởng tới tính mạng con người và tài sản nhà nước”.
Luôn phải đối mặt với biết bao khó khăn, nguy hiểm… Thế nhưng, với lòng yêu nghề, mong muốn đảm bảo an toàn cho mọi người, có những người công nhân đã gắn bó với công việc này hàng chục năm trời. Chúng tôi đã có buổi gặp gỡ với những nữ công nhân gác chắn thuộc đội chắn đường ngang Gia Phố, Hương Khê để lắng nghe những câu chuyện nghề, chuyện đời của họ.
Chị Trần Thị Hải Dương (gác chắn tại Gia Phố, huyện Hương Khê) chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề gác chắn đã 10 năm, công việc này những năm qua chỉ có 4 bức tường, chiếc điện thoại và cuốn sổ nhật ký ghi chép lịch trình tàu chạy chính là “người bạn” thân thiết. Vào ca trực, chúng tôi phải trực đủ 12 tiếng, không được phép chợp mắt, nghỉ bất cứ lúc nào.
Mỗi ngày, có từ 12-13 chuyến tàu qua lại, ngày lễ, tết lên đến 18-20 chuyến. Nếu chỉ một sơ xuất nhỏ thôi là cũng có thể xảy ra tai nạn, vì ngoài việc người dân tham gia giao thông ra thì đây là cung đường có nhiều trâu, bò đi ngang qua”.
Công việc gác chắn đường ngang không kể ngày, đêm, trời nắng hay mưa |
Những bước chân thầm lặng
Nghề tuần đường sắt đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng, bởi từng con bu-lông, từng đoạn ray, từng thanh tà-vẹt luôn cần được kiểm tra cẩn trọng, nhằm phát hiện và kịp thời sửa chữa những hư hỏng nhỏ, nhanh chóng cấp báo những hư hỏng lớn, chướng ngại vật nguy hiểm gây mất an toàn trên tuyến để duy tu, bảo trì.
Có mặt trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn ga Yên Trung (Đức Thọ), tôi có dịp theo anh Nguyễn Sỹ Nhân (sinh năm 1982, quê Thạch Liên, Thạch Hà, Hà Tĩnh) tác nghiệp. Vừa đi, anh Nhân vui vẻ kể chuyện nghề: “Tôi vào nghề đường sắt đã 18 năm, có 10 năm làm việc tuần đường, anh em hay gọi vui với nhau đây là “bác sĩ khám bệnh đường ray xe lửa”.
Người tuần đường phải tỉ mỉ, kiểm tra kỹ càng từng con bu lông… |
Theo quan sát của tôi, bắt đầu những mét đường đầu tiên, anh Nhân đã quan sát rất kỹ. Từng đoạn ray, từng thanh tà-vẹt, những con bu lông… tất cả đều được để mắt. Những hư hỏng nhỏ thì người thợ tuần đường này sửa ngay tại chỗ. Cuối cung đường, 2 tuần tra gặp nhau ký sổ hành trình.
Anh Nguyễn Văn Lịch (sinh năm 1983 ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) có 17 năm gắn bó với nghề tuần đường sắt, kể: “Tôi thuộc Cung ga Đức Lạc, từ điểm đầu tôi đi tuần đến cuối điểm là 7km, cả đi và về là 14km, công việc là tuần đường sắt, kiểm tra theo dõi, phát hiện kịp thời các hư hỏng, chướng ngại và xử lý bảo đảm an toàn chạy tàu trong phạm vi địa giới được phân công và ghi chép đầy đủ vào sổ tuần tra, báo cáo cấp trên theo quy định. Sửa chữa, giải quyết kịp thời các hư hỏng, chướng ngại nhỏ, tham gia bảo trì cầu, đường, hầm theo phân công. Kịp thời phòng vệ, nhanh chóng thông tin hoặc báo hiệu dừng tàu khi phát hiện hư hỏng, chướng ngại có nguy cơ làm mất an toàn giao thông. Tham gia bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và phương tiện giao thông đường sắt trong phạm vi được phân công”.
Mỗi ca tuần, công nhân tuần đường sắt phải đi 14-20km |
Anh Nguyễn Như Châu, quê ở xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà đang đi tuần đường thuộc cung đường sắt Gia Phố cho biết: “Nhiệm vụ tuần đường là kiểm tra các thông số có an toàn không, quan sát các tình huống xấu như cây đổ gãy thì xử lý ngay, nếu có tình huống xấu nhất thì phải bắn pháo để báo sự cố, kịp thời dừng tàu tránh xảy ra tai nạn”.
Hỏi về việc tuần tra vào ban đêm gặp những trở ngại hay lo lắng gì? Anh Châu cho biết: “Sợ nhất là rắn rết, hoặc dẫm phải kim tiêm. Ngoài ra công việc tuần đường sắt giữa nắng, mưa cộng thêm đi bộ nhiều dễ ảnh hưởng đến xương khớp khi về già. Lương của nhân viên như tôi chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, còn thua cả công nhân may mặc, nên cũng khá vất vả”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô