Kỳ 1: Nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản

Nhằm hỗ trợ các huyện, thị xã kết nối xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm đến thời vụ thu hoạch và kịp thời phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều mô hình kết nối tiêu thụ nông sản, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Vẫn còn nhiều nông sản tồn đọng

Huyện Thanh Oai được thành phố Hà Nội quy hoạch là vành đai xanh, có tiềm năng dồi dào về nông sản với 8.000 ha đất nông nghiệp, trong đó, trồng lúa 6.500ha, nuôi trồng thủy sản 554ha, cây ăn quả 425ha, rau màu 178ha, trang tại tổng hợp 116ha, chăn nuôi tập trung 53ha. Hiện nay, Thanh Oai còn có đàn trâu bò gần 6.000 con, lợn trên 39.000 con, gia cầm 1,54 triệu con, trong đó 50% là đẻ trứng.

Kỳ 1: Nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản
Nông sản vẫn còn tồn đọng nhiều tại các vùng nông thôn Hà Nội (Ảnh do người dân cung cấp)

Ông Dương Bá Mẫn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, với sản phẩm chủ lực là thóc, gạo, trứng gia cầm, Thanh Oai mỗi năm cho ra sản lượng gạo 72.000 tấn, tiêu thụ trong huyện là 1/3, còn 2/3 tiêu thụ ngoài huyện (khoảng 48.000 tấn). Trứng gia cầm cho ra 500.000 quả/ngày, tiêu thụ tại huyện được 1/5, còn 4/5 tiêu thụ ngoài huyện (khoảng 400.000 quả/ngày). Các loại thực phẩm khác như lợn, trâu, bò cơ bản đáp ứng trong địa bàn huyện. Do ảnh hưởng của Covid-19, hiện nay, việc tiêu thụ thóc, gạo tạm vẫn ổn, nhưng thịt và trứng gia cầm đang gặp khó khăn, rất cần được kết nối tiêu thụ.

Tại “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021: Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn” diễn ra hôm 1/9 vừa qua, huyện Thanh Oai đã đăng ký giới thiệu và xúc tiến 2 sản phẩm là trứng vịt trắng và trứng gà đỏ của 5 hộ đã có giấy chứng nhận OCOP và Vietgap. Ông Dương Bá Mẫn cho biết, trứng gà trắng hiện có giá là 3.000 đồng/quả, trứng gà đỏ có giá 2.300 đồng/quả. Nếu mua trên 5.000 quả, huyện sẽ hỗ trợ phương tiện vận chuyển đến tận tay cơ sở, người tiêu dùng.

Cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nông sản, huyện Gia Lâm hiện nay còn 70% sản phẩm cần tiêu thụ. Theo bà Hoàng Thị Thúy Nga – Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Gia lâm, hiện nay toàn huyện có 2.248ha diện tích trồng rau, củ, quả; được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Vietgap là 270ha, trong đó 10ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Có 13 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, 14 sản phẩm được ứng dụng trên hệ thống truy suất nguồn gốc theo mã QR Code. Huyện đã có 49 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cùng nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn Vietgap.

Nhiều năm nay, bình quân hàng năm huyện Gia Lâm đưa ra thị trường 69.000 tấn rau, 60.000 tấn quả và nhiều sản phẩm đã chứng nhận Vietgap như các vùng rau Văn Đức, Đặng Xá, Kiêu Kị, chuối Kim Sơn. Đặc biệt trong những năm gần đây, bắp cải, cải thảo của xã Văn Đức, Đặng Xá được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, mỗi năm từ 800 – 1.000 tấn.

Tuy nhiên, theo bà Thúy Nga, các sản phẩm được kết nối đưa vào các siêu thị, bếp ăn, trường học, cửa hàng tiện ích chỉ chiếm khoảng 20-30%, 70% còn lại được bà con tiêu thụ tự do qua các chợ dân sinh, chợ đầu mối và đi các tỉnh khác.

Trong thời gian qua, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, huyện Gia Lâm đã huy động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn vào cuộc hỗ trợ giúp nông dân tiêu thụ nông sản, tuy nhiên, sản phẩm nông sản trên địa bàn còn tương đối lớn, cần được hỗ trợ tiêu thụ ngay. Trong đó, sản phẩm nhãn chín muộn của Hưng Yên trồng tại Gia Lâm còn khoảng 100 tấn, cần tiêu thụ khoảng 10 tấn/ngày (giá 11.000 đồng/kg); Củ cải Lệ Chi còn 50 tấn, nhu cầu cần tiêu thụ khoảng 3 tấn/ngày (giá 5.000 đồng/kg); Mùi tàu Đông Dư còn 10 tấn, cần tiêu thụ 1,5 tấn/ngày (giá 10.000 đồng/kg); Chuối tiêu, hồng, chuối tây Kim Sơn còn dư 50 tấn, cần tiêu thụ từ 4-5 tấn/ngày (giá 5.000 đồng/kg).

Hầu hết các huyện, thị xã có đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đều còn tồn đọng một số lượng nông sản nhất định, cần được tiêu thụ ngay, chưa kể đến các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, thực phẩm organic trên địa bàn Thành phố cũng đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhiều mô hình kết nối chuỗi cung ứng

Vừa qua, trên khắp các quận, huyện, thị xã, các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân, trong đó có nhiều mô hình do các xã, huyện tự sáng kiến nhằm giải quyết nông sản vụ mùa; giải quyết khó khăn về lương thực cho các vùng bị cách ly. Tuy nhiên đây vẫn là các giải pháp tạm thời, manh mún.

Ngày 1/9 cừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 – Kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, diễn đàn là hoạt động tiếp nối chuỗi các hoạt động thiết thực, bao gồm: Tập huấn online kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số; hoạt động truyền thông, tiếp thị “Ngày hội livestream”; hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây”, nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp…

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phân phối và tiêu thụ sản phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị, các sàn thương mại điện tử, điểm giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn… Từ đó, hỗ trợ các huyện, thị xã của thành phố Hà Nội kết nối xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch. Đồng thời, phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Tại diễn đàn, đại diện các chủ thể đã giới thiệu sản phẩm và nông sản, thực phẩm an toàn, chủ lực, thiết yếu đến thời vụ thu hoạch cần tiêu thụ của các quận, huyện, thị xã. Qua đó, các đơn vị kinh doanh tiêu thụ sản phẩm mong muốn sẽ kết nối với các đơn vị sản xuất để tiêu thụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân Thủ đô.

Tham gia Diễn đàn và giới thiệu sản phẩm của huyện Thanh Oai, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dương Bá Mẫn chia sẻ: “Diễn đàn được tổ chức rất kịp thời và có ý nghĩa thiết thực. Huyện Thanh Oai mong được sự kết nối để tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con nông dân sản xuất được ổn định, bền vững, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân thành phố. Thanh Oai hứa sẽ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con đảm bảo thuận tiện, đúng số lượng, chất lượng, đúng thời gian”.

Bà Hoàng Thị Thúy Nga – Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Gia lâm cũng cho rằng, Diễn đàn rất cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay để không đứt gãy chuỗi cung ứng. “Qua Diễn đàn, mong được sự chung tay hỗ trợ tiêu thụ cho Gia Lâm, giúp bà con bảo vệ thành quả lao động, đảm bảo cuộc trong trong thời gian chống dịch. Huyện Gia Lâm cũng mong muốn qua sự kết nối có cơ hội tiêu thụ 70% lượng nông sản đang được bà con bán tự do qua các đơn vị, để nông dân yên tâm sản xuất, tạo hướng đi bền vững trong sản xuất, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô và xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội”, bà Thúy Nga cho hay

Đại diện các chủ thể của các địa phương cũng chia sẻ nhiều khó khăn trong quá trình phân phối sản phẩm. Hiện, 70-80% sản lượng nông sản (rau, quả) của nhiều huyện đang được tiêu thụ tại thị trường tự do. Việc các đơn vị doanh nghiệp, các nhà phân phối kết nối ký kết hợp đồng tiêu thụ theo tiêu chuẩn chất lượng để nông dân yên tâm sản xuất; nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, xây dựng nông thôn mới./.

Kỳ 2: Thay đổi tư duy, khơi thông điểm nghẽn

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích