Kỳ 1: Nhìn từ những khu phố văn minh
Từ những “cư dân văn minh”…
Chiều muộn tối Chủ nhật, ngày 25/7, người dân khu tập thể sinh sống tại E5, cầu thang 2, phường Trung Tự, quận Đống Đa, nhận “hung tin” cả khu sẽ bị phong tỏa vì có ca F0. Bà con nháo nhào chạy, người thì mua lương thực thực phẩm, người thì tìm chỗ “lánh nạn”… Mặc dù vậy, 30 hộ với 102 nhân khẩu đang sinh sống tại đây lại có niềm vui riêng khi cả khu tập thể vừa chung tay hoàn thành việc sơn sửa toàn bộ cầu thang từ tầng 1 lên tầng 5, đồng thời quyết tâm xóa chân rác bao năm tồn tại dưới chân cầu thang.
Ý tưởng làm biến khu tập thể cũ trở nên “xanh – sạch – đẹp” xuất phát từ một số chị em. Điều khó khăn với họ là làm sao để có tiền để làm. Không ít người can ngăn vì đó là ý tưởng “bất khả thi” bởi dịch Covid-19 đang hoành hành, gia đình nào cũng gặp khó khăn về kinh tế, hộ nào dám bỏ ra ít nhất 500.000 đồng để đóng góp.
Nhưng quyết tâm vượt khó, các chị Thu, Hoa, Hải đã khéo “dân vận”, chỉ trong một buổi chiều, các chị đã gõ cửa từng nhà, vận động được gần 30 hộ đóng góp tiền để làm mới khu tập thể. Hộ nhiều nhất như gia đình các chị Hoa, Thu, Khuyên, Hằng, Mùi… đóng góp mỗi hộ 2 triệu, các hộ còn lại ít nhất từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng…
Có tiền, gần 20 triệu đồng, mọi việc “trôi” ngay. Chỉ trong vòng hơn 1 tuần, với mấy người thợ, từ lát gạch chân cầu thang, quét vôi lại toàn bộ cầu thang 5 tầng, lắp mới 10 bóng đèn (cả ở chiếu nghỉ)… khu tập thể cũ E5, cầu thang 2 như được lột xác. Người dân ở đây nói vui: Vịt đã hóa Thiên nga. Không chỉ đóng góp tiền, để hoàn thành sớm, ai nấy cũng đều xắn tay vào hỗ trợ việc dọn dẹp, lau chùi cầu thang cho sạch sẽ. Đàn ông thì phụ thêm việc quét sơn cửa, cột điện… phải kể đến các anh Long, Đông, Quân…
Hình ảnh thường thấy tại khu E5, cầu thang 2, phường Trung Tự, quận Đống Đa. (Ảnh chụp trước ngày 27/4) |
Ai lúc đầu bán tín, bán nghi thì đến giờ đều phải ngạc nhiên, khâm phục ý chí của cư dân. Những người nghĩ ra ý tưởng, vận động các gia đình không phải là Tổ trưởng, Tổ phó Tổ dân phố, cũng không phải cán bộ các tổ chức chính trị xã hội địa phương mà là những phụ nữ chỉ quen “tề gia nội trợ”. Và hiệu quả thật không ngờ!
Ông Đặng Minh Chính, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Tự, chia sẻ: “Thật tuyệt vời khi có những cư dân văn minh như ở cầu thang 2 nhà E5. Những việc làm của họ cho thấy ngoài sự sáng tạo thì sự đồng lòng, quyết chí sẽ giúp chúng ta vượt mọi khó khăn. Đó cũng như những hành động đẹp cần nhân rộng khi cả Thủ đô đang căng mình chống dịch Covid-19”.
Ngoài người dân, cũng phải kể đến sự hỗ trợ về mặt tinh thần của các cán bộ, công nhân Công ty TNHN Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Đống Đa (URENCO4). Ngay từ khi biết thông tin, người dân khu E5, cầu thang 2 cùng chung tay làm sạch khu tập thể, lãnh đạo xí nghiệp đã nhiệt tình ủng hộ. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Chi nhánh, nói: Quá tốt, để gìn giữ, bảo vệ môi trường cần nhất ý thức của người dân. Chúng tôi sẽ “ưu tiên” và thường xuyên thu gom rác tại khu vực này trong thời gian đầu, đồng thời tuyên truyền đến từng người dân vứt rác đúng quy định để không phụ công của những cư dân…
Hôm nay là ngày thứ 5 hơn 102 cư dân khu E5, cầu thang 2 không ra khỏi nhà vì bị phong tỏa. Nhưng trong nhóm Zalo khu tập thể (mới thành lập), không khí hân hoan, chờ đón ngày dỡ phong tỏa để được dọn sạch cầu thang mới, quyết tâm đẩy lùi đại dịch, đang lên rất cao!
… Đến mô hình tổ dân phố “5 không”
Cứ vào 6h thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, bà Uông Thị Kha (75 tuổi) cùng với bà con Tổ dân phố số 4 phường Điện Biên, quận Ba Đình, lại chung tay quét dọn, nhặt rác trên các tuyến phố Nguyễn Thái Học. Những ngày ngày, nhiệt độ Hà Nội nắng nóng, oi bức, mới hơn 6h, mặt trời đã chói chang. Lau những giọt mồ hôi ướt đẫm khăn mùi xoa, bà Kha chia sẻ, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Bộ Y tế đã nhiều lần nhấn mạnh “dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ” là một trong những biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch, nên bà con ai cũng nhiệt tình hưởng ứng.
Từ nhiều năm nay, sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, bà con khu phố lại cùng nhau quét dọn, thu gom lá rụng, rác thải, duy trì phong trào tổng vệ sinh tại khu dân cư. Bà Bùi Thị Hồng Thái, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, cho biết, việc này được người dân trên địa bàn duy trì lâu nay, dịp này lại được đẩy mạnh hơn, hưởng ứng phong trào “Vì Thủ đô xanh – sạch – đẹp”, góp phần phòng, chống dịch bệnh, đem lại môi trường sống ngày càng tốt hơn tại khu dân cư.
Trên thực tế, phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn quận Ba Đình đã được triển khai từ lâu. Phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ khi 14 phường trên địa bàn quận bắt đầu thí điểm mô hình “Tổ dân phố 5 không” bao gồm: Không rác, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vi phạm trật tự xây dựng; không tệ nạn và không hộ nghèo.
Người dân Tổ dân phố số 4, phường Điện Biên, quận Ba Đình cùng nhau quét dọn, thu gom lá rụng, rác thải, duy trì phong trào tổng vệ sinh tại khu dân cư. (Ảnh chụp trước 27/4) |
Ghi nhận tại ngõ 1, phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, sau nhiều năm triển khai, mô hình này đã mang một diện mạo mới, khang trang, hiện đại hơn. Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, quản lý trật tự xây dựng, trật tự xã hội được chính quyền, người dân hết sức coi trọng.
Đặc biệt, mô hình này đang phát huy rất hiệu quả bởi giờ đây rất nhiều tuyến phố trên địa bàn phường đã hoàn toàn được thay da đổi thịt. Các Tổ dân phố đã kết hợp các hình thức giám sát như: Trích xuất camera trước cửa của các gia đình để phát hiện người xả rác; phối hợp với lực lượng công an khu vực, dân phòng vừa kiểm tra hành chính, vừa tuyên truyền tới các hộ gia đình có phòng cho thuê trọ. Kết quả, 100% các gia đình ký cam kết thực hiện.
Rất phấn khởi, vui mừng khi thấy ngõ phố khang trang sạch sẽ. Bà Ngô Thị Hảo, Bí thư Chi bộ 8, phường Phúc Xá, cho biết, người dân sinh sống trên địa bàn cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã tình nguyện dọn rác, làm sạch môi trường xung quanh các tuyến đường, hè phố, tìm các giải pháp tích cực nhằm đảm bảo, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch đẹp. Một trong những hoạt động tiêu biểu là việc duy trì nề nếp, thường xuyên phong trào ra quân tổng vệ sinh môi trường vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.
Trong đó, các cán bộ, đảng viên là những người đi đầu tham gia tích cực, là hạt nhân tạo sức lan tỏa, kêu gọi các thành viên trong gia đình tham gia; xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị, thành lập lực lượng chuyên trách giữ gìn trật tự văn minh đô thị tại địa phương.
Góp phần xây dựng Hà Nội “xanh”
Thời điểm này, ai có dịp đi đến ngõ 1, phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, sẽ nhận thấy những bức tường loang lổ, chi chít tờ rơi thời gian qua đã được thay bằng những bức tranh đầy màu sắc, sinh động và thân thiện môi trường.
Theo người dân, trước đây những bức tường loang lổ, cũ kĩ, chi chít tờ rơi khiến ngõ phố nhếch nhác. Đến nay, mong muốn của người dân đã được Đoàn Thanh niên phường hiện thực hóa. Thật vui vì bây giờ ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.
Được biết, Đoàn Thanh niên phường Phúc Xá đã thực hiện được hai điểm “con đường bích họa”. Điểm thứ nhất dài khoảng 200m đoạn từ đầu ngã tư Tân Ấp, điểm thứ hai là ngõ 1, cả hai điểm đều nằm trên phố Nghĩa Dũng.
Đoàn Thanh niên phường Phúc Xá đã thực hiện được hai điểm “con đường bích họa”. (Ảnh chụp trước 27/4) |
Trong khi đó, ghi nhận tại phường Điện Biên, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra, “Ngày Chủ nhật xanh” vẫn được triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần làm sạch môi trường gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các đợt ra quân đã dấy lên phong trào và mang lại hiệu quả cao. Nhiều vấn đề về môi trường phần nào được giải quyết, số lượng điểm đen về ô nhiễm môi trường đã giảm bớt…
Những kết quả đạt được là đáng ghi nhận, nhưng theo ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Điện Biên, địa phương còn kỳ vọng nhiều hơn nữa từ phong trào này.
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” không chỉ đi vào cuộc sống mà còn trở thành hành động, nếp sống thường xuyên của mọi người, mọi nhà. Làm sao phong trào phải đi vào thực chất hơn với phương châm là “Từ nhặt rác chuyển sang không xả rác”, hướng đến nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Có thể khẳng định, chưa lúc nào phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội lại sôi nổi và phát triển sâu rộng, được các cấp, các ngành và nhân dân hưởng ứng như hiện nay.
Các phong trào thi đua đã đi vào thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, qua đó đã khơi dậy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân…
Những kết quả về bảo vệ môi trường đạt được trong thời gian qua trên địa bàn quận Ba Đình -trung tâm hành chính, chính trị Quốc gia – là tiền đề, động lực quan trọng để phong trào thi đua yêu nước tiếp tục lan tỏa, góp phần xây dựng thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hoàng Duy – Minh Phương
(Còn nữa)
Nguồn: Báo lao động thủ đô