Kỳ 1: Chuyện nhà 4 người cùng mắc Covid-19
“Nhất định phải sống, tôi còn muốn làm việc, còn mấy đứa con đang độ tuổi ăn học” – lời tự nhủ của một F0.
Ngày kinh hoàng
Tưởng chừng cái chết đã đến rất gần, nhưng gia đình có 4 F0 ở thành phố Hồ Chí Minh đã phục hồi thần kỳ, sống sót qua “cơn bão” Covid-19.
Từ ngày ở nhà theo yêu cầu giãn cách xã hội, ông Võ Hùng Sơn (ngụ Phường 8, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) vẫn thường theo dõi tin tức về tình hình dịch bệnh. Những con số tăng lên hằng ngày khiến ông không khỏi lo lắng, nhưng ông không nghĩ rằng mình sẽ là nạn nhân của nó.
Ngày 30/7, đứa con trai 13 tuổi sốt nhẹ, dấu hiệu đầu tiên về sự hiện diện của Covid-19 trong gia đình ông đã đến. Thế nhưng cơn sốt qua nhanh, cả nhà ông vui mừng vì nghĩ rằng cháu bị cảm thông thường.
Sáng hôm sau, cơn sốt ập đến với ông, mà 10h ông có hẹn tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Lo lắng, ông gọi điện thoại cho bác sĩ Đoàn Văn Trân – người chăm sóc sức khỏe cho gia đình ông. Không đủ dũng cảm thông báo việc mình bị sốt, ông giả vờ hỏi vài câu rồi cúp máy. Hơn cả nỗi sợ hãi dịch bệnh, lúc này ông sợ bỏ lỡ cơ hội quý giá được tiêm vắc xin.
Test nhanh bằng que thử, ông choáng váng vì kết quả là 2 vạch. “Tôi không nghĩ mình nhiễm Covid-19, cố lục lại xem mình có thể mắc lúc nào, nhưng từ ngày giãn cách tôi đã ở nhà nên nghĩ mãi không ra”, ông Sơn kể.
Nghĩ thế, ông cho rằng que thử chắc chắn đã sai như thông tin trên mạng thường đưa. “Lần đầu tiên được tiêm ngừa, không lẽ bỏ lỡ thì uổng quá” – nghĩ thế, ông im lặng không nói với ai rồi tự uống thuốc hạ sốt, định bụng vẫn đi đến bệnh viện tiêm vắc xin.
Đến lúc thay quần áo xong thì ông lại đắn đo. Nếu như thật sự mắc Covid-19, ông sẽ làm lây lan cho người khác, ảnh hưởng đến cộng đồng. Suy nghĩ một lúc, ông quyết định test nhanh thêm lần nữa. Lần này cũng 2 vạch, vậy là không còn nhầm lẫn gì nữa.
Ông Võ Hùng Sơn trong những giờ phút hiếm hoi tỉnh táo. Ảnh: NVCC |
Bỏ ý định đi tiêm, ông gọi báo ngay cho bác sĩ Trân – lúc này đang trực chiến với Covid-19 ở Bệnh viện Trưng Vương. Sau khi nghe qua tình hình, bác sĩ Trân yêu cầu ông Sơn khai báo ngay với chính quyền địa phương. Đồng thời, ông Sơn cũng được bác sĩ yêu cầu chuẩn bị những vật dụng cần thiết như máy tạo oxy, máy đo SPO2, các loại thuốc, vitamnin tổng hợp,…
Ông báo cho vợ con để chuẩn bị theo bác sĩ yêu cầu, không khí hoảng loạn bắt đầu phủ lên gia đình ông, tất cả mọi người khẩn trương, vội vàng để bước vào cuộc chiến lớn với con virus quái ác.
Rất nhanh sau đó, y tế Phường 8 (quận Tân Bình) đã xuống nhà test PCR cho ông Sơn và con trai út, 3 người còn lại trong nhà ông được test nhanh. Sau khi y tế phường đi về, 2 cha con ông Sơn xách toàn bộ đồ đạc lên cách ly hẳn trên tầng 3. Ông cũng lắp thêm camera quan sát tại khu vực cách ly để đảm bảo bác sĩ và người nhà có thể quan sát được bên trong.
Hành trình thoát khỏi cửa tử
Đêm đầu tiên, trên lầu 3, hai cha con ông Sơn cố thủ, phía dưới người nhà không ai trọn giấc ngủ. Vậy là Covid-19 đã chính thức ghé thăm, bắt đầu chuỗi ngày sóng gió trong gia đình.
Ngày thứ 2 mọi thứ nặng nề hơn, ông sốt không ngừng trong khi người con không có triệu chứng. Nhiệt độ luôn duy trì ở mức 38 – 39 độ. Cứ 30 phút, bác sĩ Trân lại gọi điện hoặc nhắn tin cho ông Sơn để kiểm tra tình hình.
Những giờ phút chờ kết quả PCR cứ chậm chạp trôi qua. Sốt ruột, ông gọi điện cho y tế phường thì nhận được thông báo đang làm hồ sơ để chuyển ông tới khu điều trị vì chỉ số CT xác định tải lượng virus quá cao. Con trai ông có chỉ số CT thấp hơn nên sẽ đến khu cách ly ở nơi khác.
Nếu không nhập viện sẽ rủi ro cao, nhưng con ông mắc bệnh béo phì và chậm phát triển, làm sao đi cách ly mà không có người chăm sóc? Sau khi hỏi ý kiến bác sĩ Trân, ông Sơn trình bày hoàn cảnh với ngành y tế và xin được ở nhà điều trị, tự chịu trách nhiệm với mọi hậu quả.
“Đây là quyết định liều lĩnh nhất cuộc đời tôi và cả bác sĩ, nhưng vì con trai, tôi không còn lựa chọn nào khác”, ông nói.
Những ngày sau đó, tình trạng ông cứ xấu dần đi, có những lúc sốt cao đến 40 độ. Các loại thuốc hạ sốt đã chuẩn bị đều không còn tác dụng nữa.
Người đàn ông vốn khỏe mạnh, cường tráng nhưng mới chỉ mấy ngày tóc đã chuyển bạc trắng. Ông rơi dần vào trạng thái lúc tỉnh lúc mê, quên trước quên sau. Kiểm tra nồng độ oxy kết quả luôn dưới 90%. Ông phải sử dụng máy tạo oxy để duy trì nhịp thở.
Vốn là người khỏe mạnh, ông Sơn không ngờ Covid-19 khiến ông rơi vào nguy kịch. Ảnh: NVCC |
Từng thời khắc trôi qua đều dài như vô tận với sự dày vò đau đớn. Trong nhịp thở thoi thóp. Nhiều thời điểm, ông tưởng mình đã bước cả 2 chân sang thế giới bên kia, đau đớn khủng khiếp làm ông tính đến chuyện buông xuôi, mặc cho số phận sắp đặt. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi ông nghe tiếng vợ, tiếng con, rồi ông ý thức được mình còn muốn sống.
“Nhất định phải sống, tôi còn muốn làm việc, còn mấy đứa con đang độ tuổi ăn học”, ông tự nhủ trong lòng, có khi sự quyết tâm này phát ra thành tiếng.
Đó là khao khát sống của ông, còn virus thì không. Cơn đau thể xác ngày càng tăng, kéo thêm đó là nồng độ oxy cứ xuống thấp dần. Bác sĩ Trân và lực lượng y tế phường bắt đầu lo lắng… và chuẩn bị tinh thần cho những diễn biến tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Lúc này, có chỉ thị cho sử dụng thuốc kháng đông cho F0 nặng. Bác sĩ Trân đích thân đi kê toa thuốc và mang đến nhà cho ông Sơn. Nhưng ông gần như đã mê man, thở oxy trong tình trạng thoi thóp. Bác sĩ nhận định ông không thể ở nhà được nữa, sáng hôm sau ông phải nhập viện. Y tế địa phương sẵn sàng hỗ trợ xe cứu thương để đưa ông đi cấp cứu bất cứ lúc nào.
Con virus này dường như biết trêu đùa, khi ông chuẩn bị nhập viện thì đột nhiên hạ sốt và tỉnh táo. Lại lần nữa ông sợ nếu nhập viện không ai chăm người con trai chậm phát triển. Vì con trai, ông mạo hiểm xin bác sĩ và y tế phường ở nhà tiếp tục điều trị.
Tưởng tình hình ổn định, ngờ đâu vừa xin ở nhà thì cơn sốt quay trở lại hành hạ ông, đau đầu, tức ngực liên tục. Trước đó đã xin ở nhà điều trị nên dù vật vã trong cơn đau đớn, ông không dám báo với y tế phường nữa.
“Thuốc không còn nhiều tác dụng, tinh thần tôi cũng trở nên hoảng loạn hơn bao giờ hết. Ai ở trong hoàn cảnh đó mới hiểu được, sợ chết lắm chứ”, ông hồi tưởng.
Bằng sự thần kỳ nào đó, những ngày sau ông bắt đầu hạ sốt và dần dần tập “cai oxy”.
Đến ngày thứ 14 từ lúc phát hiện nhiễm Covid-19, y tế phường đến test lại thì ông và con trai đều cho kết quả âm tính. Dù cơ thể vẫn còn rất yếu, còn phụ thuộc vào oxy nhưng kết quả này cũng đủ khiến ông hạnh phúc, vậy là ông đã thoát cửa tử thần.
Nhưng chưa vui mừng được bao lâu thì vợ ông có dấu hiệu nóng sốt, test nhanh cho kết quả dương tính. 3 ngày sau đến lượt con gái của ông cũng có kết quả dương tính. Vậy là nhà ông có đến 4 F0, trừ người con trai luôn “cố thủ” trong phòng.
“Khi bị Covid-19 tôi không lo lắm, nhưng đến vợ thì tôi rất lo, vì bà ấy bị bệnh tim. Tôi sợ đến run người luôn, nhất là lúc bà ấy khó thở liên tục. Đêm nào tôi cũng có cảm giác thần chết đang ở trước cửa nhà mình vậy”, ông nói.
Mặc dù cơ thể chưa bình phục hẳn, nhưng trong nhà không còn ai nên ông gắng gượng dậy chăm vợ và con gái. Khoảng 10 ngày sau khi vợ con ông cùng nhiễm Covid-19, ông thử test nhanh và cho kết quả cả nhà âm tính.
Theo ông Sơn, F0 khi có dấu hiệu nhiễm Covid-19 cần phải nhanh chóng kiểm tra và báo với chính quyền địa phường, dù đã cần đến trợ giúp hay chưa.
“Phần lớn người dân không báo cho phường, xã ngay mà để yên mấy ngày xem có đúng bị Covid-19 không mới báo. Khi đó phường phải báo với quận và xét nghiệm PCR, lúc có kết quả quận mới điều xe chở đi thì cũng đã qua mấy ngày. Nguy hiểm chính nằm ở thời khắc phải chờ đợi, không điều trị được”, ông Sơn nhận định.
Ông Sơn khẳng định, với những người có triệu chứng bắt buộc cần đến sự thăm khám y khoa và điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Vì những cách chữa trị trên mạng như xông lá, uống chanh chỉ phù hợp với người không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.
Những câu chuyện không bao giờ quên
Những ngày chiến đấu với Covid-19, ông nói rằng mình đã nhìn thấy nhiều góc khuất mà bình thường ít khi để ý. Dịch bệnh đem đến nỗi sợ hãi, hoảng loạn, nhưng nó cũng giúp mỗi người nhận ra giá trị của tình thân, bạn bè, làng xóm.
Một số loại thuốc ông Sơn điều trị tại nhà. Ảnh: NVCC |
“Có lần nhà tôi hết ga, người ta chỉ đưa ga đến đầu hẻm. Tôi nằm trên lầu không xuống được, vậy mà vợ tôi bình thường không biết lắp ga cũng xoay sở để đưa ga vào nhà, lắp ráp ngon lành”, ông kể.
Một lần khác tủ lạnh nhà ông bị hư, bên trong chất đầy đồ ăn đã chuẩn bị từ trước. Sau khi gọi điện đặt mua được tủ đông, gia đình ông nhờ tổ công tác phòng, chống dịch địa phương đón tài xế chở tủ vào nhà. Khi gần đến biết nhà có F0, tài xế vội quay xe không vào nữa.
Nhà niêm phong, không biết nhờ ai mua đá, đồ ăn trong tủ lạnh bắt đầu hư và bốc mùi hôi lan khắp cả xóm…
Một người hàng xóm tốt bụng mua giúp nhà ông ít đá để ướp đồ ăn, nhưng không thể duy trì vậy mãi. Sau đó, em rể ông đem tủ đông đến cho mượn, lắp đặt xong về nhà, vài ngày sau người này cũng nhiễm Covid-19 và nhập viện.
“Những F0 ở trong trận chiến của mình là người chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi nhất. Bản thân mang virus đã là nỗi sợ hãi lớn, vì cái chết lúc nào cũng treo lơ lửng… Song may mắn tôi có gia đình tiếp sức mạnh tinh thần mới có ý chí chống chọi lại với dịch bệnh. Thái độ của người xung quanh là liều thuốc để hỗ trợ cho các F0”, ông Sơn bày tỏ.
Hơn 1 tháng chiến đấu với Covid-19 để dành giật sự sống, có những thời điểm cứ ngỡ mất mát sẽ đến với gia đình ông. Cuối cùng bình an cũng đến, ông và cả nhà đã kiên cường vượt qua, sức khỏe vẫn còn yếu nhưng không còn nguy hiểm.
“Tôi thật sự biết ơn sự hỗ trợ của bác sĩ Trân, chính quyền, y tế địa phương và các cô chú xóm giềng. Họ đã hỗ trợ hết mình để cứu sống tôi, nếu không có nỗ lực đó có lẽ đến giờ tôi không còn cơ hội để chia sẻ điều gì nữa”, ông nói.
Kỳ 2: Bí mật “liều thuốc” chống lại dịch bệnh
Nguồn: Báo lao động thủ đô