Kỳ cuối: Cần những giải pháp bền vững

Thêm cơ chế, chính sách đặc thù

Trao đổi với Báo Lao động Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Những năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Thủ đô. Theo đó, Thành phố cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề có rất nhiều vấn đề khác nhau. Bởi mỗi địa phương, mỗi làng nghề đều có đặc thù khác nhau, nơi thì làm bún, miến, đậu phụ, nơi thì đúc đồng, nơi thì làm mây tre đan… Mỗi làng nghề đều có thể gây ra một loại ô nhiễm khác nhau, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sức khỏe của chính người làm nghề và những người dân sống xung quanh.

Kỳ cuối: Cần những giải pháp bền vững
Điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức của các hộ sản xuất trong áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề. Ảnh: K.Tiến

Để có thể khắc phục tổng thể các vấn đề về ô nhiễm môi trường, có thể thấy, thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước, thành phố Hà Nội đã bố trí các khu vực tập trung sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không muốn di dời đến các khu được quy hoạch mới, vì người dân ngại thay đổi chỗ ở, nhà xưởng sản xuất, thói quen sinh sống, không tiện lợi cho việc cung cấp hàng hóa… trong khi nguồn hỗ trợ cho họ còn ít. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các khu quy hoạch tập trung cũng chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tại Hà Nội cũng đã triển khai một số khu tập trung, hỗ trợ một số nơi có kinh phí để làm như ở làng miến Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội), song thực tế chưa phát huy được hết hiệu quả.

Về việc di dời các làng nghề, được biết, theo định hướng đến năm 2030, có 48 làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội phải di dời cơ sở sản xuất hoặc công đoạn sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi khu vực làng nghề. Trong đó có làng nghề đồ mộc Hữu Bằng (huyện Thạch Thất); làng nghề sản xuất bánh đa nem Trung Hà, xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh); làng nghề bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); làng nghề mây tre đan, mộc Phù Yên, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ); làng nghề chế biến lâm sản thôn Hạ, xã Liên Trung (huyện Đan Phượng); làng nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức)…

Theo Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng Bùi Thị An, để giải bài toán ô nhiễm môi trường, các địa phương cũng như Hà Nội cần rà soát lại và thực hiện một cách kiên quyết. Trong đó, kiên quyết đưa các hộ ra sản xuất tập trung, hỗ trợ điều kiện về cơ chế, kinh tế ban đầu cho các hộ làm nghề. Đặc biệt, hiện nay việc di dời các làng nghề chỉ khả thi khi Nhà nước tạo cơ chế hỗ trợ về kinh phí ban đầu để làm cơ sở hạ tầng cho tốt. Bên cạnh đó, phải phân loại các làng nghề, vừa vận động vừa tuyên truyền, phân tích để cho bản thân những người làm nghề hiểu và tự động thực hiện theo cơ chế, chính sách.

Quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường

Trên địa bàn Thành phố, những năm qua đã có nhiều làng nghề có phương án bảo vệ môi trường được duyệt. Mới đây, tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, có 100% làng nghề được Thành phố công nhận đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường; đến năm 2030, có 100% làng nghề khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường và hoàn thành di dời cơ sở sản xuất này vào khu, cụm, điểm công nghiệp…

Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề, từ nhiều năm nay, Thành phố cũng đã đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Thành phố cũng đang tiến hành kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải từ làng nghề. Đây cũng là động thái nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc theo đúng mục tiêu đặt ra, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đang rất nóng hiện nay. Bên cạnh đó, việc phát triển các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư cũng đã được triển khai tích cực. Các huyện đang từng bước thực hiện việc di dời các hộ sản xuất trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp làng nghề để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo mặt bằng sản xuất, trong đó, nhiều nơi đã có những chuyển biến tốt.

Điển hình như tại huyện Phú Xuyên, mới đây, hơn 30 hộ dân đã tự nguyện góp đất ruộng, góp tiền để xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), giúp chi phí đầu tư chỉ bằng 1/3 các cụm công nghiệp làng nghề tương tự trong khu vực.

Hay huyện Mỹ Đức cũng là một trong những địa phương của Thủ đô tích cực triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm làng nghề. Theo Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2018 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030, huyện Mỹ Đức có 2 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Phùng Xá, xã Phùng Xá diện tích 10 ha và Cụm công nghiệp Đại Nghĩa, xã Đại Hưng diện tích 30 ha. Hiện nay, UBND huyện Mỹ Đức đã lập hồ sơ, trình Thành phố xem xét thành lập cụm công nghiệp đối với 2 cụm công nghiệp nêu trên. Số cơ sở thuộc ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/20022/NĐ-CP là 3 xưởng tẩy nhuộm tại làng nghề Phùng Xá. Tuy nhiên, 3 cơ sở này nằm tập trung tại một khu vực và đã được quy hoạch là cụm công nghiệp.

Cùng với sự vào cuộc của Thành phố, điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức của các hộ sản xuất trong áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề, thực hiện nghiêm quy định về sử dụng công nghệ, phương pháp sản xuất; đầu tư máy móc, công nghệ thân thiện môi trường vào sản xuất nhằm từng bước hạn chế ô nhiễm tại các làng nghề… phấn đấu đến năm 2030 khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại 100% làng nghề trên địa bàn Thành phố.

Kim Tiến

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích