Kỳ 2: Nhiều mô hình sáng tạo cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn cho người dân

Chợ lưu động – giải “cơn khát” hàng hóa

Có mặt tại điểm bán hàng lưu động tại phường Biên Giang (quận Hà Đông) từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Phương, trú tại tổ Phúc Tiến (Biên Giang) không quên tiến lại khu vực kiểm tra phòng chống dịch để sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào khu vực mua sắm… Lần đầu tiên được đi chợ “kiểu mới” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chị Phương vừa phấn khởi nhưng cũng cảm thấy khác lạ. Bởi, chỉ cách đó vài ngày thôi, cuộc sống của chị Phương cũng như bao người khác vẫn diễn ra bình thường; việc đi chợ, mua lương thực cũng không cần phải đợi đến ngày, hay đến từng khu vực theo quy định. Thế nhưng, đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn biến nhanh và phức tạp khiến cuộc sống của nhiều người, trong đó có chị Phương phải thay đổi theo, trong đó có cả thói quen đi chợ.

Kỳ 2: Nhiều mô hình sáng tạo cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn cho người dân
Chợ lưu động – mô hình sáng tạo giúp cung cấp lương thực, thực phẩm kịp thời cho người dân khi một số chợ dân sinh, siêu thị đóng cửa do có F0.

Tại điểm bán hàng lưu động, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau xanh, thịt, cá, đồ khô…khá đầy đủ. Đặc biệt, giá cả được niêm yết công khai và có mức giá bán chỉ bằng với mức giá tại siêu thị, khiến nhiều người đến đây mua hàng cảm thấy thoải mái. Chị Phương chia sẻ, kể từ khi Thành phố áp dụng giãn cách xã hội, chị rất ngại đi chợ, kể cả siêu thị do ngại đi xa và sợ dịch bệnh… do đó, khi xuất hiện các điểm bán hàng lưu động chị Phương cảm thấy rất yên tâm và thuận tiện.

“Mặc dù là các quầy hàng lưu động, nhưng hàng hóa rất phong phú, đủ cho nhu cầu cũng như sản phẩm thiết yếu phục vụ người dân mà giá cả ổn định; giá các mặt hàng được niêm yết công khai, tuy nhiên chỉ có một số mặt hàng rau xanh có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng không đáng kể”, chị Phương cho hay.

Cùng suy nghĩ như chị Phương, anh Hà Thanh Tùng ở đường Doãn Kế Thiện (Mai Dịch, Bắc Từ Liêm) cho biết, hàng hóa ở các quầy lưu động rất phong phú, đủ chủng loại, giá cả ổn định nên cũng dễ lựa chọn. Đặc biệt, các quầy hàng lưu động đảm bảo trong phòng, chống dịch Covid-19 như là nhân viên bán hàng và khách hàng đều thực hiện đầy đủ quy định 5K của Bộ Y tế nên người dân đi chợ cũng rất yên tâm.

Theo anh Tùng, những điểm bán hàng lưu động là rất cần thiết và kịp thời trong thời điểm giãn cách xã hội. Nhờ có những điểm bán hàng này, mà người dân không phải đi xa, không phải chen lấn khi mua hàng, đặc biệt khi chợ Đồng Xa xuất hiện ca F0. Cùng với đó, mô hình cung ứng hàng hóa này còn đảm bảo chuỗi cung hứng hàng hóa tại các nơi phong tỏa, nơi xuất hiện F0 không bị đứt gãy, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm kịp thời cho người dân.

Kỳ 2: Nhiều mô hình sáng tạo cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn cho người dân
Người dân đảm bảo giãn cách và phòng chống dịch khi tham gia mua thực phẩm tại chợ lưu động trên địa bàn quận Ba Đình.

Trước đó, khi Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24/7), nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân thuận tiện mua sắm lương thực, thực phẩm, hệ thống siêu thị AEON ngay lập tức đã phối hợp với các chính quyền địa phương tổ chứ mô hình “chợ lưu động”. Trong đó, tại địa bàn quận Long Biên, AEON đã nhanh chóng triển khai 4 điểm bán hàng lưu động. Sau khi nhận được tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng, cũng như căn cứ tình hình phức tạp của dịch Covid-19, mô hình bán hàng lưu động này tiếp tục được mở rộng tại một số địa bàn như: Quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ…

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, hiện đã có 11 quận tổ chức 62 điểm bán hàng lưu động; chuyển đổi 342 địa điểm của các bưu cục, nhà sách, cửa hàng điện máy thành điểm bán hàng thiết yếu; trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa để kết nối hàng hóa cho Thành phố và giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối. Cùng với đó, để sẵn sàng phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân khi dịch diễn biến dịch phức tạp hơn, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô, trong đó hiện đã có 14 doanh nghiệp đã đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus và trong trường hợp cấp bách, Hà Nội sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này.

Siêu thị mini 0 đồng – chung tay cùng người dân vượt khó

Không chỉ triển khai mạnh mẽ mô hình chợ lưu động, nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động gặp khó khăn do giảm thu nhập, mất việc làm, sinh viên nghèo bị mắc kẹt lại Thành phố, đối tượng chính sách trên địa bàn Thành phố… ngay từ đầu tháng 8/2021, Sở Công Thương Hà Nội đã đồng hành cùng Thành đoàn Hà Nội, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ và Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức chương trình “Siêu thị mini 0 đồng – Hà Nội trái tim hồng”.

Kỳ 2: Nhiều mô hình sáng tạo cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn cho người dân
Người dân phấn khởi khi mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” hỗ trợ sinh viên, người lao động nghèo ra đời.

Mỗi “Siêu thị mini 0 đồng” có hơn 60 mặt hàng từ thực phẩm khô đến các thực phẩm tươi, gia vị, rau củ quả… trong đó, có nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội. Tất cả các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung ứng từ những đơn vị lớn có uy tín tại địa phương. Cùng với đó, thông qua chính quyền địa phương, mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ nhận được một “Phiếu quà tặng” trị giá 400.000 đồng. Đại diện từng hộ sẽ đến siêu thị vào những khung giờ khác nhau, ghi rõ trong thông báo, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định phòng dịch. Cho đến thời điểm này, Hà Nội đã có 13 “Siêu thị mini 0 đồng” được triển khai; trong đó đã hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động được gần 22.000 xuất quà với tổng trị giá khoảng 8,8 tỷ đồng; mô hình này sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.

Là một trong những quận được triển khai “Siêu thị mini 0 đồng”, tại buổi khai trương “Siêu thị mini 0 đồng” ở phường Yên Nghĩa (Hà Đông), ông Bùi Xuân Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông bày tỏ lòng cảm ơn, sự chung tay ủng hộ của các nhà tài trợ, đồng thời cho biết, “Siêu thị mini 0 đồng” được triển khai trong thời gian giãn cách xã hội có ý nghĩa rất lớn giúp các hộ cận nghèo, người lao động, sinh viên ngoại tỉnh… vơi bớt những khó khăn, yên tâm thực hiện các quy định phòng chống dịch, tiếp thêm sức mạnh cùng với chính quyền địa phương đảm bảo an sinh xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Kỳ 2: Nhiều mô hình sáng tạo cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn cho người dân
Mỗi “Siêu thị mini 0 đồng” có hơn 60 mặt hàng từ thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống và các sản phẩm OCOP.

Với chương trình “Siêu thị mini 0 đồng – Hà Nội trái tim hồng’’, Ban tổ chức đặt mục tiêu thông qua nhiều hình thức để linh động, hỗ trợ nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh “Siêu thị mini 0 đồng” offline (bán trực tiếp) dành cho các đối tượng lao động khó khăn ngay tại địa bàn sinh sống, Ban tổ chức còn triển khai mô hình “Siêu thị mini 0 đồng’’ online (đặt hàng tại website – nhận hàng tận nơi) thuận tiện hơn các cho đối tượng là sinh viên. Trong khi đó, với người dân bị mắc kẹt tại khu cách ly phong toả không thể ra ngoài, những chuyến xe yêu thương sẽ mang hàng hóa nhu yếu phẩm đến tận nơi với tiêu chí, không ai bị bỏ lại phía sau, đồng lòng cùng nhau vượt qua đại dịch.

Có thể thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngoài việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm dư cung, đang khó khăn trong tiêu thụ. Cụ thể, 8 tháng đầu năm đã hỗ trợ tiêu thụ trên 600.000 tấn hàng các loại cho 28 tỉnh, thành phố; bố trí 24 điểm cố định cho các tỉnh đưa hàng về bán. Hiện nay đang tiếp nhận đề nghị hỗ trợ tiêu thụ của trên 30 tỉnh, thành phố với trên 100 mặt hàng nông sản thực phẩm, thủy hải sản…

Kỳ cuối: Thương mại điện tử “người bạn đồng hành” trong cuộc chiến Covid-19

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích