Kỳ cuối: Cần thêm chế tài xử phạt thật nghiêm
Hành vi bị nghiêm cấm
Luật sư Phạm Hải Long – Văn phòng Luật sư Quốc Thái nhận định, hiện nay, dưới chiêu bài mang thai hộ, giúp đỡ các gia đình hiếm muộn thực hiện ước mơ trở thành cha mẹ, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thậm chí thành lập các đường dây mang thai hộ đa quốc gia để trục lợi. Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 là một quy định mang tính nhân văn cao, tạo cơ hội cho nhiều người trở thành cha mẹ. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã quy định rõ việc mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị nghiêm cấm.
Hiện nay nhiều đường dây mang thai hộ đã bị Công an thành phố Hà Nội triệt phá. |
Cụ thể, quy định tại Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, mang thai hộ được hiểu dưới hai hình thức là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại. Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình giải thích về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.
Theo khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình, mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để hưởng lợi về kinh tế hoặc một lợi ích khác. Hiện nay, pháp luật chỉ cho phép mang việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, không cho phép việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Cũng theo Luật sư Phạm Hải Long, chế tài đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại hiện nay đã rõ. Theo đó, hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị cấm theo điểm g, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau: Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm theo Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Đối với 2 người trở lên; phạm tội 2 lần trở lên; lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành
Cũng theo Luật sư Phạm Hải Long, mặc dù quy định pháp luật rất rõ ràng, tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người lợi dụng sơ hở của pháp luật để tổ chức mang thai hộ vì mục đích kinh tế trái luật, thậm chí có những đối tượng đã bất chấp quy định còn hình thành đường dây có tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại vẫn tiếp diễn trong thời gian qua là do chế tài đối với loại tội phạm này còn khá nhẹ và chưa chặt chẽ, khó đủ sức răn đe. Trong khi đó, trong xã hội có cầu, ắt có cung nên sẽ khó hạn chế được tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại khi mà mức xử phạt đối với loại tội phạm này còn quá thấp.
“Do vậy, theo tôi, để ngăn chặn triệt để hành vi mang thai hộ bất hợp pháp rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành. Đồng thời, pháp luật cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn cũng như đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân đối với loại tội phạm này”, Luật sư Phạm Hải Long nhấn mạnh.
Trên thực tế, về việc đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm mang thai hộ, lực lượng chức năng cũng đang kiến nghị có những quy định, quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an và ngành Y tế để trao đổi thông tin. Khi có những nghi ngờ về mang thai hộ vì mục đích thương mại thì lực lượng y tế và công an sẽ có sự trao đổi, trên cơ sở thông tin để cùng nhau xác minh, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật này.
Nói về quan điểm này, Thiếu tá Hoàng Văn Hùng, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, mang thai hộ vì mục đích thương mại, bản chất xuất phát là từ những nhận thức lệch chuẩn của người có nhu cầu mang thai hộ. Do pháp luật của Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nên các đối tượng đã lợi dụng các kẽ hở pháp luật để trục lợi.
“Để có giải pháp, biện pháp hữu hiệu, tôi cho rằng, ngoài việc sửa đổi hoàn thiện về luật, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để giáo dục chung đến người dân. Các cơ sở khám chữa bệnh cần có thông tin và xác minh kỹ hơn nữa khi tiếp nhận hồ sơ mang thai hộ và nhận mang thai hộ”, Thiếu tá Hoàng Văn Hùng cho hay./.
Hiện nay, các lực lượng chức năng cũng đã có nhiều động thái mạnh mẽ trong việc phòng, chống mang thai hộ vì mục đích thương mại. Theo đó, Công an thành phố Hà Nội cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống từ cơ sở đến nhận thức của các chiến sĩ trong đơn vị, người dân để nâng cao ý thức cảnh giác chung. Trong năm 2021, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại. Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các cơ sở thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ đạo cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm túc quy định về vấn đề này. Định kỳ tổ chức rà soát, cập nhật các quy trình chuyên môn kỹ thuật, quy trình quản lý nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản… |
Nguồn: Báo lao động thủ đô