Kỳ cuối: Khi chính quyền, cư dân cùng cộng đồng có trách nhiệm

Nhận thức của người dân về chơi chưa được coi trọng

Kiến trúc sư Chu Kim Đức, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds người đã dành gần chục năm để vận động cho “Quyền được chơi” thông qua việc làm các dự án sân chơi cho trẻ em trong cộng đồng. Bắt đầu từ một nhóm tình nguyện năm 2014, đến nay kiến trúc sư Chu Kim Đức và cộng sự đã phối hợp cùng các tổ chức, địa phương làm gần 200 sân chơi và không gian công cộng cho người dân và trẻ em.

“Năm 2012, khi tôi học làm phim ở Doclab, tôi gặp bà Judith Hansen, một phụ nữ Mỹ mong muốn tặng cho Hà Nội một sân chơi. Bà ấy có sở thích đi khắp nơi trên thế giới để chụp ảnh sân chơi, nhưng lại không tìm thấy sân chơi đúng nghĩa ở Hà Nội. Judith nói với chúng tôi về quyền được chơi, rằng sân chơi không chỉ là 1 không gian trống trải, mà phải là nơi có các thiết bị chơi dành cho trẻ em, nơi trẻ em có thể chơi tự do, giao lưu và không phải trả tiền.

Tuy dự án của bà không thực hiện được nhưng nó đã truyền cảm hứng cho tôi. Chúng tôi thành lập Think Playgrounds, một doanh nghiệp xã hội với cam kết sử dụng một phần lợi nhuận để duy trì các sân chơi, không gian thân thiện cho trẻ em trong thành phố”, kiến trúc sư Chu Kim Đức chia sẻ.

Kỳ cuối: Khi chính quyền, cư dân cùng cộng đồng có trách nhiệm
Năm 2018, sân chơi ở thôn Hà Lỗ, Đông Anh do Think Playgrounds thi công đã được nhận Giải ba của UNESCO Việt Nam về nghệ thuật tái chế. (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 xảy ra).

Với nỗ lực của mình, Think Playgrounds đã dành được nhiều sự quan tâm cũng như ủng hộ từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Thế nhưng, đằng sau đó là những khó khăn mà chỉ người trực tiếp làm mới hiểu. Để làm được những không gian công cộng lý tưởng ấy, vai trò của các tổ dân phố và bản thân mỗi bậc phụ huynh vô cùng quan trọng. Khi họ nhận thức được vai trò của các sân chơi công cộng này trong đời sống của chính mình, họ mới quyết tâm xây dựng và phát triển nó.

“Trong quá trình làm, chúng tôi vấp phải khó khăn lớn nhất là nhận thức của người dân về vấn đề chơi chưa được coi là quan trọng. Nhiều phụ huynh thắc mắc khi có sân chơi con họ chơi quá nhiều không chịu học thì sao? Họ cũng lo lắng về tai nạn khi chơi. Cuộc sống trong đô thị ít gắn kết với thiên nhiên nên họ sợ con bị côn trùng cắn, chơi đất cát là bẩn… Và khi ấy chúng tôi lại phải có những đối thoại, giải thích rằng chơi có rất nhiều lợi ích và những lo lắng của phụ huynh là không sai nhưng cũng cần phải hiểu trẻ sẽ học được gì qua việc chơi và sự lo ngại nhiều sự lại làm hạn chế khả năng phát triển lành mạnh của trẻ. Hơn hết, sân chơi công cộng này đâu chỉ dành riêng cho trẻ em, nó sẽ trở thành không gian chung để mọi người có thể sử dụng”, kiến trúc sư Chu Kim Đức bộc bạch.

Sân chơi như một yêu cầu tối thiểu

Đồng sáng lập Think Playgrounds, ông Quốc Đạt cũng chia sẻ: Khi mới thành lập, chúng tôi đã phải đi rất nhiều hội thảo để gặp gỡ các kiến trúc sư gạo gội trong làng quy hoạch nhưng không ai có một khái niệm gì về sân chơi theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Và chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để giúp họ hiểu rõ hơn thế nào là sân chơi, thế nào là những công trình trên khu đất trống được gọi là sân chơi và sự cần thiết có sân chơi công cộng và trẻ em và người dân.

Thật vui mừng khi có sự thay đổi đáng ghi nhận khi đầu năm nay, chúng tôi rất bất ngờ khi Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 01/2021/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, trong đó sân chơi đã được đưa vào như một yêu cầu tối thiểu của các công trình dịch vụ, công cộng, khu dân cư… Nghĩa là từ năm từ năm nay trở đi bất kỳ tập đoàn đầu tư bất động sản muốn xây dựng dịch vụ, công cộng để ở thì phải quỹ đất dành cho sân chơi. Đây cũng chính là đòn bẩy pháp lý để cho những cộng đồng dân cư và những bậc phụ huynh có thể lên tiếng vì quyền lợi của mình.

Sau sân chơi đầu tiên ở Hà Lỗ và mới đây nhất là ở Tổ 46 thị trấn Đông Anh, hiện huyện Đông Anh đã có 30 sân chơi được làm từ những vật liệu tái chế, nguyên liệu là những chiếc lốp xe, gỗ, chai nhựa… Từ những vật dụng này, đã tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh sau những giờ giải lao, từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, thải ra môi trường mỗi năm từ những chiếc lốp xe, túi ni lông.

Bà Trần Thị Thuý Hằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh cho biết, Đông Anh là huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, có khu công nghiệp Bắc Thăng Long thu hút lao động nhập cư đến sinh sống và làm việc ngày càng đông, tác động đến đời sống của người dân trên địa bàn. Chính vì vậy, bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã chủ động tham mưu, xây dựng các kế hoạch, chương trình trọng tâm đăng ký thực hiện hàng năm với các nội dung liên quan tới phụ nữ, trẻ em nhằm bảo vệ an ninh xã hội trên địa bàn bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.

Minh chứng rõ nét nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đối tác, nhà tài trợ như doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds, khảo sát lên kế hoạch và lấy ý kiến cộng đồng; xây dựng, thiết kế và lắp đặt các sân chơi cho trẻ em. Cùng với việc học tập, các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh là nhu cầu không thể thiếu cho trẻ em. Các sân chơi được lắp đặt tại các nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng được các em hào hứng tham gia…

Để chuẩn bị cho công tác xây dựng huyện Đông Anh thành quận, đến nay, Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận và 15 Đề án thành phần đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua và đang được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, trong đó có Đề án xây dựng, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa – khu thể thao thôn, tổ dân phố huyện Đông Anh giai đoạn 2018-2020; Đề án bảo tồn, phát huy các bộ môn văn hóa, thể thao truyền thống trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo liên quan trực tiếp đến trẻ em và phụ nữ. Vì vậy, với vai trò và trách nhiệm của mình, Hội Phụ nữ của Đông Anh luôn tạo điều kiện cho những hoạt động liên quan đến lợi ích của trẻ em để làm sao các em phát triển toàn diện nhất và cũng đem lại được những cái lợi ích chính đáng cho cộng đồng.

“Trong đó, sân chơi cộng đồng là mô hình được chính quyền và người dân địa phương đánh giá rất cao, chúng tôi cũng rất phấn khởi và mong rằng thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội và Think Playgrounds để xây dựng nhiều sân chơi hơn nữa, để làm sao phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, phấn đấu thành quận của Thủ đô”, bà Trần Thị Thuý Hằng mong muốn.

Tin rằng, những tín hiệu vui từ hành lang pháp lý cũng như nỗ lực của các tổ chức, cộng đồng dân cư sẽ giúp nhân rộng sân chơi, không gian công cộng thân thiện cho trẻ em và người dân Thủ đô.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích