KTS. Nguyễn Xuân Minh giành danh hiệu “Kiến trúc sư của năm 2022” 

Chiều31/12/2022, Ashui Awards 2022 (lần thứ 11) đã chính thức công bố kết quả bình chọn 10 danh hiệu trong lĩnh vực Xây dựng tại Việt Nam: “Kiến trúc sư của Năm”, “Công trình của Năm”, “Nhà thầu của Năm”, “Chủ đầu tư của Năm”, “Hãng Kỹ thuật của Năm”, “Dự án Tương lai của Năm”, “Xây dựng Xanh của Năm”, “Nhà ở của Năm”, “Nội thất của Năm” và “Dự án Chung tay của Năm” (tiếng Anh: Architect of the Year, Building of the Year, Contractor of the Year, Developer of the Year, Engineering of the Year, Future Project of the Year, Green Build of the Year, Housing of the Year, Interior of the Year, Joint Effort Project of the Year). 

Kết quả dựa trên bình chọn của cộng đồng (30%) và của Hội đồng tuyển chọn (70%), kết thúc lúc 18:00 ngày 30/12/2022 qua trang web giải thưởng www.ashui.com/awards. 

Danh hiệu “Kiến trúc sư của Năm” thuộc về KTS. Nguyễn Xuân Minh – người sáng lập (năm 2007) và là kiến trúc sư trưởng công ty Kiến trúc BHA có trụ sở tại thành phố Huế. Kiến trúc của Nguyễn Xuân Minh và BHA luôn gắn liền với Ánh sáng, Không gian và Nơi chốn. Ánh sáng là chất liệu của kiến trúc. Và bản chất kiến trúc, theo Xuân Minh đó là tạo lập không gian.

KTS Nguyễn Xuân Minh

 Anh luôn thiết kế những khoảng chuyển tiếp, khoảng mở, những khoảng không gian không rõ ràng về công năng. Nơi chốn, đó là văn hóa sống, tập quán sinh hoạt của người dân, là khí hậu, là cảnh quan, là điều kiện kinh tế nơi nó tồn tại. Một số dự án tiêu biểu của BHA gồm: M house (Huế), Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế, Nhà nguyện Khâm Mạng ở Huế (từng giành danh hiệu “Công trình của Năm” – Ashui Awards 2017), Trường Liên cấp Quốc tế Ischool Quảng Trị, Trường quốc tế SNA Marianapolis – Biên Hòa Campus (giành danh hiệu “Công trình của Năm” – Ashui Awards 2022),…

Danh hiệu “Công trình của Năm” thuộc về Trường quốc tế SNA Marianapolis – Biên Hòa Campus do BHA Architects thiết kế. Công trình được định nghĩa bằng sự chuyển động trong kiến trúc. Số lượng modul được tính toán và hình thành dựa trên diện tích tiêu chuẩn tối ưu của các phòng học, đồng thời được bố trí xếp chồng lên nhau trên mặt bằng chữ U đi từ thấp đến cao, chủ đích hướng tầm nhìn vào bên trong nhằm hạn chế tối đa sự tác động của các công trình lân cận. Cách tiếp cận này giúp tạo ra một khu vườn mở bên trong dành cho các hoạt động thể dục thể thao cũng như nâng cao các trải nghiệm ngoài trời cho học sinh ở mọi vị trí và độ cao. Tất cả hướng tới một môi trường giáo dục năng động, kết nối và nhân bản.

Danh hiệu “Nhà thầu của Năm” thuộc về Công ty CP gỗ An Cường – nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu trang trí nội thất và vật liệu décor hàng đầu tại Việt Nam và khu vực từ năm 1994. An Cường hiện là nhà sản xuất nội thất và xuất khẩu cho nhiều thương hiệu nội thất nổi tiếng tại Nhật Bản, Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu, hiện các cổ đông nước ngoài lớn của An Cường là Sumitomo – Nhật, DEG – Đức và Vinacapital. Các dòng vật liệu từ gỗ công nghiệp của An Cường như ván MFC, Melamine MDF, Laminate, Acrylic, Veneer, Ván sàn và các phụ phẩm được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế và trang trí nội thất hiện đại cho nhà ở, chung cư, trường học, bệnh viện, siêu thị, nội thất văn phòng, trần, vách toilet, cửa đi, ván sàn… Bằng các bước tiến vững chắc trong ngành gỗ, An Cường trong 28 năm qua đã chiếm trọn tình cảm của khách hàng là các nhà đầu tư dự án, kiến trúc sư, nhà thầu hay người tiêu dùng.

Danh hiệu “Chủ đầu tư của Năm” thuộc về Masterise Homes – thành viên của tập đoàn Masterise Group, là nhà phát triển bất động sản quốc tế tiên phong áp dụng các chuẩn mực toàn cầu vào việc phát triển, vận hành và quản lý các sản phẩm, dịch vụ bất động sản tại Việt Nam và thế giới. Sở hữu danh mục Branded Residences (bất động sản hàng hiệu) lớn nhất Đông Nam Á, Masterise Homes khẳng định năng lực quốc tế qua sự hợp tác cùng Marriott International – tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới với những thương hiệu Marriott, JW Marriott và Ritz-Carlton. Masterise Homes hiện đang phát triển dự án đô thị The Global City, hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới như tư vấn kiến trúc Foster+Partners, thiết kế cảnh quan WATG, kỹ thuật xây dựng Tung Feng và giám sát dự án Artelia.

Danh hiệu “Hãng Kỹ thuật của Năm” thuộc về Panasonic Việt Nam với công nghệ nanoe™ tạo ra các phân tử nước có kích thước nano. Đây là công nghệ nguyên tử hóa tĩnh điện, thu thập độ ẩm vô hình trong không khí và sử dụng điện áp cao để tạo ra “các gốc hydroxyl bọc trong nước”, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực bao gồm ức chế vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, nấm và vi-rút) và các chất gây dị ứng, phá vỡ các chất độc hại có trong bụi mịn PM2.5 ảnh hưởng đến cơ thể người. Với vai trò là một công ty cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện, Panasonic mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thông qua việc đem lại môi trường trong nhà an toàn và thoải mái giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe và nhà ở của con người nhằm đáp ứng các nhu cầu về chất lượng không khí như thông gió và diệt khuẩn, vốn là những vấn đề đang ngày càng được quan tâm trên toàn thế giới trong những năm gần đây.

Danh hiệu “Dự án Tương lai của Năm” thuộc về Infinity Hanoi do liên danh Takashi Niwa Architects + Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam + Chodai Japan + NH Village thiết kế. Infinity Hanoi là ý tưởng cho cây cầu Trần Hưng Đạo với hình ảnh sóng lượn liên tục nối từ hai bờ mang biểu tượng bất tận về không gian và thời gian của Hà Nội, thể hiện tính hiện đại và thẩm mỹ. Cây cầu này được thiết kế có nhiều không gian cho người đi bộ và xe đạp có thể tiếp cận và ngắm nhìn dòng sông, với mục tiêu sự gắn kết Hà Nội với sông Hồng, và kỳ vọng Hà Nội sẽ trở thành thành phố ven sông có một không hai.

Danh hiệu “Xây dựng Xanh của Năm” thuộc về The Kaleidoscope do Inrestudio thiết kế. The Kaleidoscope là công trình mang trong mình sự tạo hình đa dạng, có thể ví như một chiếc Kính Vạn Hoa đa sắc, tùy thuộc vào hướng nhìn và thời điểm trong ngày. Mục tiêu mà dự án đưa ra là tạo nên một không gian sinh hoạt và làm việc an toàn, tránh xa các tác động của khí hậu khắc nghiệt, bên cạnh đó gia tăng sự tương tác giữa con người và thiên nhiên thông qua kiến trúc.

Thành viên Hội đồng tuyển chọn Trần Thành Vũ từ Edeec đánh giá: “The Kaleidoscope được nghiên cứu kỹ về khí hậu, sử dụng giải pháp mặt đứng 2 lớp, lớp bê tông che có độ sâu lớn che chắn nắng hiệu quả, đồng thời dệt ánh sáng cho các không gian, thiết kế dạng hang động sẽ góp phần làm mát rất tốt cho công trình nhờ hiệu ứng thermal mass, giúp giữ ổn định nhiệt (mát) cho công trình. Không gian cũng vô cùng táo bạo, thể hiện sự tư duy mới mẻ, đột phá của cả kiến trúc sư và nhà đầu tư.”

Danh hiệu “Nhà ở của Năm” thuộc về Bình Thuận House do MIA Design Studio thiết kế. Công trình với nguồn ngân sách hạn chế đi cùng những nhu cầu căn bản cho cuộc sống của một gia đình trẻ, đã đặt ra định hướng về việc tiếp cận kiến trúc một cách thực tế, không rườm rà và mang tính chủ động cao. Thiết kế bên trong ngôi nhà ban đầu sẽ là những khung rỗng ba chiều được module hóa sao cho chủ nhân có thể phát triển thêm nhu cầu sử dụng về sau một cách dễ dàng hơn mà không làm phá đi tổng thể chung. Ngôi nhà được tổ chức ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên, và cấu trúc những khoảng trống công năng cần thiết cho nhu cầu sử dụng cũng như giao thông lưu chuyển bên trong, từ đó cấu trúc luôn cả hành vi và cuộc sống của người sử dụng. Một điều thú vị nữa là công trình được thiết kế và thi công trong thời điểm cách ly mùa dịch Covid nên các kiến trúc sư đã đưa ra hướng thiết kế sao cho có thể truyền đạt và làm việc từ xa với đội ngũ thợ xây dựng địa phương.

Danh hiệu “Nội thất của Năm” thuộc về dự án Mr Green’s Office do MIA Design Studio thiết kế với ý tưởng xây dựng nên một “văn phòng ngoài trời” trong một khối bê tông cao ốc văn phòng khổng lồ. Vật liệu chủ đạo sử dụng trong dự án thể hiện sự chân thật của không gian và từ sự sắc lạnh của kim loại lại tạo ra sự tương phản, bổ trợ cho sự nhẹ nhàng và tinh gọn. Từ đó, cây xanh trở thành một “hoa hậu” đầy sắc màu trong một bức tranh trung tính, nhẹ nhàng. Được dẫn vào trong, người trải nghiệm sẽ mất đi hoàn toàn cảm giác gò bó, ngột ngạt của đô thị khi tới “khu vườn tiếp khách ngoài trời” của “gia chủ”. Không gian tiếp khách và phòng họp được bố trí lọt thảm quanh một mảng vườn thiên nhiên. Không chỉ có công năng tạo sự riêng tư từ những cao ốc xung quanh nhìn vào, khu vườn này còn có chức năng điều tiết ánh sáng, giảm sự chói nắng vào buổi chiều, trực diện, chói chang vào văn phòng. 

Danh hiệu “Dự án Chung tay của Năm” thuộc về Điểm trường mầm non và tiểu học Lùng Vài được xây dựng trên vùng núi cao, gió lạnh ở xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi sinh sống của dân tộc Mông. Điểm trường do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 thiết kế, xây dựng từ nguồn kinh phí từ thiện của Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA Corporation (TP.HCM) với quy mô 600m2, gồm 3 phòng học, một phòng nghỉ giáo viên, một bếp ăn, nhà vệ sinh, sân chơi và đồ dùng học tập. Dự án được tận dụng các nguyên vật liệu tại chỗ khác nhau kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật để các vật liệu có chất lượng hơn, bền vững hơn. Trường sử dụng đất san lấp mặt bằng, đất bạc mầu, kết hợp với phụ gia để trình tường. Mái sử dụng khung thép và tôn 3 lớp nhiều màu, có độ bền cao, che mưa nắng, cách nhiệt tốt, đảm bảo công tác vận chuyển trên địa hình đồi núi và mang tính thẩm mỹ, hài hoà trong khung cảnh.

Lễ trao giải thưởng Ashui Awards 2022 và triển lãm sẽ được tổ chức vào ngày 11/02/2023 tại TP.HCM. Đây là mùa giải Ashui Awards lần thứ 11, kể từ cuộc bình chọn được tổ chức lần đầu tiên năm 2012. Hệ thống giải thưởng này được ví như “Oscars lĩnh vực Xây dựng tại Việt Nam”, nhằm mục đích tôn vinh các kiến trúc sư có những tác phẩm xuất sắc, là tấm gương hành nghề của giới kiến trúc sư, khẳng định vai trò của kiến trúc sư trong xã hội; tôn vinh những công trình kiến trúc mới có giá trị; tôn vinh những nhà thầu uy tín, các hãng kỹ thuật xây dựng có chất lượng chuyên môn cao, và các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản có nhiều đóng góp nổi bật cho xã hội; góp phần định hướng phát triển bền vững ngành Xây dựng tại Việt Nam./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích