Kỳ 1: Sống cùng ô nhiễm ở xã ven đô

Có đến tận nơi, có chứng kiến mới thấy nỗi khổ của người dân “sống chung”, “ngủ chung”, “hít thở” chung với ô nhiễm môi trường cực đến nhường nào. Vì vậy, vấn đề đặt ra cần phải có cơ chế để sớm “giải phóng” các làng nghề ra các cụm công nghiệp tập trung để không chỉ tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, mà quan trọng hơn giảm tối đa vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Kỳ 1: Sống cùng ô nhiễm ở xã ven đô
Những “núi rác” thải nhựa tại xã Quảng Phú Cầu.

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm về thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa), nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ” phế liệu nhựa ven đô Hà Nội. Thôn Xà Cầu trước đây nổi tiếng với nghề làm hương đen và tăm tre thủ công. Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã chuyển sang thu gom, phân loại và sơ chế phế liệu để bán lại cho các nhà máy tái chế. Ngay từ cổng thôn Xà Cầu đi vào, rác thải trên các trục đường giao thông đã được xúc dọn không còn tình trạng tập kết bừa bãi, nhưng dọc hai bên đường, đâu đâu cũng là rác. Với số lượng rác thải “khổng lồ”, ước tính hàng trăm tấn, khu vực nhà dân trong thôn không đủ chỗ chứa. Từng bao tải phế liệu được chất cao kịch trần nhà, có nơi đến 4 – 5m.

Tương tự, tại khu vực cánh đồng chùa Dâu (xã Quảng Phú Cầu), đủ các loại phế liệu, rác thải, nhất là vỏ chai nhựa được người dân thu gom từ khắp các nơi về chất thành đống, để khắp đường làng, ngõ xóm. Tại đây, địa phương đã bố trí khu vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đáng chú ý, ngay tại khu vực này xuất hiện “núi rác” (cao đến 3m, bề rộng 7 – 8m) gồm rất nhiều túi nilon chứa chai thủy tinh, ống nhựa, và các phụ phẩm y tế. Một số người dân cho hay, không hiểu bằng cách nào hàng tấn rác thải y tế lại có thể vào được đến đây. Bên cạnh đó, do hoạt động thu gom, tái chế nhựa, nhu cầu mở rộng sản xuất nên có những hộ dân đã tự ý xây dựng bãi tập kết, nhà xưởng và đặt máy trên đất nông nghiệp. Mặc dù chính quyền xã đã lập biên bản, có biện pháp xử lý nhưng vẫn có một số hộ dân lén lút vi phạm.

Được biết, thôn Xà Cầu có khoảng 200 hộ dân, trong đó có 95 hộ hoạt động thu gom, sơ chế phế liệu. Hoạt động này đã làm phát sinh một lượng lớn chất thải rắn với thành phần chủ yếu là các loại nhãn mác, bao bì, nhựa không thể tái chế…khối lượng ước tính khoảng 2 tấn/ngày. Lúi húi phân loại rác nhựa, L.Đ.T (nhà ở thôn Xà Cầu) cho biết, gia đình bà đã có hàng chục năm làm nghề thu gom phế liệu đem về tái chế. Công việc này đã giúp gia đình phát triển kinh tế, có của ăn của để trong nhà. “Ở thôn Xà Cầu, chỉ những người đau ốm mới không làm ra tiền. Còn lại ai cũng có thể làm được vì công việc hết sức đơn giản. Già trẻ lớn bé, ai cũng có thể làm, mỗi ngày thu nhập khoảng 200.000 đồng, đủ trang trải”, bà T cho hay. Tuy nhiên, với điều kiện làm việc hoàn toàn thủ công trong những nhà xưởng tạm bợ, tiếp xúc trực tiếp với nhiều nguồn nguy hại, người dân nơi đây đang phải đối mặt với nhiều mối nguy về sức khỏe mỗi ngày.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố hiện có 1.350 làng nghề chiếm gần 30% tổng số làng nghề trong cả nước (trong đó khoảng 1.000 làng nghề Thủ công mỹ nghệ), 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận, tập trung tại 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, các làng nghề phát triển chủ yếu với các nghề truyền thống như gốm sứ, dệt lụa, mây tre đan, vàng bạc đồng kim khí, đồ gỗ mỹ nghệ, hoa nghệ thuật (hoa khô, hoa lụa, hoa đất…), sơn mài, khảm trai, thêu ren… Hằng năm, tổng doanh thu của các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt bình quân 20.000 tỉ đồng.

Đưa chúng tôi đi khảo sát quanh làng, ông Nguyễn Năng Cơ, Phó Trưởng thôn Xà Cầu cho biết, trước đây, có hiện tượng sau khi phân loại xong rác thải được người dân nơi đây đổ xuống ao hồ hoặc mang đi đốt trộm. Trước thực trạng người dân đốt rác thải ngoài môi trường chính quyền địa phương đã cử lực lượng an ninh của thôn, xã làm nhiệm vụ trực để hạn chế tình trạng xả rác và đốt rác gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của địa phương. Thậm chí, trong khi chờ các cơ quan chức năng triển khai đề án, kế hoạch… người dân trong thôn đã vận động xã hội hóa mua 1 chiếc máy xúc, để nhanh chóng thu gom rác thải tràn lan, hạn chế phần nào nguy cơ ô nhiễm.

“Người dân chúng tôi mong mỏi các cơ quan chức năng có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để đảm bảo sức khỏe những hộ dân ở đây. Nếu tình trạng ô nhiễm này không sớm được giải quyết triệt để thì không biết rồi đây tương lai, cuộc sống của người dân trong thôn sẽ đi về đâu”, ông Nguyễn Năng Cơ bày tỏ.

Ông Trang Văn Viễn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Quảng Phú Cầu cho biết, chính quyền xã đã tăng cường họp, nhắc nhở người dân và cử công an kiểm tra, xử phạt. Bên cạnh đó, chính quyền đã có hợp đồng với đơn vị vận chuyển và xử lý rác nhằm hạn chế dần tình trạng ô nhiễm. Tuyên truyền, vận động các hộ thu gom, tái chế phế liệu thôn Xà Cầu thực hiện thu gom xử lý chất thải theo quy định.

Thông tin với phóng viên, ông Đỗ Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa cho hay, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư trên địa bàn thôn Xà Cầu, UBND huyện đã yêu cầu các hộ có hoạt động nghiền ướt cam kết dừng hoạt động để xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Căn cứ hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường về xử lý nước thải từ hoạt động nghiền nhựa thôn Xà Cầu, phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Quảng Phú Cầu tổ chức hội nghị hướng dẫn các hộ mô hình xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải được xử lý và tuần hoàn tái sử dụng. 100% các hộ nhất trí với phương án của UBND huyện và cam kết thực hiện thu gom và xử lý nước thải tuần hoàn sử dụng lại trong quá trình sản xuất.

Hiện, UBND huyện Ứng Hòa đang tập trung cùng với nhà đầu tư xây dựng 2 Cụm Công nghiệp. Trong đó, Cụm Công nghiệp Cầu Bầu đã hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật với diện tích 5,29 ha. Hiện nay đã giao đất cho 85 hộ để sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; Cụm công nghiệp Xà Cầu hiện đang triển khai đầu tư xây dựng mở rộng với quy mô 7,9 ha. Sau khi xây dựng xong sẽ giải quyết được 100 hộ sản xuất kinh doanh trong khu dân cư di dời vào Cụm Công nghiệp.

Kỳ 1: Sống cùng ô nhiễm ở xã ven đô
Người dân thu gom, phân loại phế liệu.

Trước đó, cuối năm 2023, ghi nhận tại xã Dương Liễu một trong những làng nghề làm miến dong, bánh kẹo lâu đời ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh sản xuất tất bật của người dân địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự hối hả trong sản xuất, điều khiến chúng tôi “ấn tượng” chính là mùi hôi thối, ngai ngái khó chịu của nước thải, mùi ngâm các loại củ, tinh bột sắn… hòa trộn vào nhau. Do thiếu diện tích, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình sau khi sản xuất đã xả thải trực tiếp ra kênh thoát nước T2, rồi chảy thẳng ra sông Đáy… khiến nhiều kênh rạch bị ô nhiễm nặng, nước biến thành màu đen đục, đóng keo. Thực tế cho thấy, làng nghề truyền thống Dương Liễu khá phát triển, nhiều gia đình đã có thu nhập cao từ nghề truyền thống sản xuất miến và bánh kẹo. Chính sự phát triển manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch, đã khiến người dân sinh sống tại làng nghề Dương Liễu và khu vực xung quanh phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề…

Quảng Phú Cầu hay Dương Liễu như đề cập ở trên chỉ là những ví dụ điển hình về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay trên địa bàn các làng nghề của Thành phố. Cần phải khẳng định, kinh tế làng nghề, nghề thủ công không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho mỗi vùng miền mà chúng ta phải bảo tồn, phát huy mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động… Tuy vậy, giữa được (phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động) và mất (ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống người dân), chúng ta phải chọn được hơn mất. Đây chính là câu chuyện mà các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã và sẽ phải tìm ra lời giải.

(Còn tiếp)

Minh Phương

Phải giải quyết tận cùng vấn đề!

Theo PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, để tạo được bước chuyển mới trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm làng nghề cần có những giải pháp bền vững.

Kỳ 1: Sống cùng ô nhiễm ở xã ven đô
PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng

Trao đổi với Báo Lao động Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, những năm qua, làng nghề đã mang lại lợi ích kinh tế – xã hội rất lớn cho đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Nếu tính cả Việt Nam thì có đến 11 triệu lao động sống dựa vào làng nghề. Đặc biệt, làng nghề truyền thống có vai trò hết sức to lớn trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân nhất là ở khu vực nông thôn, mang tính tập tục truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, vùng miền của một địa phương, một dân tộc. Tuy nhiên, làng nghề cũng gây ra hệ lụy rất lớn đối với môi trường như đất, nước, khí hậu…

Tại Hà Nội, là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, làng nghề được phân theo các loại hình sản xuất như: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc và các loại hình khác. Hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định mà được xả thẳng vào môi trường tạo thành các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường. Những năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Thủ đô.

Theo đó, Thành phố cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề có rất nhiều vấn đề khác nhau. Bởi mỗi địa phương, mỗi làng nghề đều có đặc thù khác nhau, nơi thì làm bún, miến, đậu phụ nơi thì đúc đồng, nơi thì làm mây tre đan… Mỗi làng nghề đều có thể gây ra một loại ô nhiễm khác nhau, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sức khỏe của chính người làm nghề và những người sống xung quanh.

Để có thể khắc phục tổng thể các vấn đề về ô nhiễm môi trường, có thể thấy, thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước, thành phố Hà Nội đã bố trí các khu vực tập trung. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không muốn di dời đến các khu được quy hoạch mới, vì người dân ngại thay đổi chỗ ở, nhà xưởng sản xuất, thói quen sinh sống, không tiện lợi cho việc cung cấp hàng hóa… trong khi nguồn hỗ trợ cho họ còn ít. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các khu quy hoạch tập trung cũng chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.

“Tại Hà Nội cũng đã triển khai một số khu tập trung, hỗ trợ một số nơi có kinh phí để làm như ở làng miến Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội). Tuy vậy, có thể nhận thấy, việc triển khai này chưa triệt để, chưa phát huy được hết hiệu quả. Do vậy, theo tôi, để khắc phục vấn đề này cần giải quyết tổng thể, có những giải pháp bền vững, cần có tiền, huy động ngân sách nhà nước cũng như người dân”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Cũng theo Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, để giải bài toán ô nhiễm môi trường, các địa phương cũng như Hà Nội cần rà soát lại và thực hiện một cách kiên quyết. Trong đó, kiên quyết đưa các hộ ra sản xuất tập trung, hỗ trợ điều kiện về cơ chế, kinh tế ban đầu cho các hộ. Đặc biệt, hiện nay có một số ý kiến về việc di dời các làng nghề, thế nhưng việc này chỉ khả thi khi Nhà nước tạo cơ chế hỗ trợ về kinh phí ban đầu để làm cơ sở hạ tầng cho tốt. Bên cạnh đó, phải phân loại các làng nghề, vừa vận động vừa tuyên truyền, phân tích để cho bản thân những người làm nghề hiểu và tự động thực hiện theo cơ chế, chính sách.

Kim Tiến

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích