Kỳ 2: Thay đổi tư duy, khơi thông “điểm nghẽn”

Người nông cần chủ động “số hóa”

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài”, ông Nguyễn Trung Thành – Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Chuyển đổi số ASEAN cho rằng, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả người nông dân cũng cần phải “vượt qua nỗi sợ vô hình” để trở thành “nông dân số”.

Kỳ 2: Thay đổi tư duy, khơi thông
Người nông dân cần thoát khỏi tư duy mùa vụ. (Ảnh do người dân chụp)

“Một cụ bà ở Trung Quốc lên mạng livestream bán hàng, mỗi buổi bán được hàng tấn đào. Một anh nông dân livestream bán được 70 tấn cam. Tại Hàn Quốc, 7 Bộ trưởng lên sóng livestream tiếp thị bán rau, nho và các sản phẩm nông sản của xứ sở Kim Chi gây sốt trong cộng đồng mạng. Vậy tại sao chúng ta không livestream để bán hàng, tại sao chúng ta không lên mạng để chuyển đổi số bán hàng, chuyển đổi số chính mình, chuyển đổi số thu nhập của bản thân và gia đình? Câu trả lời là chúng ta có một nỗi sợ. Sợ bị chê cười, sợ không có người xem, sợ người khác biết công việc của mình và sợ rất nhiều thứ. Những thứ đó gọi là nỗi sợ vô hình.

Thấu hiểu những băn khoăn này, Viện Nghiên cứu và Chuyển đổi số ASEAN và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội đã cùng nhau nghiên cứu, xây dựng và thử nghiệm chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến, các khóa tập huấn kỹ năng số cho người nông dân, bao gồm kỹ năng livestream bán hàng, kỹ năng xây dựng câu chuyện sản phẩm, kỹ năng xây dựng nhân tố số; kỹ năng hội họp trực tuyến cho các doanh nghiệp nông nghiệp, các cán bộ xã, các chủ thể OCOP và người nông dân để tự tin trở thành người nông dân số”, ông Thành chia sẻ.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ còn là việc về chuỗi cung ứng mà còn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp nông dân. Số hóa trong nông nghiệp phải thay đổi phương thức quản lý, sản xuất trên kênh nông sản, kết nối thông suốt chuỗi cung cầu. Chuyển đổi số chỉ thành công khi chúng ta thẩm thấu được giá trị và phải có quyết tâm cao để chuyển từ ý tưởng sang hành động.

Chương trình “Chợ đêm trên mây” tổ chức vào lúc 20h30 phút tối thứ 6 hàng tuần trở thành kênh trực tiếp diễn ra các hoạt động tiếp thị, bán hàng giữa các chủ thể và khách tham dự chương trình, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao dịch giữa các sản phẩm OCOP theo phương châm 3 thực: Sản phẩm thực, giá trị thực, giao dịch thực.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội: “Chúng ta đang sống trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Với sự chỉ đạo quyết liệt, cùng các giải pháp của Thành phố, sở, ngành, các quận, huyện, thị xã thì việc kết nối tiêu thụ sản phẩm của các huyện, thị xã và các tỉnh lân cận đã thúc đẩy mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm ngày càng cao của người dân Thủ đô trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên việc kết nối tiêu thụ của các đơn vị tiêu thụ với các đơn vị sản xuất thông qua danh sách của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các tỉnh lân cận đã tổng hợp lại thì việc thực hiện giao dịch trực tiếp giữa các đơn vị sản xuất và các đơn vị tiêu thụ còn đầy những khó khăn và vướng mắc, đang được các đơn vị quản lý Nhà nước hỗ trợ, chỉ đạo sao cho kịp thời và tăng hiệu quả trong công tác kết nối”.

“Chợ đêm trên mây” là hình thức sử dụng công nghệ số “online hóa” quá trình xúc tiến thương mại theo mô hình người sản xuất sẽ bán trực tiếp cho những người mua buôn và mua lẻ. Với mục tiêu tăng cường thực tế hóa kỹ năng tiếp thị của chính các chủ thể OCOP tới người mua bằng hình thức chuyển đổi số và đặc biệt những người tham gia mua hàng. Ngoài ra, người tham gia còn có một “lực lượng tiếp thị online” mà không tốn bất cứ một chi phí nào. Cùng với đó, người tham gia “Chợ đêm trên mây” còn được lắng nghe các thông điệp về thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.

“Chúng tôi mong muốn đồng hành lâu dài với người nông dân Hà Nội cũng như cả nước để cùng nhau nhân bản ra hàng triệu nông dân số, với mục tiêu đưa nhịp sống số về làng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn, hướng tới liên minh kinh tế nông nghiệp vững mạnh, người nông dân số văn minh, nông thôn số hiện đại”, ông Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh.

Định hướng mục tiêu dài hạn

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài” hôm 4/9 vừa qua, ông Lê Thanh Tùng – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông (NN&PTNT) đã thành lập Tổ Công tác 970. Thông qua đó, Tổ phối hợp các địa phương cùng tháo gỡ từng vấn đề cụ thể; đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ; kết nối cung cầu cụ thể đối với từng địa phương. Hiện Tổ đã kết nối 1.400 doanh nghiệp đầu mối kết nối tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, trong đợt giãn cách thứ 3, tình hình tiêu thụ hàng hóa nông sản, lưu thông hàng hóa qua địa bàn đã thuận lợi hơn. Về lâu dài, hoạt động này không chỉ giúp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà còn có thể thích ứng được với những khó khăn khác.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng nhau bàn giải pháp lâu dài. Doanh nghiệp mong rằng các tỉnh, thành tạo thuận lợi cho người nông dân, công nhân lao động được tiêm vắc xin; rà soát vùng nguyên liệu nông sản, có sự đồng bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo sự đồng bộ về chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của thị trường trong và ngoài nước. Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp ổn định và bền vững.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Để phát triển kinh tế nông nghiệp cần từ bỏ tư duy mùa vụ trong nông dân; tư duy thương vụ của doanh nghiệp và tư duy nhiệm kỳ của chính quyền. Thay vào đó là cần có tầm nhìn dài hạn hơn từ người nông dân, doanh nghiệp đến chính quyền và cả hệ thống ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đầu mối lớn về tiêu thụ nông sản nên cơ cấu lại doanh nghiệp từ phát triển thị trường, sản phẩm, chuẩn hóa các mối liên kết và chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho phát triển. Tương tự, cả người nông dân và chính quyền địa phương cũng xem thời gian này là dịp để có kế hoạch củng cố, khôi phục sản xuất, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo tầm nhìn, mục tiêu dài hạn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đưa ra 3 giải pháp tiêu thụ nông sản. Một là thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 đến 10 năm. Hai là tăng cường đối thoại. Bất cứ ngành chuyên môn nào đều cần tam giác phát triển, gồm Nhà nước – thị trường – xã hội. Chỉ khi mở rộng khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro mới giảm xuống. Ba là mở rộng các không gian phát triển. Trước đây, ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác đã đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Tuy nhiên, hợp tác như vậy, ranh giới địa lý vẫn hằn lên tư duy phát triển. Ví dụ thương lái Cần Thơ đi thu mua lúa ở Đồng Tháp sẽ băn khoăn là GDP sẽ được tính cho địa phương nào.

“Dịch bệnh khiến người dân khó khăn, nhưng cũng là thời điểm để họ ý thức rõ ràng về việc không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Nhiệm vụ của những cán bộ quản lý, điều hành ngành nông nghiệp là giúp bà con thay đổi tư duy triệt để, giúp họ chuyển biến từ tự phát thành tự giác gia nhập hợp tác xã, với tư tưởng cùng ăn, cùng chia lợi nhuận”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích