Kỳ 1: Khi các văn bản quy phạm đã đủ
Thực tiễn đòi hỏi cần sửa luật
Pháp luật về an toàn giao thông hiện hành gồm có Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 132/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa…
Năm 2020, Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã được trình Quốc hội khóa XIV xem xét. Trong Tờ trình Dự luật, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ hiện hành cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm được sửa đổi để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập Công ước giao thông đường bộ và Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Viên 1968), nhưng một số quy định của Công ước Viên 1968 nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với thực tế của Việt Nam chưa được nội luật hóa.
Cảnh sát giao thông hướng dẫn phân luồng để tránh ùn tắc giao thông. (Ảnh: Minh Phương) |
Đáng nói, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định, tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5-12% tùy theo từng khu vực trong khi theo yêu cầu là từ 16%-26%. Giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó có một phần là hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế; đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn…
Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ để thực hiện công tác bảo trì chưa đủ so với nhu cầu (đối với hệ thống quốc lộ đáp ứng được khoảng 45% yêu cầu). Nguồn kinh phí bảo trì đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường nông thôn gặp nhiều khó khăn. Vốn dành cho quản lý bảo trì thấp là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác bảo trì đường bộ.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xử lý vi phạm về giao thông đường bộ còn hạn chế, vì vậy, các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe, đi không đúng làn đường, phần đường, đi vào đường cao tốc, chở quá khổ quá tải, xâm phạm công trình giao thông, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè… còn diễn ra phổ biến, phức tạp…
Bến xe Giáp Bát. (Ảnh: H.L) |
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, Luật Giao thông đường bộ hiện hành ra đời trong bối cảnh kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa tạo được sự kết nối liên hoàn; việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường bộ còn dàn trải và chủ yếu được thực hiện từ ngân sách Nhà nước; hoạt động vận tải đường bộ còn đơn giản, quy mô chưa lớn, chưa có nhiều loại hình, hình thức kinh doanh; phương tiện giao thông chưa phát triển nhiều, đa dạng và hiện đại như hiện nay… Vì vậy, các quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không còn theo kịp sự phát triển của kinh tế – xã hội và thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý giao thông đường bộ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014 đã quy định cụ thể về cảng, bến thủy nội địa; điều kiện hoạt động của phương tiện; phương tiện nhập khẩu; điều kiện dự thi nâng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng; đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng; trình báo đường thủy nội địa; thuê phương tiện… tạo nên các quy định đồng bộ về quản lý giao thông đường thủy nội địa.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, những năm gần đây, vận tải đường thủy nội địa đóng góp hơn 25% khối lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa chậm được cải thiện; hệ thống luồng, tuyến giao thông chủ yếu vẫn ở dạng tự nhiên, ít được cải tạo, trong khi nhu cầu vận chuyển, phương tiện tham gia giao thông đường thủy tăng nhanh. Việc sử dụng phương tiện, khai thác vận tải phụ thuộc nhiều vào thói quen, tập quán, kinh nghiệm thực tiễn. Phương tiện đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, làm ảnh hưởng đến việc áp dụng, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu quản lý vận tải…
Sửa đổi các quy định về xử phạt hành chính
Để xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP). Nghị định này đã có một số thay đổi lớn, đặc biệt là bổ sung, mô tả làm rõ hơn các hành vi vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi trực tiếp là nguyên nhân xảy ra các tai nạn giao thông. Cụ thể, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã bổ sung 55 hành vi, nhóm hành vi và tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm; bổ sung quy định cụ thể về việc không cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề…
Để xử lý vi phạm giao thông đường thủy, Nghị định 132/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đã bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa và tìm kiếm, cứu nạn… Đồng thời, bổ sung các hành vi vi phạm về sử dụng phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch, không thành lập doanh nghiệp theo quy định, chở vượt quá số người được phép chở trên nhà hàng nổi, khách sạn nổi…
Đáng quan tâm, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Dự thảo sửa đổi cả hai nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 132/2015/NĐ-CP được xây dựng nhằm bổ sung một số hành vi vi phạm mới phát sinh và chế tài xử lý theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, sẽ có có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Tương tự, Dự thảo sửa đổi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng được xây dựng nhằm phù hợp, thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong lần sửa đổi, bổ sung này, một số hành vi vi phạm sẽ đươc bổ sung để phù hợp với tình hình mới, một số lỗi vi phạm giao thông sẽ được điều chỉnh tăng mức hình phạt lên gần gấp đôi…
Nhiều báo cáo đều chỉ ra rằng, vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng do ý thức của người tham gia giao thông. Bởi vậy, để giảm vi phạm, cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.
Phương Thảo
(Còn nữa)
Nguồn: Báo lao động thủ đô