Kỳ 2: Nỗi lòng người bị xử phạt hành chính về xây dựng

(Xây dựng) – “Hoạt động xây dựng” là một phần tất yếu phục vụ cuộc sống, xã hội phát triển thì xây dựng cần phải phát triển. Xây dựng còn là cánh cửa để phát triển kinh tế, xã hội, do vậy cần phải được khuyến khích và nhân rộng. Chủ đầu tư là cá nhân, tổ chức và thực tế đã có xây dựng là có sai phạm. Do vậy về nguyên nhân sai phạm cần được bàn thảo nghiêm túc là góp phần thượng tôn pháp luật và ổn định xã hội.

Kỳ 2: Nỗi lòng người bị xử phạt hành chính về xây dựng
Trường Quốc tế Wellspring (Thành phố Hồ Chí Minh) tự ý cơi nới thêm tầng mái mất an toàn.

Thời gian qua sai phạm chưa được bàn thảo nghiêm túc về nguyên nhân và hệ quả là sai phạm xây dựng không hề thuyên giảm. Dù rằng các quyết định về xử phạt trong xây dựng càng ngày càng được bổ sung và đề nghị bổ sung nghiêm khắc. Nghị định 139/2017-NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt hành chính trong xử phạt với mức tiền khá cao và sai là đập không cho tồn tại. Nhưng thực tế lại nở rộ sai phép sau hoàn công và ngày càng nhiều, vẫn được hợp thức hóa “nửa vời” trên giấy chủ quyền nhà ở và đất ở (hợp thức hóa nửa vời là phần xây dựng được gạch chéo không được công nhận, nhưng thực tế chủ đầu tư vẫn sử dụng và đương nhiên tồn tại).

Quyết định 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành điều 121 của Luật Xây dựng năm 2003 nêu rõ: “Các công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch xây dựng nhưng chưa phù hợp với kiến trúc trước khi Luật Xây dựng 2003 thì được phép tồn tại theo hiện trạng”. Như vậy từ sau 2005 trên giấy chủ quyền nhà và đất ở là phần diện tích được công nhận. Toàn bộ phần diện tích không được công nhận phải đập bỏ trước khi cấp chủ quyền. Việc các cơ quan liên quan đến hoàn công, cấp giấy, ghi chú phần xây sai phép trên giấy chủ quyền đã tiếp tay cho vi phạm.

Hiện tại chủ đầu tư sai phạm trong xây dựng mà chủ yếu là xây sai “Giấy phép xây dựng”. Giấy phép xây dựng là văn bản pháp luật mà không phải là pháp luật nên phải xem xét, nguyên nhân vi phạm việc xây “sai giấy phép”. Để giảm việc xây sai phép trong xây dựng thì phải cấp phép đúng quy định của pháp luật. Quy định pháp luật về chỉ tiêu kiến trúc bao gồm độ cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất phải được công khai tại nơi cấp phép để tránh tình trạng nhà cho cao, nhà cho thấp, các nhà cùng sát vách nhau tại cùng thời điểm. Đặc biệt chỉ tiêu kiến trúc cần được phổ biến đến từng dãy phố, đoạn phố để khuyến khích các nhà đầu tư hợp khối, là góp phần chỉnh trang đô thị, chấp hành đúng các quy định PCCC, chuyển đổi công năng…

Cũng cần nói thêm việc chuyển đổi công năng từ nhà ở sang văn phòng, khách sạn phải đúng thủ tục pháp lý quy định về thiết kế, thẩm duyệt PCCC, môi trường… Điều kiện kinh doanh không tuân thủ pháp luật, tạo điều kiện cho việc xin, cho, gây mâu thuẫn tại khu dân cư, bất đồng ý kiến các chủ nhà cùng tuyến phố mà nguyên nhân là do cán bộ liên quan đến trật tự đô thị, quy hoạch, cấp phép và thanh tra gây ra. Việc đối xử thiếu bình đẳng mà cụ thể là xem thường nhà đầu tư, bất chấp pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Pháp luật đã có quy định sai phạm bị phạt trên 30 triệu trở lên là phải xem xét đơn giải trình hoặc đối thoại trực tiếp. Thực tế đã có trường hợp cán bộ thanh tra lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt trong ngày. Khi bị kiện thì tuyên bố trước tòa, là việc xem xét có chấp nhận giải trình đó hay không thuộc phẩm quyền của người ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, và tuyên bố không có cơ sở xem xét. Phát biểu là như vậy nhưng 5 ngày sau, người ký quyết định xử phạt hành chính phải ra quyết định thu hồi và tự nhận có vi phạm quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính. Thể hiện trình độ cán bộ thanh tra yếu kém về chuyên môn và luật pháp.

Sai phạm có hệ thống là biên bản vi phạm và quyết định cưỡng chế mà cấp Trưởng ủy quyền cho cấp Phó đã được quy định rõ ràng tại điều 54 và điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể tại điều 54 là ủy quyền ký biên bản xử phạt. Cụ thể tại điều 87 là ủy quyền về ký quyết định cưỡng chế, thẩm quyền ký quyết định cưỡng chế là cấp Trưởng, có thể giao cho cấp Phó chỉ được thực hiện khi cấp Trưởng đi vắng. Văn bản đã ban hành để cấp Phó ký biên bản xử phạt và quyết định cưỡng chế trên cùng một văn bản ủy quyền là vi phạm điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hiện nay pháp luật về xây dựng đã cải thiện rất nhiều, minh bạch, rõ ràng và thuận lợi nhưng các nhà đầu tư vẫn phải im lặng chấp hành theo Giấy phép xây dựng, đã cấp không theo đúng quy định của pháp luật. Hành xử vi phạm pháp luật của một số cán bộ cán bộ liên quan trong cơ quan quy hoạch, cấp phép, điển hình cho sự vô cảm tột độ là giấy phép “xây nhà 8 tầng, không được lắp thang máy, không có thang bộ, chỉ có thang sắt thoát hiểm ngoài nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh”, xứng đáng được ghi vào lịch sử của nghành cấp phép xây dựng. Một ví dụ nữa là hàng ngày khi đứng trước nhà nhìn sang bên phải, bên trái, trước mặt và sau lưng (cùng ô phố) đều nhìn thấy các căn nhà xây sai quy định của pháp luật về chiều cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, thay đổi công năng, nhưng vẫn được tồn tại bình thường, trong khi ngôi nhà ở giữa xây đúng quy định của pháp luật, nhưng sai Giấy phép xây dựng thì sẽ phải đập bỏ 2,3 tầng?

Phải chăng việc xây sai quy định của pháp luật thì đó là bình thường và ngược lại xây đúng quy định của pháp luật và sai Giấy phép xây dựng thì lại là bất thường. Việc kêu gọi của lãnh đạo Thành phố về “cải thiện môi trường đầu tư” theo xu hướng bất thường hay khuyến khích sự bình thường, cần phải được rõ ràng và minh bạch. Thượng tôn pháp luật là ý chí duy nhất để “cải thiện môi trường đầu tư”, tạo sự bình đẳng giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng thành phố phát triển bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích