Kỳ 1: Từ sáng kiến lập pháp tức thời
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 30/2021/QH15. Ảnh: QH |
Thông điệp đó của người đứng đầu Quốc hội đã được các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội hưởng ứng, thể hiện bằng tinh thần làm việc và các quyết sách chưa từng có tiền lệ về công tác lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Với những chính sách thiết thực, hữu hiệu, Quốc hội ngày càng thể hiện rõ vai trò “đồng hành” cùng Nhân dân, nhất là doanh nghiệp và người lao động.
Mở đường pháp lý cho các chương trình phục hồi kinh tế
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ông khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước.
Nhưng Quốc hội không “ngồi chờ” Chính phủ đề xuất, trình lên để xem xét, thông qua, mà rất chủ động đồng hành cùng Chính phủ. Quốc hội đã kịp thời gỡ vướng từ thực tiễn với việc sửa đổi, bổ sung hàng loạt chính sách, pháp luật để hỗ trợ Chính phủ trong quản lý, điều hành, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ. Ảnh: QH |
Điển hình là tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã có sáng kiến lập pháp thức thời bằng việc ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, chủ động giao cho Chính phủ rất nhiều quyền năng, để tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt trong ứng phó với diễn biến bất thường của đại dịch Covid-19.
“Có thể thấy, Nghị quyết 30/2021/QH15 là nghị quyết rất đặc biệt, chưa từng có tiền lệ, và có lẽ trên thế giới cũng không có Quốc hội nước nào ban hành nghị quyết giao quyền cho Chính phủ tương tự như thế, mà lại do chính Quốc hội đề xuất ngay tại kỳ họp. Điều này càng thể hiện rất rõ tính đồng hành, năng động, kịp thời của Quốc hội”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) nhấn mạnh Nghị quyết 30/2021/QH15 không chỉ là một sáng kiến lập pháp mà còn hơn thế, là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử lập pháp Việt Nam…
Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh Nghị quyết 30/2021/QH15 là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt. Ảnh: QH |
Đúng như nhận định của các đại biểu, việc Quốc hội ban hành kịp thời Nghị quyết 30/2021/QH15 cùng những quyết sách quan trọng triển khai Nghị quyết này đã được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Từ Nghị quyết 30/2021/QH15, hàng loạt chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tổ chức thực hiện.
Nghị quyết 30/2021/QH15 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch. Từ đó, giúp kiểm soát tốt, đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế, xã hội, đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới. Đi kèm với trao quyền, Quốc hội cũng tăng cường công tác giám sát, tổng kết, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện…
Theo quy định của pháp luật, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Quyết định triệu tập các Kỳ họp bất thường đã cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Quốc hội. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Kỳ họp bất thường ra đời đã thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và thể hiện thông điệp về một Quốc hội đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân.
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH |
Kỳ họp bất thường chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội được tổ chức lần đầu tiên vào đầu năm 2022 cũng nhằm gỡ vướng về thể chế. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã ban hành 1 luật sửa 9 luật, ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với Luật trong thời gian Quốc hội không họp…
Có thể nói, sự ra đời của Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã thể hiện nỗ lực, trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, kịp thời mở đường pháp lý cho các chương trình phục hồi kinh tế, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động.
Tăng thêm niềm tin!
Từ cơ sở của Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trong đó có nhiều chính sách mang lại hiệu quả tốt, lan tỏa rộng, mọi người dân được thụ hưởng như: Giảm 8% thuế VAT, miễn, giãn, giảm các loại thuế, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, cho người lao động; các gói hỗ trợ về tài khóa… nhằm tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế, gỡ đúng các vấn đề doanh nghiệp, người dân đang cần, thực tiễn đang đặt ra.
Từ cơ sở của Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. |
“Nghị quyết 43/2022/QH15 là một trong những cơ sở rất quan trọng, vừa tăng nguồn lực cho hoạt động kinh doanh, nhưng đồng thời cũng tăng thêm niềm tin rất mạnh mẽ của người dân, xã hội với sự đồng hành, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong hỗ trợ người dân, góp phần tạo đà tăng trưởng của kinh tế năm 2022.
Để đưa ra được các quyết sách kịp thời đó, mỗi đại biểu chúng tôi đã luôn luôn lắng nghe những đòi hỏi từ cuộc sống, lắng nghe ý kiến từ người dân. Lắng nghe không chỉ để tổng hợp, phản ánh, mà quan trọng là từ việc lắng nghe đó nghiên cứu, đúc kết, chắt lọc tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm ra được cái gì cần phải hành động, cần tháo gỡ, để chuyển tải thành chính sách, khuôn khổ pháp luật, tạo ra hành lang pháp lý cho hành động. Từ hành lang pháp lý đó, quay trở lại đáp ứng nguyện vọng của người dân”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn nữa
Là người “theo sát” cộng đồng doanh nghiệp về mảng pháp lý trong nhiều năm qua, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng: “Quốc hội khoá XV đã có rất nhiều đổi mới, theo quan sát của tôi, dấu ấn rất rõ là sự chủ động trong tổ chức hoạt động, từ sớm, từ xa. Ngay từ Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội có sáng kiến lập pháp tức thời trong ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong 3 ngày, với sự đồng thuận rất cao”.
Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn. |
Ông Đậu Anh Tuấn cũng nhìn nhận, Quốc hội trong nhiệm kỳ mới này đã có đổi mới rất lớn trong việc xây dựng pháp luật, đặc biệt là sự cởi mở trong thảo luận chính sách, pháp luật, huy động sự tham gia của đông đảo người dân và doanh nghiệp.
“Tôi rất ấn tượng với nguyên tắc, phương hướng hoạt động mà Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh nhiều lần là chủ động, phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao, vào cuộc từ sớm, từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điểm ấn tượng nữa là mức độ tham vấn và lắng nghe rộng rãi của Quốc hội. Có lẽ giai đoạn vừa rồi, các hoạt động này của Quốc hội được tiến hành rộng rãi nhất. Quá trình thảo luận, thông qua các dự án luật hay chính sách thì hoạt động lắng nghe, tham vấn đều được chú trọng, thực hiện thực chất.
Có những dự án luật liên quan đến doanh nghiệp, VCCI được các cơ quan của Quốc hội gửi lấy ý kiến đến 4-5 lần, phải nói là không có rào cản, cản trở gì cả từ phía cơ quan lập pháp cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng và thông qua chính sách.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tại phiên họp tổ. |
Quy trình lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và VCCI vào các dự án luật trình Quốc hội cũng có đổi mới khi mở rộng thêm lấy ý kiến góp ý dự án cả trước khi trình Quốc họp ở kỳ họp thứ hai, chứ không chỉ trước kỳ họp thứ nhất như trước đây”, ông Tuấn chia sẻ.
Đặc biệt, Phó Tổng thư ký VCCI cho hay, riêng với VCCI, cũng có dấu ấn lịch sử trong năm vừa qua là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội đến thăm và làm việc tại trụ sở VCCI, trao đổi với đại diện cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã “đặt hàng” VCCI nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phải đổi mới và tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động tham vấn doanh nghiệp của VCCI.
“Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định định hướng của Quốc hội thời gian tới là lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Với định hướng “lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn nữa”, chắc chắn, những quyết sách được Quốc hội ban hành sẽ ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành đời sống kinh tế xã hội phát triển”, ông Tuấn tin tưởng.
(còn nữa)
Nguồn: Báo lao động thủ đô