Krông Pắc (Đắk Lắk): Người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột
(Xây dựng) – Dự án thành phần 3 thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc, có 8 xã nằm trong diện thu hồi đất để thực hiện dự án. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận từ người dân đến nay công tác kiểm đếm, thông báo thu hồi đất đã đạt 100%.
Bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, trao giấy khen cho nhiều hộ dân bàn giao mặt bằng sớm dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột |
Theo đó, dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 đi qua huyện Krông Pắc với chiều dài tuyến hơn 33km, diện tích giải phóng mặt bằng dọc theo tuyến chính trên 255ha (trong đó giải phóng mặt bằng phần tuyến trên 223ha/33km; giải phóng mặt bằng phần mỏ vật liệu trên 32ha/4 mỏ).
Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân trên địa bàn huyện Krông Pắc đã đạt được những kết quả khả quan. Được người dân địa phương ủng hộ, đồng thuận cao để cùng chính quyền thực hiện tốt việc triển khai công trình trọng điểm quốc gia.
Những vườn sầu riêng thu tiền tỷ mỗi năm, nhưng để thực hiện dự án trọng điểm quốc gia, người dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng sớm cho chính quyền. |
Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã thẩm định và phê duyệt 9 phương án với tổng diện tích hơn 156ha. Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là: 398 tỷ đồng. Diện tích đã phê duyệt đạt 70% theo kế hoạch. Nhận móc 1.959 cọc (hoàn thành 100%); Thông báo thu hồi, kiểm đếm đất trên 223ha/223ha (đạt 100%).
UBND huyện Krông Pắc, giao cho UBND các xã đã và đang xác nhận nguồn gốc sử dụng đất đối với các diện tích đã kiểm đếm xong. Đối với các diện tích còn lại UBND huyện chỉ đạo Hội đồng bồi thường đôn đốc các tổ hoàn thiện để trình phê duyệt trước ngày 30/7/2023.
Đến nay, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột huyện Krông Pắc bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng côn trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (chủ đầu tư), 14km.
UBND huyện Krông Pắc đang triển khai thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh quy mô, xác định vị trí, phạm vi các mỏ vật liệu, công trình trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đối với các vị trí bãi thải, trạm trộn, mỏ vật liệu (đất, đá, cát) phục vụ Dự án thành phần 3, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
Một cây sầu siêng thu hoạch có giá 30-40 triệu/cây, được đền bù chỉ 7 triệu/cây, nhưng người dân luôn sẵn sàng bàn giao mặt bằng để cùng chính quyền thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. |
Tính đến nay, qua kiểm đếm có khoảng 14 hộ dân đủ điều kiện để bố trí tái định cư, UBND huyện Krông Pắc đề xuất các hộ tái định cư tại 3 khu dân cư: Khu Đông Bắc thị trấn Phước An, Khu dân cư Ea Kênh, Khu dân cư Ea Knuếc. UBND huyện đã xin chủ trương của Ban Thường vụ Huyện uỷ về việc điều chỉnh mục tiêu sử dụng đất từ giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện.
Những cây sầu riêng trĩu quả sẽ phải “khai tử” để thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết: Để có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện dự án cao tốc, chúng tôi luôn nỗ lực, đi sâu, sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân nhằm tuyên truyền, vận động đồng thời hỗ trợ người dân trực tiếp. Rất nhiều hộ dân đã đồng thuận trong việc nhận tiền, bàn giao mặt bằng, thậm chí còn đồng ý giao đất trước cho địa phương. Cụ thể như xã Ea Kênh, 100% hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng trước cho chính quyền khi chưa nhận tiền đền bù.
Cũng theo bà Ngô Thị Minh Trinh, việc đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện gặp muôn vàn khó khăn, bởi địa phương được mệnh danh “thủ phủ” cây sầu riêng, giá trị kinh tế rất cao. “Một cây sầu riêng vào thu hoạch có giá từ 30-40 triệu/cây, nhưng đền bù theo giá nhà nước chỉ 7 triệu đồng/cây. Để thuyết phục người dân, tôi phải trực tiếp đi từng nhà, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, để chia sẻ những khó khăn vướng mắc của dân. Đi vận động 1 lần không được thì đi 10 lần, khi nào người dân hiểu được, chia sẻ cùng chính quyền mới thôi. Mỗi người dân là một tác giả trong tác phẩm của cao tốc”, bà Trinh chia sẻ.
Nguồn: Báo xây dựng